Có khá nhiều con đường để lựa chọn dành cho học sinh (HS) tốt nghiệp THCS, chứ không nhất thiết phải là chỗ ngồi ở trường THPT.
Một trong 8 lớp vừa học nghề vừa học văn hóa tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam hiện nay. Ảnh: X.PHÚ |
Đang có xu hướng HS tốt nghiệp THCS sau khi không vào được lớp 10 công lập đã lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học nghề kết hợp với văn hóa, thay vì chỉ học văn hóa tại các trường ngoài công lập hay trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Điều đó được thể hiện ở kết quả tuyển sinh năm học 2017 - 2018 khi các trường THPT tư thục, Trung tâm GDTX tỉnh tuyển được rất ít HS còn các trường dạy nghề tuyển sinh số lượng khá nhiều, thậm chí có trường “bội thu”.
Xu hướng chọn học nghề
Với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2017 - 2018 là 90%, những tưởng các trường THPT tư thục trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi để tăng số lượng tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy! Ngay cả Trường THPT Hà Huy Tập (Tam Kỳ) - ngôi trường có chất lượng dạy học không thua kém bất cứ trường THPT công lập nào, cũng chỉ tuyển được 2 lớp với tổng số 80 HS. Còn các trường như THPT Phạm Văn Đồng (Quế Sơn) hay phổ thông nhiều cấp học Hoàng Sa (Điện Bàn) gặp khó khăn khi tuyển sinh chỉ được vài chục HS. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập - Lại Thế Nam, tuyển sinh năm học vừa rồi vẫn còn khó khăn, hy vọng năm nay với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập giảm xuống 85% nhà trường sẽ thu hút được nhiều HS vào học.
Bức tranh tuyển sinh lớp 10 của hệ GDTX còn hiu hắt hơn. Sau khi giải thể loại hình trung tâm GDTX cấp huyện, chỉ còn Trung tâm GDTX tỉnh (đóng tại Tam Kỳ) thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu học chương trình văn hóa cho HS không vào được các trường THPT. Theo một lãnh đạo trung tâm, năm vừa qua chỉ tuyển được vỏn vẹn 13 HS vào lớp 10, ít hơn cả các năm trước. Hiện nay, tại trung tâm có 1 lớp 11 với 35 học viên và 1 lớp 12 với 32 học viên. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức giảng dạy cho 3 lớp 11 và 12 với tổng cộng 89 học viên tại Trường THPT Nguyễn Khuyến (Điện Bàn) và THPT Trần Quý Cáp (Hội An).
Trong khi đó, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là trường vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, đang trở nên hấp dẫn đối với HS tốt nghiệp THCS. Những năm trước, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam khá chật vật trong việc tuyển sinh đối tượng này thì năm qua đã có sự đột biến khi tuyển được hơn 300 chỉ tiêu (trong đó 240 trường hợp vừa học nghề vừa học văn hóa). Tương tự, Trường Trung cấp Nghề kinh tế kỹ thuật miền Trung Tây Nguyên cũng thành công bất ngờ khi tuyển được 152 chỉ tiêu, còn Trường Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung tuyển được 58 chỉ tiêu. Ngoài ra, các trường nghề khác cũng tuyển được cả trăm HS tốt nghiệp THCS vào học nghề.
Giải thích lý do số lượng tuyển sinh tăng đột biến trong năm vừa qua, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam - ông Nguyễn Thanh Quang cho rằng là nhờ làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp đến tận cơ sở và chủ trương phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS của tỉnh. Cạnh đó, nhà trường còn quan tâm gắn đào tạo với việc làm, tăng cường sự phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng, bố trí chỗ ở nội trú nên thu hút được nhiều HS. Đây là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặt hái được thành công trong tuyển sinh hệ trung cấp, mở ra hướng đào tạo mới.
Lợi ích kép
Lợi ích của việc học “2 trong 1” - vừa học nghề, vừa học văn hóa, đã rõ khi sau 3 năm học tại trường, học viên có được bằng trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT (thay vì học 3 năm ở trường THPT rồi mới đi nghề). Dẫn chứng câu chuyện đang có 8 lớp với 240 học viên vừa học nghề vừa học văn hóa tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam mới thấy sức hút của giáo dục nghề nghiệp đối với HS. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác hiện nay thu hút được số lượng lớn HS vào học nghề. Điều này cũng đã phần nào giải đáp băn khoăn của nhiều người rằng “HS không vào được lớp 10 công lập sẽ về đâu?”.
Việc tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập từ 95% xuống 90% năm 2017 và 85% năm 2018 cũng đem lại niềm vui cho các trường THPT công lập. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành chia sẻ, những năm trước đây tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 là 95%, song có một số trường hợp HS không ra lớp ngay từ đầu do không có nhu cầu học lên lớp 10. Đó là chưa kể, chỉ tiêu tuyển sinh quá cao nên những HS học lực yếu vẫn được vào lớp 10 nhưng lại không thể theo kịp chương trình dẫn đến chán học rồi bỏ học. Từ đó khiến cho trường rất khó khăn trong việc vận động HS ra lớp, xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy và xây dựng trường chuẩn. Vì vậy, giảm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ góp phần tăng chất lượng và nhất là giảm tình trạng bỏ học giữa chừng - điều mà các trường “đau đầu” trong những năm qua. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, phần lớn HS bỏ học những năm qua đều tập trung ở bậc THPT. Gần nhất là năm học 2016 - 2017, trong tổng số hơn 2.000 HS bỏ học các cấp, riêng THPT chiếm đến hơn 1.400 trường hợp. Dưới góc độ tài chính, Nhà giáo ưu tú Hà Thị Thu Sương cho rằng, đó là sự lãng phí rất lớn về kinh phí của nhà nước, của gia đình và công sức của HS. Nếu định hướng phân luồng tốt, hướng HS học nghề sớm chắc chắn sẽ tránh được tình trạng này.
Rõ ràng, có khá nhiều con đường để lựa chọn dành cho HS tốt nghiệp THCS, chứ không nhất thiết phải là chỗ ngồi ở trường THPT. Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, với những trường hợp học lực có hạn, thay vì cố gắng học 3 năm ở trường THPT rồi mới đi học nghề thì ngay từ khi xong lớp 9, HS có thể vào học trường nghề.
Cánh cửa trường nghề đang rộng mở cho tất cả HS tốt nghiệp THCS sắp tới.
XUÂN PHÚ