Chọn kênh đầu tư sinh lãi?

TRỊNH DŨNG 15/10/2014 09:14

Chọn kênh nào đầu tư để sinh lãi đang là chuyện băn khoăn, phân vân của không ít nhà đầu tư và dân chúng có dòng tiền nhàn rỗi.

Phân vân

Năm năm gần đây, anh Nguyễn Hà Linh ở Bồng Lai (xã Điện Minh, Điện Bàn) được giới đầu tư “lướt sóng” trên sàn chứng khoán và bất động sản liên vùng Quảng Nam – Đà Nẵng cho là “may mắn” khi liên tục trúng những khoản đầu tư bất ngờ. Nhưng giờ đây, đội thợ xây dựng 15 người và ông chủ thường xuyên có mặt ở những “điểm nóng” đầu tư trước đây đã thưa dần những hợp đồng làm ăn. Nhiều ngày qua, anh Linh vẫn thường tìm đến các quán cà phê tập trung nhà đầu tư như anh, liên tục hỏi thăm xem ở đâu có mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh hiệu quả để tham gia góp vốn, mua cổ phần, hoặc có công ty nào đang làm ăn tốt, muốn phát hành trái phiếu… Theo anh Linh, nhiều người cho rằng khi thị trường xuống, tài sản giá rẻ nhiều, tha hồ đầu tư, nhưng thực tế, tìm kênh đầu tư không dễ.

Nhiều nhà đầu tư và dân có tiền nhàn rỗi đã chọn gửi tiết kiệm như một kênh đầu tư sinh lãi an toàn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Ảnh: T.D
Nhiều nhà đầu tư và dân có tiền nhàn rỗi đã chọn gửi tiết kiệm như một kênh đầu tư sinh lãi an toàn trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Ảnh: T.D

Chọn kênh nào đầu tư sinh lãi chưa bao giờ là cũ, không chỉ với những nhà đầu tư “lướt sóng” như Linh mà còn là của nhiều người có tài sản hay dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh thị trường còn đầy khó khăn như hiện tại. Cuộc đầu tư nào để sinh lãi cũng tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro, sự dấn thân và kể cả vận may của từng người, nên không thể đưa ra một câu trả lời chung nhất là đầu tư vào đâu hiệu quả cho tất cả mọi người. Khuyến cáo của các chuyên gia tài chính rằng những khoản đầu tư nào mang lại lợi nhuận cao, nhất là trong thời gian ngắn thì thường là những khoản đầu tư có độ rủi ro cao. Hiện tại thị trường bất động sản dù đã được bơm vốn ưu đãi từ các ngân hàng nhưng cũng khó “tan băng” trong vòng 2 hay 3 năm nữa. Những cổ phiếu trên sàn chứng khoán có kết quả kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng cao… không nhiều. Nhà đầu tư phải tham khảo các báo cáo trước khi quyết định đầu tư nhưng độ tin cậy của các báo cáo không dễ lường. Đầu tư vào vàng khó tìm lợi nhuận kể từ khi Nghị định 24/CP/2012 ra đời. Cơ hội kinh doanh vàng bị thu hẹp, ít người dễ dàng kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá. Còn gửi tiết kiệm ngân hàng thì lãi suất thấp... Tất cả điều này đang là thực tế xảy ra nên đã khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi băn khoăn, phân vân không biết bỏ vốn vào kênh nào để mang lại hiệu quả mà ít rủi ro trong bối cảnh thị trường còn đầy khó khăn như hiện nay.

Gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn

Không tìm được câu trả lời từ phía thị trường và những nhà đầu tư khác, anh Linh đã quyết định chọn cách gửi tiết kiệm. Đó cũng là cách được nhiều người chọn lựa hiện nay như một giải pháp an toàn hơn bất kỳ khoản đầu tư nào trong hiện tại, dù khả năng sinh lãi thấp. Không như những dự báo thiếu lạc quan rằng trần lãi suất huy động vừa được điều chỉnh giảm, thậm chí nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động vì thừa thanh khoản, lo ngại tiền tiết kiệm sẽ chảy qua các kênh đầu tư khác. Nhưng số liệu từ các ngân hàng cho thấy điều này đã không xảy ra. Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, tình hình huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tổng huy động trên địa bàn đến ngày 30.9.2014 ước đạt 19.344,35 tỷ đồng, tăng 14,96% so với đầu năm và tăng 22,50% so với cùng kỳ. Trong đó, có 17/23 tổ chức tín dụng (không tính Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng) đạt tốc độ tăng trưởng dương so với đầu năm. Đáng kể nhất là Ngân hàng Đầu tư +11,55%, Nông nghiệp +17,68%, Ngoại thương +15,99%, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long +18,41%, Ngân hàng Xuất nhập khẩu +48,13%, An Bình +44,89%... Chiếm đa số trên tổng vốn huy động là tiền gửi tiết kiệm từ dân cư (81,69%), tăng 21,61% so với đầu năm và tăng 23,29% so cùng kỳ, còn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế chiếm tỷ trọng khoảng 17,85%. Hiện lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn tiền đồng Việt Nam dưới 1 tháng phổ biến ở mức 0,5 - 1%/năm. Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 5,8 - 5,9% năm, kể cả các chi phí quà tặng cũng không vượt quá quy định 6%/năm. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 6,3 - 7,2%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên  7,2 - 8 năm…

Theo ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng tại Quảng Nam vẫn tăng mạnh. Mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm (lãi suất huy động thấp nhất trong 7 năm gần đây), nhưng nhờ các ngân hàng thương mại kịp thời đưa ra những sản phẩm huy động đa dạng, nhiều kỳ hạn gửi gắn với các chương trình tiết kiệm dự thưởng, tặng quà trực tiếp cho khách hàng giao dịch đã thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư. Đây là một trong những lý do góp phần dẫn đến sự tăng trưởng ổn định của nguồn vốn huy động trên địa bàn. “Chứng khoán, bất động sản phục hồi chậm, trong khi vàng, ngoại tệ không có “sóng” lớn, nên gửi tiết kiệm được nhiều người dân lựa chọn. Điều này cho thấy việc giảm lãi suất huy động của ngân hàng không ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người đầu tư, nhất là tiền gửi của dân cư và nền kinh tế, cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng ngày càng tăng” - ông Diện nói.

Hiện lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại trên địa bàn không có sự chênh lệch lớn. Đa số đơn vị áp dụng mức lãi suất huy động ngắn hạn tương đương nhau. Chọn ngân hàng nào gửi tiết kiệm là quyết định cá nhân của mỗi nhà đầu tư hay dân có tiền nhàn rỗi!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chọn kênh đầu tư sinh lãi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO