Loại bỏ những biểu hiện tâm linh về mê tín, những lễ hội liên quan đến rừng và thần rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam mang ý nghĩa sâu sắc về việc bảo vệ rừng. Điển hình là lễ khai sơn và tạ sơn ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, Quế Sơn) và làng Trung Hạ (xã Quế Trung, Nông Sơn) hay những luật tục về rừng của những tộc người thiểu số ở miền núi.
Lễ hội khai sơn, tạ sơn
Theo các vị bô lão, cư dân của làng Nghi Sơn và Trung Hạ xưa chủ yếu sống bằng nghề rừng, hằng ngày họ vào rừng bẫy chim, săn thú, lấy gỗ, hái nấm, tìm mật ong… Những sản phẩm này được người dân đem trao đổi để lấy nhu yếu phẩm. Vì vậy họ rất yêu quý rừng núi, đồng thời tin vào những đấng linh thiêng đã phù hộ là thần núi, thần rừng. Họ cũng nhớ ơn những tiền nhân có công khai phá vùng đất này, bằng lập miếu thờ ở đầu bìa rừng. Hằng năm dân làng thường tổ chức các ngày lễ liên quan đến rừng gọi là lễ khai sơn và tạ sơn.
Lễ khai sơn ở Nghi Sơn được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng, lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, từ diễn lễ đến hội với nhiều hình thức phong phú và mang đậm nét dân gian vùng miền. Còn tại làng Trung Hạ, mỗi năm hai lần, người dân thường tổ chức dâng cúng lễ vật vào ngày mùng 7 tháng Giêng (gọi là lễ khai sơn) và ngày 14 tháng Bảy (gọi là lễ tạ sơn), nhân dân gọi là cúng cửa truông.
Ngày xưa, những người trong ban tế lễ là những người có uy tín và được dân làng tín nhiệm cử vào và phải ăn chay ba tháng, nay còn 10 ngày, không vướng điều trần tục, nếu phạm phải thì báo để cử người khác thay thế. Lễ vật cúng thần núi rừng là trai bàn (hoa quả, bánh trái, xôi chè…), còn bàn cúng thành hoàng, đất đai là bàn soạn (có kèm vật phẩm mặn như heo, gà).
Sau phần lễ là phần hội, gồm các trò chơi dân gian, hát bộ, hò khoan đối đáp. Điều đáng lưu ý là khi chưa làm lễ khai sơn thì dân làng không được vào rừng; vì quan niệm rằng chưa xin mà vào rừng sẽ bị thần linh quở trách, bị ốm đau, tai nạn. Làng đặt ra luật tục, hương ước là không một ai trong làng vào rừng đốn củi, đốt than, nếu vi phạm sẽ bị thần rừng quở phạt, còn ban quản trị của làng sẽ phạt người vi phạm rất nặng, nếu tái phạm sẽ bị đuổi khỏi làng. Tuy hình thức này hiện nay không còn, nhưng truyền thống ấy vẫn còn trong tâm thức của người dân nơi đây, họ luôn chấp hành những quy định của luật pháp về bảo vệ và chăm sóc rừng.
Góp phần bảo vệ rừng
Mọi cư dân hiện hữu trên vùng núi Quảng Nam, từ tộc người Cơ Tu đến Xơ Đăng, Co, Giẻ Triêng đều dựa vào kinh tế nương rẫy là chủ yếu; họ lấy việc sản xuất trồng trọt, săn bắt, hái lượm để làm kế sinh nhai, chính vì thế rừng rất quan trọng đối với đời sống của họ. Tuy nhiên, mỗi một tộc người đều có quan niệm khác nhau về phong tục, lễ hội về rừng, nhưng tựu trung các tộc người thiểu số đều cho rằng thần núi, thần rừng, thần nước… là những vị thần luôn giúp đỡ và che chở cho họ, nên họ rất kính trọng, gìn giữ và bảo vệ rừng một cách tự giác. Tiêu biểu cho việc tôn trọng và bảo vệ rừng của các tộc người thiểu số ở Quảng Nam là đồng bào Cơ Tu.
Tộc người Cơ Tu ở Quảng Nam sống chủ yếu ở ba huyện miền núi là Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắt, hái lượm nên đều dựa vào rừng. Rừng đối với họ rất thiêng liêng. Người Cơ Tu quan niệm rừng như người mẹ đem lại nguồn sống nên phải giữ gìn, bảo vệ. Vì vậy tộc người Cơ Tu truyền thống thường có quy ước cấm khai thác 2 loại rừng: rừng ma (kathia) và rừng thiêng (kalưr), đây là những cánh rừng nguyên sinh, có nhiều loại gỗ quý hiếm cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.
Hằng năm, họ tổ chức lễ cúng Yàng rừng (Nghê Bluôi Crưng), trong lễ sử dụng trống, đánh liên tục, nếu trong lễ có con diều hay con chim lớn bay lượn trên bầu trời có nghĩa là Yàng đã chứng lễ. Trong xã hội truyền thống của người Cơ Tu, bản làng luôn được xem là một tổ chức cơ bản và duy nhất có quyền sở hữu những tài nguyên quý hiếm của rừng thông qua luật tục, qua khái niệm tâm linh, xem đó là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và chăm sóc rừng. Vì vậy việc sở hữu nhà nước đối với rừng, một phần nào đó hạn chế trong việc quản lý rừng một cách hữu hiệu, cần phải được nghiên cứu trong giải pháp bảo vệ của cộng đồng làng đối với các tộc người thiểu số ở miền núi nói chung, tộc người Cơ Tu nói riêng.
Tóm lại, những phong tục, lễ hội về rừng ở một số bản làng, tộc người ở Quảng Nam đều mang một nét riêng, nhưng tựu trung đều có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống của cư dân địa phương đối với việc bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng. Do đó những yếu tố mang tính tâm linh hay những lễ hội truyền thống tích cực cần được bảo tồn và phát huy để màu xanh của rừng ngày càng được che phủ rộng khắp.