Nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến sản xuất nông nghiệp Quảng Nam thêm một năm đầy lo toan, vất vả. Từ giữa vụ đông xuân rồi đến hè thu, ngành nông nghiệp, các địa phương và hàng chục nghìn hộ nông dân phải tập trung chống hạn với rất nhiều phương án được triển khai thực hiện. Dù vậy, hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu và hàng trăm vườn cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn phải chịu cảnh chết khô vì “lực bất tòng tâm”. Trong số các kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 11 diễn ra tuần này, tập trung nhiều nhất là những đề xuất về xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi.
Chưa có con số thống kê chính xác (mà chắc cũng khó thống kê đầy đủ) bao nhiêu tiền của đã đổ ra để cứu những cánh đồng hay từng thửa ruộng trước nguy cơ thất thu sản lượng, hoặc mất trắng do khô hạn kéo dài, nhưng chắc chắn, tiền bạc, công sức tiêu tốn là không hề nhỏ. Chỉ riêng con đập bổi ngăn sông Vĩnh Điện được thi công vào giữa vụ đông xuân để giải hạn cho khoảng 1.700ha lúa của một số xã thuộc huyện Điện Bàn, ngân sách tỉnh đã chi hết 1,5 tỷ đồng. Khoản đầu tư này tất nhiên là rất chính đáng, cần thiết. Cũng vì sự cần thiết, chính đáng ấy mà trong mấy năm qua, năm nào Quảng Nam cũng phải xây dựng không ít công trình thủy lợi tạm bợ, nhất thời. Mỗi con đập bổi được đầu tư xây dựng, kinh phí từ vài trăm triệu đến tiền tỷ, nhưng chỉ có thể góp phần đảm bảo nước tưới cho một vụ mùa, hoặc nhiều hơn là nửa sau vụ đông xuân và cả vụ hè thu nếu khô hạn đến sớm và kéo dài như năm nay; sau đó thì trôi ra sông biển. Năm sau lại phải bỏ công sức, tiền của ra làm cái mới. Trong tình trạng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, chưa mang lại lợi nhuận đáng kể cho bà con nông dân, những khoản đầu tư nêu trên, nếu ngẫm nghĩ, sẽ có nhiều điều cần bàn thảo. Bởi, nếu tính đầy đủ các khoản đầu tư (kể cả khoản hỗ trợ của Nhà nước về thủy lợi) từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, có khi một thửa ruộng trong vùng khô hạn được giải cứu cũng chỉ cho giá trị thu nhập bằng hoặc cao hơn một chút so với toàn bộ chi phí đầu vào. Nhìn rộng hơn, nếu như những kiến nghị của người dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri được thực hiện trọn vẹn, thì sẽ có không ít nơi, số vốn đầu tư cho công trình thủy lợi, không biết đến bao giờ mới được thu hồi qua sản xuất với cách thức làm nông nghiệp ở trình độ hiện nay.
Với nhà nông, mỗi thửa ruộng thoát được cảnh chết khô vì nắng hạn đã là niềm vui, niềm hạnh phúc, dù đôi khi số tiền của, công sức bỏ ra chống hạn nhiều hơn so với giá trị thu về sau mỗi vụ mùa. Tuy nhiên, xét đến bài toán kinh tế, tính hiệu quả trong bất cứ ngành sản xuất kinh doanh nào cũng phải đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh yêu cầu đẩy nhanh công nghiệp hóa và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Và như vậy, trách nhiệm lớn nhất trong việc giải bài toán kinh tế nông nghiệp, trước hết thuộc về các ngành chức năng và chính quyền các cấp. Với nguồn lực hạn hẹp như hiện nay, trong hàng chục năm nữa, Quảng Nam chắc chắn cũng không đủ sức để đầu tư tất cả công trình thủy lợi như kiến nghị của cử tri ở các địa phương. Nhưng có lẽ, không nhất thiết phải đáp ứng mọi nhu cầu từ phía người dân, nếu xem xét sâu hơn, kỹ hơn và toàn diện hơn bài toán kinh tế trong sản xuất. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này và có lẽ cũng cấp bách như chống hạn là những nghiên cứu bài bản, khoa học về quy hoạch vùng sản xuất để định hướng đầu tư, bố trí lại cơ cấu cây trồng ở từng khu vực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để sử dụng tiết kiệm nước tưới trong bối cảnh những dự báo về thời tiết ngày càng khắc nghiệt.
LÊ VĂN