Mùa đông năm nay, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò ở huyện miền núi
Chuồng trại chống rét cho trâu, bò tại các địa phương của huyện Tây Giang.Ảnh: Đình Hiệp |
Hết lo
Mấy cơn bão lũ đi qua, mưa kéo dài cả tháng nhưng đàn bò của bà Alăng Thị Đoam, ở thôn Xà Ơi 1 (xã A Vương, huyện Tây Giang) vẫn no bụng, không bị đói rét. Những năm trước đây, khi mùa mưa đến, gia đình bà Đoam rất lo lắng không biết phải làm cách nào để đàn bò của mình khỏi bị đói rét. Năm nào, nhà bà cũng có bò chết vì rét khiến kinh tế bị ảnh hưởng, nợ nần chồng chất. Nhưng từ khi chương trình “Hỗ trợ làm chuồng trại và trồng cỏ dự trữ lương thực vật nuôi” của tổ chức phi chính phủ Malteser (Cộng hòa Liên bang Đức) được triển khai, đàn bò của bà Đoam vẫn béo tốt, đủ khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ kéo dài cả tháng trời.
Gia đình bà Đoam cũng như hàng chục hộ khác nằm trong vùng dự án của tổ chức Malteser tài trợ, mở lối phát triển đàn bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Gia đình bà cùng với 10 hộ chăn nuôi khác trong thôn thành lập câu lạc bộ (CLB) phát triển chăn nuôi gia súc Xà Ơi 1, bước đầu đã nuôi với số lượng 14 con bò, sinh trưởng rất tốt. Bà Đoam cho biết, từ khi CLB phát triển chăn nuôi gia súc thôn Xà Ơi 1 hình thành, 11 cái chuồng chung (mỗi cái rộng gần 50m2) đã được người dân dựng lên, trâu bò có chuồng trại ổn định. Ngoài việc lập khu chăn nuôi tập trung, 11 hộ dân trong CLB còn tham gia trồng cỏ voi, dự trữ rơm khô từ đồng ruộng để làm thức ăn cho đàn gia súc vào mùa đông.
Tây Giang hiện có 10.214 con gia súc. Trong đó, có 4.080 con trâu bò, 5.116 con heo, 906 con dê cùng một số con vật nuôi khác. Từ hiệu quả của mô hình dự án, năm 2013, tổ chức Malteser phối hợp với UBND huyện Tây Giang hỗ trợ tổng số tiền gần 3 tỷ đồng (Malteser hỗ trợ gần 800 triệu đồng, nguồn vốn Chương trình 30a là 277 triệu đồng và nguồn khuyến nông - khuyến lâm huyện 255 triệu đồng) để mua con giống, vật liệu làm chuồng trại và hỗ trợ giống cỏ, hướng dẫn kỹ thuật trồng làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc vào mùa mưa. |
Ông Nguyễn Đình Được - Phó ban Chỉ đạo dự án “Khuyến khích bảo tồn và sử dụng rừng bền vững” huyện Tây Giang cho biết, những năm trước đây người dân nơi đây đều thả rông trâu, bò nên thường xuyên xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết do đói rét hoặc tự quấn dây vào cổ. Do vậy, đàn gia súc của huyện nhiều năm bị sụt giảm. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, ngành chuyên môn phải bám dân, hướng dẫn nhân dân cách chăn nuôi, nhất là kỹ thuật làm chuồng trại, ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, mô hình làm chuồng trại, trồng cỏ dự trữ vào mùa mưa đang thực sự đem lại tín hiệu đáng mừng cho người dân nuôi gia súc tại Tây Giang, giúp làm thay đổi tập quán chăn nuôi lâu đời của đồng bào nơi đây.
Nhân rộng mô hình
Từ hiệu quả trong việc chăn nuôi bò tập trung và có chuồng trại tại xã A Vương, huyện Tây Giang đang tiếp tục nhân rộng mô hình tại 4 xã còn lại của vùng dự án là A Nông, Bha Lêê, A Tiêng và Tr’Hy. Theo đó, tại xã A Nông, 12 hộ dân của CLB phát triển chăn nuôi gia súc thôn Anoonh đã nuôi tập trung được 27 con trâu, bò; CLB thôn R’cung (xã Bha Lêê) có 8 hộ nuôi 8 con bò; CLB thôn Tơ Viêng (xã A Tiêng) 11 hộ nuôi 20 con và CLB thôn Achua (xã Tr’Hy) 8 hộ nuôi 16 con bò.
Theo ông Hồ Đắc Vinh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Malteser, chính quyền huyện Tây Giang khuyến khích các hộ dân nuôi gia súc trên địa bàn học cách chăm sóc vật nuôi có hiệu quả. Như đợt xảy ra bệnh lở mồm long móng vừa qua, chính nhờ có chuồng trại kiên cố, đảm bảo đã hạn chế được số trâu bò chết, cán bộ thú y triển khai phòng dịch được dễ dàng, hiệu quả. “Trước đây, khi chưa có chuồng trại, việc triển khai phòng dịch tại địa phương rất khó khăn vì trâu bò đều thả rông, không kiểm soát được. Nhiều đợt dù có vắc xin phòng ngừa nhưng ngành chức năng rất khó tiếp cận được đàn gia súc của dân” - ông Vinh cho hay.
Ông Phạm A - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, để công tác phòng chống rét cho gia súc có hiệu quả, ngay từ đầu năm chính quyền huyện Tây Giang đã yêu cầu các xã thống kê toàn bộ đàn gia súc, gia cầm, số hộ có chuồng trại và hộ chưa có chuồng trại để khẩn trương có biện pháp thực hiện. Đặc biệt, từ đầu tháng 9.2013, huyện chỉ đạo các xã phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn thôn nhằm quán triệt, hướng dẫn người dân sửa chữa, che chắn chuồng trại; tích cực thu gom và trồng cỏ để làm thức ăn bổ sung cho gia súc vào mùa đông; phấn đấu mỗi hộ chăn nuôi trâu, bò phải có ít nhất một chuồng trại cùng một sào cỏ voi, cột rơm khô dự trữ... “Với các biện pháp chỉ đạo đồng bộ, tập trung của các cấp chính quyền địa phương, cùng với sự chủ động của các hộ dân trong việc chăm sóc, chăn nuôi đàn gia súc theo hướng có chuồng trại, hy vọng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về con vật nuôi do điều kiện mưa, rét gây ra trên địa bàn huyện” - ông Phạm A nói.
ĐÌNH HIỆP - LĂNG A CÚI