Chống tham nhũng

ĐĂNG QUANG 04/07/2016 08:28

Chung quanh việc góp ý dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) có nhiều câu chuyện đáng lưu tâm.

Tháng trước, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng đề nghị “không in các loại tiền có mệnh giá lớn; chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì sẽ rất dày”. Cái lý cho đề xuất này là nếu chạy chọt một việc gì đấy mất 200 triệu đồng thì kẻ hối lộ phải gói tiền bằng khoảng... 100 “cục gạch” và thuê xe xích lô để chở. Vui thật, ông Hiển đã không nghĩ là người ta có thể quy đổi ra thứ có kích cỡ nhỏ hơn mà giá trị lớn hơn nhiều, như chiếc nhẫn kim cương chẳng hạn, giá có thể tới hàng trăm ngàn USD.

Cũng liên quan đến chuyện phòng nạn hối lộ chạy chọt dưới hình thức quà tặng, Thanh tra Chính phủ đưa vào dự thảo luật rằng, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ được sử dụng tiền, tài sản của nhà nước để tặng quà theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và phải công khai việc tặng quà. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trực tiếp đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi mình quản lý. Đặc biệt, dự thảo luật nêu: “Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép nhận quà tặng mang tính chất lưu niệm và có giá trị đến 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Trường hợp quà tặng có giá trị trên 2 triệu đồng thì người nhận quà phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”. Tiền thu được từ việc bán quà tặng, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc bán quà tặng, phải được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nghe qua thì thấy quy định như vậy coi bộ chặt chẽ. Song, nhìn cái mức hai triệu đồng, nói lớn hay nhỏ còn phải bàn thảo nhiều và nếu quà tặng là thứ không thể định giá được thì sao? Thực tế, có người tặng một chậu cây kiểng, nói để chơi vui thôi, nhưng rồi người nhận xong bán cả chục triệu đồng thì ai biết. Hình thức quà tặng cũng vô vàn, có thứ giá trị rất cao nhưng người ta không định giá mà chỉ coi là... tinh thần, thì làm thế nào?

Hai triệu đồng, có thể chỉ là hạn độ để phòng chống tham nhũng vặt mà thôi. Việc chống nạn hối lộ, tham nhũng mức độ lớn thì cần phải xét đến các hình thức tinh vi hơn nhiều và phải xử phạt nặng mới răn đe được. Đó là nguyên do một số nước còn duy trì hình thức phạt tội tham nhũng với mức án đến chung thân, hoặc tử hình.

Rõ ràng việc phòng chống tham nhũng là bức bách, đòi hỏi nhiều giải pháp, nhưng những đề xuất nêu trên e khó khả thi. Nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cường, các giải pháp, quy định về chống tham nhũng còn hời hợt và kém hiệu quả, lấy ví dụ cụ thể là các biện pháp quản lý tài sản qua trả lương theo tài khoản ngân hàng hay biện pháp kê khai tài sản. Lương thì ai cũng bảo không đủ sống mà người ta vẫn sống tốt, kê khai tài sản thấy cán bộ nghèo mà có biệt thự, xe sang. Đây là nghịch lý ở ta vẫn chưa có cách kiểm soát hữu hiệu. Ở nhiều nước, có cơ quan kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra vào tài khoản đồng thời xem xét về tài sản của công chức nhà nước rất kỹ. Khi cơ quan này phát hiện  thân nhân (gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột) của người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy có tài sản tăng hoặc tiêu dùng lớn so với thu nhập thì người đó phải giải trình. Trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm thì tài sản đó bị xem là tài sản tham nhũng, bị tịch thu, và sẽ bị xử lý trách nhiệm tùy theo giá trị tài sản không giải trình được.

Vấn đề căn cốt hơn là mọi biện pháp, chế tài chống tham nhũng  đều phải dựa trên thể chế và luật lệ. Đó là môi trường làm việc trong một nhà nước pháp quyền mà người ta “không muốn, không dám và không thể tham nhũng”.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO