Chủ động đối phó với khô hạn

VĂN SỰ 03/05/2013 09:22

Hồ chứa không tích đủ nước, dòng chảy các sông tụt giảm mạnh, mặn có nguy cơ xâm nhập sâu với nồng độ cao, vụ hè thu 2013 nhiều khả năng xứ Quảng sẽ xảy ra tình trạng khô hạn khốc liệt. Trước tình hình trên, các đơn vị liên quan đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp để chủ động đối phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại...

Ngành thủy lợi huy động tối đa nhân lực ra quân nạo vét hệ thống kênh mương.
Ngành thủy lợi huy động tối đa nhân lực ra quân nạo vét hệ thống kênh mương.

Nguy cơ hạn hán nghiêm trọng

Ông Võ Đình Niên – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, hiện nay hồ chứa Vĩnh Trinh đang thiếu hơn 4 triệu mét khối nước. Vì vậy, vụ hè thu 2013 tại xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Trinh thuộc huyện Duy Xuyên sẽ có 300-400ha đất lúa do công trình này đảm nhận tưới bị thiếu hụt nước nghiêm trọng. Ông Niên nói: “Hồ chứa Vĩnh Trinh không là cá biệt. Thời gian qua do nắng nóng kéo dài, lượng mưa quá ít nên tính đến thời điểm này trong tổng số 74 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh thì chỉ có 20 hồ tích đủ nước. Đáng lo nhất là những hồ chứa lớn như Đông Tiển, Thái Xuân, Trà Cân, Cây Thông đang bị thiếu 2-5m nước”. Ngoài ra, hầu hết đập dâng ở khu vực miền núi có nguy cơ cao bị suy giảm mạnh dòng chảy cơ bản, không đảm bảo nguồn nước tưới vào thời điểm tháng 7, 8 năm 2013.

Hàng loạt hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cũng chung cảnh ngộ. Qua đo đạc mới đây cho thấy, hiện mực nước của hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 mới chỉ đạt 139m/161m, thủy điện A Vương 351m/380m, thủy điện Sông Côn 276m/278m, thủy điện Đắc Mi 4 gần 249m/258m. Ông Nguyễn Minh Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi lo ngại: “Do các hồ thủy điện này tích chưa đạt mực nước dâng bình thường, lưu lượng nước đến hồ thấp hơn trung bình nhiều năm nên trong vụ hè thu tới khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp là rất lớn”.

Cần nói thêm, từ tháng 1 đến 4.2013 dòng chảy trên các sông suối, nhất là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn luôn ở mức thấp. Cụ thể, trên sông Vu Gia, mực nước tại trạm thủy văn Ái Nghĩa dao động ở mức 2,30-2,70m, thấp hơn 0,4-0,5m so với trung bình nhiều năm. Trên sông Thu Bồn, mực nước tại trạm thủy văn Giao Thủy dao động ở mức 1,1-1,30m, thấp hơn mức trung bình nhiều năm 0,3-0,5m. Theo ông Tuấn, dự báo trong thời gian đến, mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ không ổn định và có xu thế xuống rất thấp, nhất là khi các hồ thủy điện bậc thang trên thượng nguồn không còn khả năng điều tiết xả nước phát điện do bị cạn kiệt, dẫn đến nhiều diện tích sản xuất vụ hè thu ở các địa phương phía bắc của tỉnh sẽ bị khô hạn nặng.

Nếu nắng nóng kéo dài, vụ hè thu 2013 toàn tỉnh sẽ có ít nhất 15 nghìn héc ta lúa bị khô hạn nghiêm trọng.  Ảnh: VĂN SỰ
Nếu nắng nóng kéo dài, vụ hè thu 2013 toàn tỉnh sẽ có ít nhất 15 nghìn héc ta lúa bị khô hạn nghiêm trọng. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hè thu 2013, ngoài việc gieo sạ 45.000ha lúa thì nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức canh tác 30.600ha bắp, rau đậu và các loại cây trồng cạn khác. Trước tình hình trên, nhiều khả năng vụ này Quảng Nam sẽ có gần 22.000ha lúa và hoa màu bị thiếu hụt nước tưới trầm trọng...

Tận dụng mọi nguồn nước

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2013 mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để chủ động đối phó với tình hình hạn hán có khả năng xảy ra khốc liệt, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phải tập trung xây dựng phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn một cách cụ thể cho từng vùng. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, thời gian tới các đơn vị liên quan sẽ tổ chức nạo vét bể hút của 50 trạm bơm điện nằm trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn với hơn 90.000 mét khối bùn cát. Ngoài ra cũng tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông bị ách tắc do cát đá bồi lắng như Ái Nghĩa, Lạc Thành, Cù Bàn, Vòm Cẩm Đồng, Bàu Văn... với tổng khối lượng khoảng 150.000 mét khối. Đặc biệt, sẽ khẩn trương thực hiện việc đắp đập bổi ngăn mặn trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thạch với khối lượng hơn 300.000 mét khối đất cát nhằm ngăn chặn nguy cơ nước mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước ngọt cho các trạm bơm điện vận hành ổn định.

Theo quyết định (số 1107/QĐ-UBND) phê duyệt phương án phòng chống hạn vụ hè thu 2013 của UBND tỉnh, nếu nắng hạn xảy ra khốc liệt ngân sách tỉnh sẽ chi 59,5 tỷ đồng thi công khẩn cấp một số công trình thủy lợi trọng yếu nhằm chủ động cung ứng nguồn nước tưới, đồng thời mua các loại cây trồng có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt để hỗ trợ cho nông dân.

Ông Quang cho biết thêm, nếu nắng hạn hoành hành trên diện rộng thì ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ phối hợp với các địa phương nhanh chóng lắp đặt 350 trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến ở những khu vực cuối kênh, những nơi khó khăn nguồn nước và đặt tại cống áp lực của các hồ chứa nhỏ bị cạn kiệt đến mực nước chết để bơm tưới giải hạn cho lúa và hoa màu. Các cơ quan có trách nhiệm cũng đã lên phương án khoan hơn 1.000 cái giếng tại vùng cát và những nơi có điều kiện nước ngầm tốt để phục vụ công tác chống hạn cho cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Hiện Bộ NN&PTNT đang tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng đập tạm trên sông Quảng Huế thuộc huyện Đại Lộc để điều chỉnh lại tỷ lệ phân dòng (20% cho sông Thu Bồn, 80% cho sông Vu Gia) nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 8.000ha lúa ở hạ du sông Vu Gia...

Bố trí cơ cấu giống và khung thời vụ hợp lý

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, những năm gần đây tình hình nhiễm mặn trên sông Thu Bồn, Vĩnh Điện, Thanh Quýt, Bàn Thạch... diễn ra sớm, nồng độ cao và xâm nhập sâu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng về nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt ở khu vực hạ du. Trong năm 2013, mặn xuất hiện từ đầu tháng 1 rồi liên tiếp các tháng sau đó tần suất và nồng độ mặn ngày càng tăng. Theo dự báo, trong vụ hè thu tới mặn trên sông Thu Bồn và Vĩnh Điện sẽ đạt ở mức rất cao và kéo dài nhiều ngày.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để công tác phòng chống hạn vụ hè thu 2013 mang lại hiệu quả cao, những biện pháp phi công trình cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, thời gian tới cần thực hiện triệt để phương thức cấp nước luân phiên, tưới “khô ướt xen kẽ”. Đặc biệt, phải phối hợp tốt với các nhà máy thủy điện để có kế hoạch điều tiết xả nước phù hợp với yêu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp ở hạ du. Dừng cấp nước và phát điện khi có mưa bổ sung. Tuy nhiên, việc bố trí cơ cấu giống phù hợp là yếu tố quyết định nhất đến sự thành bại của vụ mùa. Theo ông Muộn, trong tổng số 45.000ha đất canh tác lúa thì hè thu 2013 sẽ đưa các loại giống trung và ngắn ngày vào gieo sạ trên 90% diện tích, còn lại 10% diện tích sản xuất bằng những loại giống dài ngày. Ông Muộn nói: “Dùng giống trung và ngắn ngày để gieo sạ tập trung theo trà là một yêu cầu kỹ thuật để sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo thời vụ và tăng hiệu quả sản xuất lúa. Ở những vùng nông dân có tập quán sử dụng giống dài ngày, vùng khó khăn tưới, nhất là khu vực cuối kênh, thường xuyên bị nhiễm mặn, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn để người dân chuyển đổi và chăm bón phù hợp với giống trung ngày, ngắn ngày”.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, những vùng đảm bảo về nước đổ ải và quỹ thời gian làm đất, nên tập trung gieo sạ vào 2 trà sau (từ 21-31.5.2013) bằng giống trung, ngắn ngày để tưới nước tiết kiệm, tuyệt đối không sạ giống ngắn ngày vào trà sạ của giống dài ngày và trung ngày. Đối với hồ Phú Ninh và các hồ đập mở nước từ 10.5, yêu cầu cấp nước gieo sạ cho vùng cuối kênh, vùng sản xuất giống dài ngày trước và lần lượt cấp nước để sạ giống trung ngày đến ngắn ngày sau. Riêng khu tưới các trạm bơm điện ở hạ du sông Vu Gia – Thu Bồn và các hồ đập nhỏ mở nước từ 15.5, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền cơ sở hướng dẫn nông dân tập trung sạ vào 2 trà sau bằng những giống lúa trung, ngắn ngày. Đối với vùng tưới thuộc các hồ đập đang bị thiếu hụt nước nghiêm trọng như Thái Xuân, Đông Tiển, Cây Thông... sẽ cấp nước từ 1.6 để sạ giống ngắn ngày xong trước 10.6 nhằm tranh thủ mưa sớm trong tháng 8. Vùng úng trũng, sạ giống trung và ngắn ngày vào 2 trà đầu (15-25.5) để thu hoạch lúa gọn trong tháng 8. Với những chân ruộng không chủ động nước tưới thì bố trí gieo sạ sau 5.6 khi có mưa đủ ẩm...

VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động đối phó với khô hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO