Dù Quảng Nam chưa phát hiện ca mắc sởi nào nhưng ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân không nên chủ quan, chủ động tiêm ngừa cho trẻ và có các biện pháp phòng tránh hợp lý, kể cả bệnh giao mùa.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phát hiện các dấu hiệu nhiễm bệnh. Ảnh: X.H |
Đảm bảo nguồn vắc xin
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Quảng Nam) cho biết, đến thời điểm này, dịch sởi đã lan đến 43 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, Quảng Nam từ sau tết đến nay vẫn chưa phát hiện ca mắc sởi nào. “Hiện tại, CDC tiếp tục chỉ đạo các trung tâm y tế huyện rà soát, tổ chức tiêm vắc xin sởi mũi đơn cho trẻ từ 9 tháng đến 18 tháng tuổi. Đồng thời tiêm vắc xin mũi sởi - rubella cho đối tượng từ 18 tháng - 23 tháng, bắt đầu từ quý 4.2018 đến nay. Đặc biệt trong quý 4.2018, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế chỉ đạo cho 6 huyện miền núi cao tiêm mũi sởi - rubella bổ sung với tỷ lệ 92.4%. Hiện tại Sở Y tế đang có kế hoạch chỉ đạo cho 11 huyện thành phố thị xã còn lại tiêm vắc xin sởi - rubella cho đối tượng từ 1 - 5 tuổi. Các trung tâm y tế huyện đang xây dựng và dự kiến triển khai vào tháng 3, tháng 4” - ông Huỳnh Công Quang nói.
Hiện tại vắc xin sởi và sởi - rubella tại Quảng Nam đảm bảo đủ cho các địa phương. Dù Quảng Nam chưa phát hiện trường hợp nào, nhưng ngành y tế khuyến cáo người dân không chủ quan. “Đề nghị phụ huynh nên đưa trẻ đến các trạm y tế để tiêm phòng nếu chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều. Bệnh sởi phòng tốt nhất bằng vắc xin, ngoài ra còn có các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu khác là hạn chế tụ tập khi đông người lúc dịch đang diễn ra, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sốt phát ban đề nghị đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và chữa trị” - ông Huỳnh Công Quang nói thêm. Được biết, mũi sởi 1 nằm trong chương trình tiêm chủng miễn phí, ngay cả vắc xin sởi - rubella vẫn miễn phí cho trẻ từ 18 - 23 tháng, nhưng vì lý do nào đó trẻ chưa tiêm thì vẫn nên đưa trẻ đến các điểm tiêm dịch vụ mũi 3 trong 1. Theo đó, tiêm phòng bệnh sởi cho trẻ đủ 2 mũi, trong đó mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Gia tăng bệnh giao mùa
Theo thông báo mới nhất từ CDC Quảng Nam, hiện đã phát hiện một ổ dịch thủy đậu nhỏ tại Phú Ninh với 7 ca mắc. “Số ca này phát hiện tại một trường mẫu giáo xã Tam Thái. CDC Quảng Nam đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh điều tra lập danh sách, phun các chất xử lý môi trường, yêu cầu cho nghỉ học với các em mắc bệnh và vận động những đối tượng chưa mắc nên đi tiêm vắc xin và tăng cường vệ sinh cá nhân. Thủy đậu là một bệnh tản phát nên khó có thể công bố dịch” - ông Huỳnh Công Quang nói thêm.
Theo TS-BS. Lê Viết Nhiệm - Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, vào các tuần đầu năm 2019, số lượt người bệnh đến khám do các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp tại Khoa Y học nhiệt đới của bệnh viện tăng đáng kể. Trong đó, có một số trường hợp bệnh nặng như viêm phổi do cúm nặng; quai bị có biến chứng viêm tụy, viêm tinh hoàn; một số bệnh nhân suy hô hấp do khởi phát đợt cấp hen phế quản hay COPD, một số bệnh nhân ho ra máu do giãn phế quản... “Thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể con người không thích ứng kịp. Đây là điều kiện tốt cho vi rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp hoạt động mạnh và có thể gây bệnh cho nhiều người” - TS-BS. Lê Viết Nhiệm nói.
Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Quảng Nam đã giảm đáng kể từ tháng 2.2019. CDC Quảng Nam cho biết, nếu trong các tuần cuối năm 2018 có đến 150 - 200 ca mắc bệnh SXH thì ở tuần thứ 7 năm 2019 này số lượng người mắc SXH đã giảm đáng kể, còn 34 trường hợp. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân nhi mắc SXH và điều trị tại bệnh viện có 138 trường hợp, trong khi đó, số ca bệnh tiêu chảy lên đến 463 trường hợp. ThS-BS. Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết, thời điểm giao mùa, hai loại bệnh cần thiết phải phòng ngừa cho trẻ là bệnh về đường tiêu hóa và bệnh về đường hô hấp.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tăng cường duy trì các hoạt động thể chất giúp cơ thể khỏe mạnh và hệ miễn dịch hoạt động tốt. Chủng ngừa bệnh bằng cách tiêm phòng vắc xin sởi, cúm, quai bị, thủy đậu..., cũng như giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở và nơi làm việc thông thoáng.
XUÂN HIỀN