Sự nguy hiểm của dịch bệnh Ebola trong thời điểm hiện tại tiếp tục đặt ra những lo ngại cho ngành y tế nói riêng, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung. Tại Quảng Nam, công tác phòng chống dịch bệnh Ebola đang được chú trọng, đặc biệt là sau ca nghi nhiễm Ebola xảy ra tại Đà Nẵng vừa qua.
Không chủ quan
Mặc dù được kết luận âm tính với virus Ebola, tuy nhiên trường hợp nghi nhiễm Ebola của bệnh nhân Ch.V.Ch. tại Đà Nẵng vẫn làm dấy lên lo ngại của người dân đối với dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này. Việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Ebola trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành y tế tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã có công văn về phòng chống dịch bệnh Ebola theo kế hoạch hành động đã được ban hành. Các ban ngành, đơn vị liên quan được chỉ đạo chủ động phối hợp ứng phó với các tình huống liên quan đến dịch Ebola, kịp thời tuyên truyền về dịch bệnh cũng như sẵn sàng triển khai quy trình giám sát, xử lý khi có dịch bệnh.
Khu vực cách ly tiếp nhận trường hợp nghi nhiễm Ebola tại Đà Nẵng vừa qua. Bệnh nhân Ch.V.Ch được xác định âm tính với virus. Ảnh: C.V |
Bác sĩ Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết ngành y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống dựa vào tình huống cụ thể để ứng phó với dịch bệnh theo từng bước: khi chưa có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, khi có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, khi dịch lây lan trong cộng đồng. “Cho đến lúc này thì Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào do virus Ebola xâm nhập. Tuy vậy, công tác phòng ngừa dịch vẫn đang được tích cực duy trì. Hiện tại, những hoạt động ứng phó khi chưa có ca bệnh xâm nhập đang được triển khai bằng các hoạt động cụ thể như: tăng cường tuyên truyền để mọi người biết về dịch Ebola và phòng tránh; chuẩn bị hóa chất, thuốc men để phục vụ công tác phòng chống khi có ca bệnh xảy ra; giám sát sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola tại cộng đồng để cách ly, điều trị kịp thời” - ông Hoàn nói.
Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã được tập huấn phòng chống dịch bệnh Ebola, chuẩn bị sẵn các phương án để cách ly bệnh nhân tại bệnh viện để tránh sự lây lan khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Tại TP.Hội An, nơi có số lượng lớn khách nước ngoài lưu trú thường xuyên, công tác này đặc biệt được chú trọng. Phòng Y tế thành phố, trung tâm y tế và các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, đội ngũ y bác sĩ phòng chống dịch. Đồng thời liên kết chặt chẽ với các cơ sở lưu trú để kịp thời ghi nhận, phát hiện và có hướng xử lý sớm khi có dấu hiệu của dịch bệnh Ebola. Bác sĩ Trần Hòa - Trưởng phòng Y tế TP.Hội An khẳng định: “Chúng tôi thường xuyên liên hệ, tuyên truyền các khách sạn, nhà hàng, khu lưu trú, tạo đầu mối nắm thông tin, nhất là khi tiếp nhận các du khách trở về từ các nước trong vùng có dịch. Qua đó, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, sẵn sàng cho việc tiếp nhận và xử lý nếu phát hiện ca bệnh”. Ông Hòa cho biết thêm, các đơn vị y tế trực thuộc cũng đã triển khai kế hoạch hành động phòng chống bệnh do virus Ebola trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Sở Y tế cũng như của địa phương. Công tác tập huấn chuyên môn, tuyên truyền trong quần chúng được thực hiện rộng khắp trên địa bàn thành phố.
Tăng cường giám sát
Tính đến ngày 8.11 đã có 4.950 ca tử vong vì dịch Ebola trong tổng số 13.241 trường hợp mắc bệnh tại 3 quốc gia đứng đầu danh sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở Tây Phi, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO cũng đã đưa ra nghi thức chôn cất mới đối với bệnh nhân Ebola nhằm giảm thiểu tốc độ lây lan của căn bệnh chết người này. |
Theo bà Nguyễn Thị Liên - Phó Giám đốc Sở Y tế, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, thời gian qua sở đã tổ chức tập huấn phòng chống dịch Ebola cho gần 100 cán bộ y tế tuyến huyện, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống. Ngoài ra, sở cũng đã trực tiếp giám sát và theo dõi 2 hành khách trở về từ Liberia, nơi phát hiện ổ dịch sau 21 ngày theo quy định, không phát hiện nhiễm virus Ebola đối với 2 trường hợp này. Công tác giám sát, đặc biệt là giám sát ở cơ sở được tăng cường, cùng với việc hỗ trợ, cấp phát trang thiết bị, thuốc men để chủ động phòng chống dịch cho các trung tâm y tế. Mới đây nhất, từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam đã tiếp nhận 400 triệu đồng để triển khai phòng chống dịch Ebola. Với nguồn kinh phí này, trung tâm vừa đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, mặt khác tăng cường giám sát dịch bệnh và triển khai các hoạt động phòng chống tại cơ sở, mua hóa chất, thuốc men và trang thiết bị y tế. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Hội An cho biết: “Hiện tại đơn vị đã tiếp nhận nhiều hóa chất, trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, thuốc men từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và đã cấp phát cho một số đơn vị theo kế hoạch. Công tác quan trọng hàng đầu ở thời điểm hiện tại là tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện dịch bệnh để có phương án phòng chống. Khi phát hiện có người nghi nhiễm Ebola, các đơn vị sẽ ngay lập tức triển khai các biện pháp theo kế hoạch”.
Bác sĩ Trần Văn Hoàn khuyến cáo thêm, vì chưa có vắc xin phòng bệnh nên người dân cần chủ động phòng tránh dịch bằng các biện pháp đảm bảo an toàn. Ngành y tế cần làm tốt công tác kiểm dịch y tế quốc tế, kết hợp nâng cao nhận thức của cộng đồng, sự hiểu biết của nhân dân về dịch bệnh Ebola và cách phòng tránh. Đối với người dân, khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm Ebola cần tránh tiếp xúc với bệnh nhân, tránh tiếp xúc với máu, dịch tiết, mô của người bệnh hoặc động vật của người bệnh. Nếu cần tiếp xúc thì phải có phương tiện phòng hộ như: mang khẩu trang, găng tay, áo quần bảo hộ. Nếu không có phương tiện phòng hộ thì không nên tiếp xúc. Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên lau chùi sàn nhà, cầu thang, đồ dùng,… bằng các dung dịch như cloramin B và các chất sát khuẩn thông thường. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus Ebola thì phải thông báo ngay cho các cán bộ y tế để được hướng dẫn, cách ly và điều trị kịp thời.
PHƯƠNG GIANG