Chu Lai chờ đợi…

TÙY PHONG 01/01/2014 10:47

Dù được đánh giá hiệu quả số 1/15 khu kinh tế tại Việt Nam, nhưng Quảng Nam vẫn đang “đau đầu” khi tìm con đường ngắn nhất để thu hút đầu tư vào khu vực này trước sức ép cạnh tranh từ các khu kinh tế trong vùng.

Thành công giữa ngõ hẹp

Kể từ khi khởi sự hình thành một khu kinh tế mở (KTM) trên vùng cát trắng, nắng gió Núi Thành, Chu Lai luôn là vấn đề thời sự. Nếu không có khu KTM này, Quảng Nam sẽ như thế nào và diện mạo sẽ ra sao? Câu hỏi này luôn nóng trên các diễn đàn kinh tế quốc gia và địa phương. Con số 90 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD (21 dự án FDI với gần 187 triệu USD), trong đó 62 dự án đang hoạt động với tổng vốn thực hiện đầu tư hơn 783 triệu USD, đóng góp gần 60% nguồn thu ngân sách Quảng Nam, lao động địa phương chiếm chủ yếu trong số 14.000 lao động được giải quyết việc làm… đã cho thấy hiệu quả của khu kinh tế này trong điều kiện cơ chế chính sách và nguồn đầu tư còn rất hạn hẹp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho khách đáp chuyến bay đến Chu Lai. Ảnh: TÙY PHONG
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho khách đáp chuyến bay đến Chu Lai. Ảnh: TÙY PHONG

Ở một góc nhìn khác, theo tính toán của Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai, 1 đồng vốn đầu tư cho Chu Lai đã thu về hơn 4,1 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp và hơn 3,12 đồng vốn ngân sách khi so với 3.900 tỷ đồng từ vốn ngân sách đầu tư trong vòng 10 năm qua, khu vực này đã thu hút được 770 triệu USD (tương đương 16.170 tỷ đồng) vốn thực hiện của các doanh nghiệp và tổng nộp ngân sách hơn 12.191 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Khu KTM Chu Lai sẽ chiếm 38%, giá trị xuất khẩu khoảng 100 triệu USD, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng 50.000 lao động. Con số dự báo khả quan này dựa vào sự gia tăng hay mở rộng sản xuất của các dự án công nghiệp hiện tại và lực hấp dẫn đầu tư vào Chu Lai vẫn còn.

Tại tọa đàm kinh tế hồi cuối tháng 8.2013, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng nếu không có chính sách cho Chu Lai thì Quảng Nam không thể đứng vào top 10 tỉnh, thành có nguồn thu ngân sách 10.000 tỷ đồng và cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ. Điểm nổi bật nhất của Chu Lai chính là thu hút dòng vốn của khu vực kinh tế tư nhân, dẫn đầu là Ô tô Trường Hải, Kính nổi Chu Lai… và hàng trăm nhà máy, công xưởng quy mô khu vực, vươn tầm Đông Nam Á với thị trường xuất khẩu rộng sang các nước ASEAN. Tuy nhiên, chính vì thiếu thị trường khiến cả khu thương mại tự do 75ha vẫn chưa thể “mở” được đã trở thành rào cản nên các nhà đầu tư chưa đến với Chu Lai. “Tại Chu Lai, một số chính sách đã mở, một số chính sách chưa được khai thác hết. Dù khu thương mại tự do và phi cảng quốc tế là lợi thế lớn, nhưng để lợi thế, chính sách trở thành hiện thực thì không thể khiên cưỡng và phải phụ thuộc vào thị trường” - ông Đông nói.

Ước vọng Chu Lai

Nhiều người Quảng Nam vẫn ước ao nếu như Chính phủ không quyết định bãi bỏ toàn bộ cơ chế ưu đãi với Chu Lai (nguồn thu phát sinh được giữ lại trong 10 năm để đầu tư cơ sở hạ tầng và 50% của năm tiếp theo) chỉ sau 3 tháng thành lập thì Chu Lai đã khác. Nếu không áp dụng cơ chế cấp phát 50 - 60 tỷ đồng mỗi năm thì nguồn thu của Chu Lai có thể lên đến 500 - 600 tỷ đồng/năm sẽ giúp nhiều dự án không phải chịu cảnh dừng, giãn hoặc hoãn dài hạn… Tuy nhiên, điều đó đã không thành hiện thực. Chu Lai phải bước đi trong điều kiện khốn khó. Sự có mặt trong danh sách 5 khu KTM trọng điểm quốc gia được đầu tư từ năm 2013-2015 được xem như là một sự ưu tiên thì với số kinh phí được bố trí khoảng 790 tỷ đồng cũng sẽ khó tạo được sức bật nhanh cho khu vực này. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, sau 10 năm, mô hình KTM đã bộc lộ một số hạn chế cản trở sự phát triển. Khái niệm mới “đặc khu hành chính - kinh tế” để xử lý các vấn đề hành chính, quản lý xã hội ở khu kinh tế này chỉ mới bắt đầu manh nha và đang nghiên cứu. Sự bất cập, chồng chéo giữa quản lý phát triển kinh tế với bộ máy hành chính hiện thời ở Chu Lai liên quan đến nhiều vấn đề cụ thể phải giải quyết một cách toàn diện, đòi hỏi nhiều cơ quan bộ, ngành cùng giải quyết.

Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Ô tô Trường Hải nói Chu Lai đã hình thành một phần không gian kinh tế, nhưng thiếu hụt hạ tầng kinh tế lẫn xã hội thì khó để những nhà đầu tư nhỏ lẻ ở nơi khác, nhất là TP. Hồ Chí Minh, có thể từ bỏ những tiện nghi tốt ở đó để đầu tư vào vùng đất này. Những cơ chế ưu đãi đã không còn phù hợp, không còn hấp dẫn các nhà đầu tư, cần phải thay đổi. Có phải vì thế mà ngày kỷ niệm 10 năm thành lập Khu KTM Chu Lai, Tập đoàn Tân Hiệp Phát rầm rộ công bố chương trình xây dựng khu công nghiệp và cảng quốc tế trên diện tích 718ha với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại khu vực này đã phải thu hẹp dự án đầu tư xuống còn khoảng 200 triệu USD. Họ chỉ quyết định xây dựng một nhà máy chế biến bình thường, không như mong đợi là xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống lớn nhất Việt Nam.

Kế hoạch phát triển Chu Lai đã không như kỳ vọng và sự thức nhận lại giá trị của khu vực này lại được đem ra mổ xẻ. Quan điểm không để Chu Lai thành “bãi rác thải” quốc tế từ phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được cơ quan quản lý tiếp thu khi quyết định sẽ thẩm định năng lực nhà đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh và cùng nhà đầu tư phân tích những khó khăn, thuận lợi của dự án trước khi quyết định đầu tư, không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói Quảng Nam đã xác định lối đi riêng. Đó là tập trung huy động các nguồn lực, thực hiện cơ chế nhà đầu tư bỏ vốn giải phóng mặt bằng và trừ dần vào tiền thuế hàng năm. Đây là cơ chế huy động vốn bên ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng trong khu KTM trên tinh thần dự án đến đâu xây dựng đến đó. Yêu cầu của các nhà đầu tư là chính đáng nhưng trong thế khó kinh phí và thể chế, thì Chu Lai khó có thể đáp ứng được như kỳ vọng.

Một khu kinh tế sẽ có không gian đầy đủ. Đó là môi trường, nhà ở, dịch vụ cuộc sống, trường học… Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, giống như một cây trồng cần thời gian để lớn thì lợi thế của Chu Lai cũng vẫn phải cần chờ đợi để đến ngày “thăng hoa”!

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chu Lai chờ đợi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO