Từ đầu năm 2013 đến nay, huyện Quế Sơn đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho nông dân nhằm giúp họ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới…
SAU khi tiến hành cải tạo, chỉnh trang lại đồng ruộng, đầu tháng 5.2013 hơn 30 hộ dân ở thôn Châu Sơn 2 (xã Quế An) được ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn và Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Bà Nguyễn Thị Lan – một người dân địa phương nói: “Hàng chục năm nay, do kỹ năng canh tác của đại bộ phận nông dân còn yếu, các loại sâu bệnh nguy hiểm lại liên tục gây hại nên vụ nào năng suất lúa ở vùng này cũng đạt thấp, bình quân mỗi sào chỉ thu về 210 - 220kg khô. Tuy nhiên, nhờ được cơ quan chuyên môn chuyển giao quy trình sản xuất mới theo gói kỹ thuật ICM (3 giảm, 3 tăng) nên vụ hè thu vừa rồi năng suất lúa tăng lên 320 - 340kg/sào. Không chỉ vậy, thực hiện mô hình này nhà nông còn tiết kiệm được ít nhất 3kg giống lúa/sào, giảm số lần phun thuốc phòng trừ sâu bệnh từ 6 - 8 lần xuống còn 2 lần/vụ, nhờ thế đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng”.
Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, nhờ thực hiện bài bản quy trình canh tác tiên tiến nên vụ hè thu năm ngoái toàn bộ 3ha đất sản xuất lúa trình diễn (bằng loại giống OM4900) ở thôn Châu Sơn 2 của xã Quế An đều rất được mùa với năng suất bình quân đạt 65 - 67 tạ/ha, tăng 23 - 25 tạ/ha so với trước đây. Ông Chín nói: “Từ hiệu quả hết sức thiết thực đó, vụ đông xuân 2013 - 2014 nông dân địa phương này đã tập trung nhân rộng mô hình ấy nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích”.
Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân phát triển cây lúa theo hướng sản xuất hàng hóa thì trong năm 2013 ngành nông nghiệp huyện Quế Sơn còn phối hợp với các đơn vị liên quan ở tỉnh tổ chức 11 khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi gà thả vườn an toàn dịch bệnh, nuôi bò lai thâm canh… cho 360 hộ dân trên địa bàn các xã Hương An, Quế Long, Quế Xuân 1, Quế Châu, Quế Minh, Quế An, Quế Phú với tổng kinh phí 162 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do tỉnh phân bổ. Theo ông Nguyễn Văn Chín, phần lớn những hộ dân được chuyển giao kỹ thuật là những gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo và cận nghèo. “Nhằm giúp họ nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng hiệu quả những lý thuyết, khóa tập huấn nào chúng tôi cũng triển khai xây dựng một vài mô hình trình diễn để học viên thực hành, tham khảo. Thực tế cho thấy, sau khi được đào tạo nghề, đa số học viên đều áp dụng rất thành công vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, nguồn thu nhập tăng lên đáng kể, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển” - ông Chín nói.
Được biết, năm 2014, huyện Quế Sơn sẽ tiếp tục chi thêm 110 triệu đồng để mở một số khóa tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm sò, nấm rơm, nuôi gà thả vườn an toàn sinh học cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã Quế Hiệp, Quế An, Quế Xuân 2…
MAI LINH