Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa có con số kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009 - 2012 tại Quảng Nam. Bên cạnh những chồng chéo, hướng dẫn văn bản thực thi bị vướng từ trung ương, từ Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, việc thực hiện khám chữa bệnh BHYT tại Quảng Nam được các bệnh viện lẫn ngành BHXH than phiền. Con số được khảo sát cho thấy: Quỹ BHYT của tỉnh năm 2012 là 663,4 tỷ đồng, tăng 2,9 lần so với năm 2009; trong khi đó số chi phí khám chữa bệnh là 572,2 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2009. Quỹ khám chữa bệnh bội chi trong nhiều năm liền: 2009 là 52 tỷ đồng; 2011 là 59 tỷ đồng; 2012 là 9 tỷ đồng. Dự báo 2013 mất cân đối lớn, trong đó nhóm đối tượng được quỹ BHXH đóng và người tự nguyện tham gia BHYT có số bội chi lớn hơn các đối tượng khác. Trong con số 572,2 tỷ đồng chi phí trên, tuyến trung ương và đa tuyến là hơn 216 tỷ đồng, tuyến tỉnh và tương đương là gần 204 tỷ đồng.
Người bệnh đến bệnh viện để điều trị, không hề và không cần biết những con số cứng nhắc đó. Họ chỉ muốn mình được chữa đúng bệnh, nhanh khỏi, không bị những nhiêu khê phiền toái. Lâu nay không ngớt những kêu ca của bệnh nhân vì bệnh viện tuyến cơ sở giữ họ lại, không cho vượt tuyến. Câu trả lời là bệnh viện sợ thâm hụt quỹ BHYT. Nếu chuyển lên tuyến trên, thì tuyến trên cứ thế mà chữa vô tư khi dịch vụ bệnh viện bây giờ có quá nhiều mục, mà nói đơn giản như nhiều người là đau cái chi cũng bắt xét nghiệm, bởi tiền BHYT tuyến dưới sẽ trả! Những con số bội chi đa tuyến và tương đương chính là mối lo thâm quỹ đó. Còn một yếu tố nữa, bệnh viện tuyến dưới sợ mất uy với đồng nghiệp, bởi cái chi cũng chuyển tuyến trên.
Cuối cùng là ai chịu? Chỉ có người bệnh. Ông Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nói: “Thông cảm với nỗi lo thâm quỹ, nhưng lối chữa bệnh hiện nay là chữa theo hành chính, theo con dấu. Bác sĩ chữa bệnh căn cứ vào dấu chuyển chứ không căn cứ thực tế bệnh”. Ví dụ tại Đại Quang (Đại Lộc), có người được bác sĩ chẩn đoán bệnh này phải đi TP.Hồ Chí Minh, nhưng đâu có dễ, anh phải tới trạm xá xã, khám, xin dấu, lên Bệnh viện Đa khoa phía Bắc, lại khám chữa cho đã đời rồi mới có dấu đi Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh. Chừng đó thời gian, bệnh tiến triển có xấu, có nặng, anh cũng phải chịu, vì quy định là thế, trong khi có những trường hợp bệnh nếu chuyển điều trị tuyến trên sớm 1 ngày có thể thoát cửa tử thần.
Câu chuyện này, sẽ được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Chừng nào những nghịch lý khám chữa bệnh theo BHYT chưa được tháo bỏ triệt để, thì cả bác sĩ và người bệnh đều khổ. Cơ chế hành chính quan liêu trong ngành y tế, có lẽ là đáng sợ nhất, bởi có chi đáng quý hơn tính mạng con người.
TRUNG VIỆT