(QNO) - Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng gai có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khu phong trừ thấp.
Đinh lăng gai hay còn được gọi là cây cuồng, đơn châu chấu, rau gai, cẩm giàng... Đây là loại cây nhỏ, cao 1-2m, có thân mảnh, nhiều gai. Cành mọc lòa xòa. Lá, kép lông chim, nhẵn hai mặt, nhưng trên gân có những gai nhỏ như sợi tơ. Hoa nhỏ, màu lục, vàng nhạt. Quả hạch hình tròn, màu đen.
Cây mọc hoang trên các nương rẫy hay ven rừng chủ yếu ở các tỉnh Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên...
Đinh lăng gai. |
Bà con các tỉnh miền núi thường dùng cây đinh lăng gai làm rau ăn (lấy lá non, chồi non về luộc hay xào ăn như các loại rau khác). Khi chế biến có thể tước bỏ gai trước khi xào, nhưng ở những nõn non thì sau khi xào, gai cũng trở nên mềm. Ngoài ra đinh lăng gai còn được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ, phơi hay sấy khô để dùng dần. Theo y học cổ truyền, rễ đinh lăng gai có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, tán ứ, khu phong trừ thấp.
Một số bài thuốc theo kinh nghiệm
Chữa ho do lạnh: Rễ đinh lăng gai, vỏ cây khế chua, mỗi vị 20g, sắc với 2 bát nước còn nửa bát. Uống khi thuốc còn ấm, nên uống trước bữa ăn sáng. Dùng trong 5 ngày.
Chữa đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi: Rễ đinh lăng gai 15g, vỏ cây xà cừ, mặt quỷ, mỗi vị 10g, sắc với 600ml nước còn 200ml, chia uống hai lần trong ngày, nên uống sau bữa ăn trưa và tối. Mỗi liệu trình dùng trong 10 ngày.
Chữa đau họng, viêm amiđan: Rễ đinh lăng gai 20g, sắc với ba bát nước còn một bát, ngậm nuốt dần 2 - 3 lần/ngày. Dùng trong 3 - 5 ngày.
Chữa mụn nhọt sưng đau chưa vỡ mủ: Lá đinh lăng gai rửa sạch, thêm chút muối, giã nát băng vào vùng da sưng tấy, 3 giờ thay băng, ngày đắp 2 lần rất hiệu nghiệm.
Chữa tiểu tiện sẻn đỏ do nóng: Dùng 12g rễ đinh lăng gai sắc với 600ml nước còn 200ml, chia uống hai lần trong ngày, nên uống sau bữa ăn sáng và tối. Dùng liền 5 ngày.
Lưu ý: Để bài thuốc hiệu quả, trước khi áp dụng cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc.
Theo suckhoedoisong.vn