Chùa Phổ Khánh qua vết thời gian

HOÀNG LIÊN 02/04/2023 08:17

Chùa Phổ Khánh nằm sau khuôn viên chùa Lộc Nghĩa (ở thôn Lộc Nghĩa, xã Đại An, Đại Lộc) hiện xuống cấp nghiêm trọng, cần nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Chùa Phổ Khánh được xác định có lịch sử hơn 400 năm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: H.LIÊN
Chùa Phổ Khánh được xác định có lịch sử hơn 400 năm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: H.LIÊN

Phổ Khánh là ngôi chùa cổ có niên đại hơn 400 năm. Dựa vào tấm bia cổ có chữ Hán - Nôm, các nhà nghiên cứu đã xác định, chùa làng Phổ Khánh được xây dựng khoảng cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17.

Các nhà nghiên cứu, nhà sử học cho rằng chùa ra đời khá sớm so với những chùa được ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí” (phần tỉnh Quảng Nam). Biểu hiện rõ nét là tấm văn bia chùa Phổ Khánh còn sót lại đã được các nhà nghiên cứu giải mã. Văn bia chùa được khắc vào năm Vĩnh Trị 3 (1678), được viết bằng chữ Hán lẫn chữ Nôm vốn xuất hiện từ khá sớm ở khu vực Đàng Trong.

Phiên âm của văn bia được giải mã và dịch nghĩa như sau: “Chùa Phổ Khánh xã Ái Nghĩa, huyện An Nông, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt. Kính tỏ lòng tôn sùng Phật. Hội chủ Lê Cao Trí, pháp danh Chơn Thuyên; (và) Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ, có ruộng tư mua được tại hai xứ Sa Khố và Suối Giữa, thuộc xã la Đái gồm 5 mẫu 4 sào 8 thước đem cúng làm ruộng Tam bảo.

Quan viên và toàn dân xã Ái Nghĩa có 3 mẫu ruộng công tại xã Thi Lân cùng với đất thổ cư ở bên trong khuôn viên vườn chùa là 3 sào dâng làm của Tam bảo để tiện việc cúng dường tôn sùng Phật pháp. Ngày lành của tháng cuối hạ, năm Mậu Ngọ (1678), niên hiệu Vĩnh Trị (Lê Hy Tông) thứ 3 lập bia. Người viết chữ: Lê Phúc Thông, Lã Hữu Thái. Thợ khắc: Xã Quán Khái”...

Ngoài văn bia bằng đá cổ còn sót lại, ngôi cổ tự Phổ Khánh cũng mang đậm dấu ấn của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa Chăm - Việt trên vùng văn hóa Đại Lộc. Bởi hiện vẫn còn một số di tích Chăm trong khuôn viên chùa gồm giếng Chăm, bên trái chính điện của chùa có ngôi miếu thờ Bà Ngũ hành Tiên nương, tín ngưỡng thờ thần nữ có hóa thân là Thiên Y Ana hay còn gọi là Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ, một vị thần nữ Chăm và kế đó có miếu âm linh.

Ngôi miếu nhỏ thờ Bà có cấu trúc theo kiểu vòm cuốn, kiểu phổ biến ở thời Nguyễn vào khoảng thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Có lẽ chùa vừa thờ Phật, vừa thờ thần, thánh nên chùa làng Phổ Khánh còn được dân làng gọi là chùa Thánh.

Chùa Phổ Khánh trải qua mấy trăm năm được dân làng Ái Nghĩa, sau đó là dân làng Nghĩa Nam và hiện là làng Phú Nghĩa bảo tồn, gìn giữ, hương khói. Ông Huỳnh Tám (xã Đại An) cũng từng được dân làng tín nhiệm giao hương khói chùa làng và đến nay việc này giao lại cho một nữ phật tử lớn tuổi sống cạnh chùa. Chùa Phổ Khánh đã bị xuống cấp nặng nề, nhiều trụ biểu mục nát, tường rêu phong, có nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào.

Theo ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An, chùa làng Phổ Khánh vẫn được dân làng gìn giữ, Ban trị sự chùa Lộc Nghĩa có hỗ trợ sửa chữa mái ngói âm dương, nhang khói nhưng cũng đã xuống cấp rất nghiêm trọng.

Nhiều năm qua, địa phương đã báo lên ngành chức năng có hướng trùng tu, tôn tạo, nhằm giữ lại ngôi chùa có niên đại hơn mấy trăm năm trên đất này. Song do ngôi chùa này đến nay vẫn chưa được xếp hạng di tích nên không có nguồn kinh phí phân bổ để trùng tu, tôn tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chùa Phổ Khánh qua vết thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO