Dự kiến số điểm cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2018 của Quảng Nam chỉ đạt không quá 60% điểm chuẩn. Điều này thực sự gây bất ngờ và ngạc nhiên, không thể lạc quan với những con số thống kê về nỗ lực cải cách hành chính (CCHC) đã diễn ra suốt một năm qua!
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu chủ trì cuộc họp đánh giá cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: T.D |
Ì ạch cải cách
Sở Nội vụ công bố kết quả thực hiện chỉ số PAR INDEX (8 tiêu chí) của Quảng Nam 9 tháng đầu năm 2018 đã được đánh giá khoảng 45,25 điểm. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ chỉ đạt khoảng 53,45 điểm. Phân tích 8 chỉ số thành phần cụ thể cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành CCHC chỉ đạt 8,3/10 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 3/10 điểm; cải cách thủ tục hành chính đạt 10,45/14,5 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính đạt 5,5/11 điểm; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đạt 8,25/16 điểm; CCHC công đạt 2/7 điểm; hiện đại hóa hành chính đạt 5,75/16 điểm và chỉ số tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam chỉ đạt 2/15,5 điểm.
Thống kê này ghi nhận đến cuối năm 2018, các chỉ số thành phần (lần lượt) cũng chỉ đạt đến 9/10; 5/10; 13,45/14,5; 5,5/11; 8,75/16; 2/7; 7,75/16 và 2,5/15,5. Như vậy, nếu so với điểm số PAR INDEX năm 2017, ngoại trừ 2 chỉ số thành phần là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC tăng 1,75 điểm (9/7,25) và cải cách thủ tục hành chính tăng 2,52 điểm (13,45/10,93), thì 6 chỉ số còn lại đều giảm điểm. Thậm chí có đến 4 chỉ số giảm sâu như xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (5/8,3), cải cách tổ chức bộ máy hành chính (5,5/8,65), cải cách tài chính công (2/6,06) và nhất là chỉ số tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam chỉ đạt 2/15.
Ông Trần Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng hiện nhiều đơn vị, địa phương không thực hiện thư xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn, thiếu công bố, rà soát đầy đủ danh mục thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước 3 cấp. Tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn vẫn còn khá cao. Còn quá nhiều xã, phường, thị trấn, bộ phận một cửa cấp huyện thực hiện việc niêm yết, công khai thủ tục hành chính chưa đúng quy định, chưa kịp thời cập nhật, bổ sung thủ tục hành chính mới ban hành. Một số đơn vị không thể chủ động cơ chế tự chủ, xây dựng phương án tổ chức hoạt động, dịch vụ phù hợp, chưa thực hiện tốt công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Các sở, ban, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hoạt động, thí điểm cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu. Không chỉ vậy, hiện việc giao dịch ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 &4 và bưu chính công ích đạt tỷ lệ rất hạn chế. Chính những điểm yếu, hạn chế này đã ảnh hưởng đến việc tăng điểm số của chỉ số PAR INDEX 2018.
Chờ đánh giá trên thực tế
PAR INDEX năm 2017 của Quảng Nam được đánh giá đạt 73,27 điểm, nhưng chỉ đứng thứ 52/63 tỉnh, thành cả nước, tụt hạng đến 20 bậc. Trong khi số điểm dự kiến sẽ đạt vào cuối năm 2018 chỉ khoảng 53,45 điểm, thấp đến 20,02 điểm so với năm trước. Điểm số này liệu có thể giúp Quảng Nam thăng hạng hay lại tiếp tục sụt giảm không phanh lần nữa là điều chưa thể biết trước được khi Bộ Nội vụ chưa công bố kết quả đánh giá. Thời gian chỉ còn hơn 2 tháng nữa, liệu Quảng Nam có còn đủ thời gian để cải thiện những chỉ số suy giảm để có thể tăng điểm số so với dự kiến hay không?
Những chỉ dấu trên thực sự là điều bất ngờ và gây ngạc nhiên khi mọi nỗ lực cải cách, thực thi CCHC đang vận hành khá tốt tại Quảng Nam. Theo thống kê của Sở Nội vụ, hiện chỉ còn 2 nhiệm vụ (nâng cấp, đưa vào sử dụng phần mềm một cửa đến cấp huyện, xã và đề án vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập) thì 28/30 nhiệm vụ CCHC còn lại đã được các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục, cải thiện ngay những chỉ số bị giảm điểm trong năm nay. Cần phải cầu thị, rà soát, tạo ra động lực tốt hơn bằng những công việc cụ thể, cải thiện hơn các sáng kiến, mô hình cải cách. Mỗi đơn vị phải biết mình nợ gì. Lẽ ra, nếu có nợ năm trước thì năm nay phải lo trả nợ chứ đến bây giờ mà còn tính toán thì liệu kế hoạch từ nay đến cuối năm có trả được không? Đừng có nói đến hoàn thành nhiệm vụ hay hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đơn vị anh để nợ CCHC bị trừ điểm (!). Không thể đổ lỗi cho khách quan hay nêu lên việc thiếu hụt nhân lực. Có nhiều giải pháp để có thể rút ngắn thời gian thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền để hoàn thành lời hứa với tổ chức, người dân.
Quảng Nam sẽ phấn đấu để vượt qua khó khăn. Cơ quan công quyền phải cầu thị, lắng nghe doanh nghiệp, dân chúng. Không thể cứ ca miết khúc “chuyển dần sang phục vụ” nhưng không nhiệt tình, không đủ chuyên môn để hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thì phục vụ cái gì? “Bất kỳ bộ máy nào thì cũng phải lắng nghe trên, dưới để sửa đổi và hoàn thiện. Mỗi cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ chính trị, chức năng có thể khác nhau, nhưng con người, trách nhiệm, tinh thần phục vụ sẽ không hề thay đổi. Chỉ có thể tiến lên, không thể đi thụt lùi. Mục đích chung là làm cho CCHC Quảng Nam ngày càng tốt hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG