Theo dự báo, sức tiêu thụ của thị trường năm nay sẽ tương đối ổn định, đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, dự trữ hàng hóa chuẩn bị cho thời điểm cuối năm.
Khẩn trương sản xuất
Những ngày này, Cơ sở sản xuất hương trầm Kỳ Nam (xã Đại Đồng, Đại Lộc) lúc nào cũng tất bật người làm để kịp giao hàng cho đối tác. Bên trong khu nhà xưởng rộng gần 100m2, hơn 10 nhân công luôn trong tư thế khẩn trương làm việc.
Ông Nguyễn Đình Kỳ Nam - chủ Cơ sở sản xuất hương trầm Kỳ Nam cho biết, từ đầu tháng 11, các đối tác trong nước đã đặt đơn hàng, giá trị mỗi đơn hơn 30 triệu đồng.
“So với ngày thường, dịp cuối năm đơn hàng tăng gấp 2 - 3 lần, khách hàng cũng rộng khắp hơn” - ông Nam chia sẻ.
Cơ sở sản xuất hương trầm Kỳ Nam chuyên sản xuất các sản phẩm từ trầm như hương trầm, bột trầm, vòng trầm… Để chuẩn bị hàng cuối năm, ngoài dự trữ nguyên liệu, các sản phẩm làm ra cũng được ủ ẩm, tăng chất lượng, đảm bảo yêu cầu trước khi giao hàng.
Cuối năm cũng là thời điểm các mặt hàng như hương trầm, thực phẩm, bánh mứt tiêu thụ mạnh. Tại Cơ sở ngũ cốc Duy Oanh (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), hơn một tháng trở lại đây đã bắt đầu tăng gấp đôi công suất sản xuất nhằm đáp ứng số lượng đơn hàng.
Theo bà Phạm Thị Duy Mỹ - chủ Cơ sở ngũ cốc Duy Oanh, dù còn gần 2 tháng nữa mới đến tết nhưng đơn hàng gửi về khá nhiều, nhất là với những sản phẩm bánh dinh dưỡng, ngũ cốc dành cho người ăn kiên... Hiện, bình quân mỗi tháng cơ sở của bà Mỹ tiêu thụ khoảng 1.000 hộp sản phẩm, số lượng dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong những ngày tới khi tết cận kề.
“Ngoài tăng cường thêm người làm, tôi cũng phải mua thêm một máy làm bánh hơn 80 triệu đồng để tăng năng suất, dự kiến từ đây đến tết sẽ mua thêm một số máy móc thiết bị khác như máy dập bao bì, máy cắt bánh, lò nướng… mới kịp tiến độ giao hàng” - bà Mỹ chia sẻ.
Trong vài năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng dịp tết dần tập trung vào những mặt hàng đạt chuẩn OCOP hoặc đã có thương hiệu, được công nhận như thực phẩm dinh dưỡng, sạch… Đây được xem là cơ hội để các sản phẩm nông thôn mở rộng thị trường.
Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại hầu hết cơ sở sản xuất hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm làng nghề… đều có đơn đặt hàng tăng cao, thị trường khách hàng cũng đa dạng và đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Đáp ứng nhu cầu thị trường
Mới đây, Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ đã triển khai kế hoạch trữ hàng cho những tháng trước, trong và sau tết. Theo đó, gần 200 mặt hàng với tổng giá trị hơn 76 tỷ đồng đã được lên danh sách nhập về siêu thị những ngày tới.
Trong đó, tập trung vào một số nhóm hàng chính như thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc… Nguồn cung chủ yếu từ TP.Hồ Chí Minh và Đà Lạt (rau củ, quả).
Theo bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ, mặc dù phải qua tháng 12 sức mua mới bắt đầu tăng mạnh, nhưng việc dự trữ hàng hóa vẫn được đơn vị chuẩn bị từ rất sớm nhằm chủ động nguồn cung ứng và góp phần bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết.
“Tâm lý tiêu dùng của người dân thường tập trung vào từng nhóm hàng và từng thời điểm cụ thể. Thông thường đầu tháng 12 sẽ bắt đầu với mặt hàng áo quần, giày dép, giữa tháng 12 sẽ là hàng tiêu dùng và những ngày cận tết là thực phẩm bánh mứt… nên chúng tôi sẽ bố trí các mặt hàng phù hợp theo từng thời điểm” - bà Lai phân tích, đồng thời khẳng định dịp cuối năm siêu thị cũng sẽ tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi.
Ngày 4/11 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 7296 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp.
Chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023.
Đặc biệt, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, lương thực thực phẩm (thịt heo, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm.
Những năm gần đây, khi hạ tầng giao thông hoàn thiện và các hoạt động thương mại điện tử phát triển, thị trường tiêu thụ hàng hóa cũng tương đối thuận lợi, tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ hầu như ít xảy ra.
Dù vậy, theo đại diện Sở Công Thương, việc xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa dịp cuối năm vẫn cần được theo dõi, giám sát kỹ; trong đó đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hệ thống siêu thị đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa, tránh trường hợp hụt hàng, thiếu hàng thời điểm trước, trong và sau tết, đồng thời sẽ phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng…