Công tác chuẩn bị dạy và ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được ngành GD-ĐT chủ động triển khai nhằm giúp học sinh thi đạt kết quả tốt. Nhất là năm nay, khi phạm vi đề thi bao gồm cả kiến thức lớp 11 và lớp 12.
Một tiết học của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước). Ảnh: Diệu Hiền |
Chủ động kế hoạch ôn tập
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo THPT quốc gia năm 2018 (cuối tháng 1.2018), nhiều giáo viên, học sinh nhận định mức độ câu hỏi khó hơn đề thi năm 2017, phạm vi đề thi rộng hơn khi bao gồm cả kiến thức lớp 11. Tuy trọng tâm đề thi vẫn là kiến thức lớp 12, tỷ lệ kiến thức lớp 11 không nhiều, chỉ chiếm khoảng 5 - 30% câu hỏi nhưng cũng khiến không ít giáo viên và học sinh lo lắng. Việc ôn luyện nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này vì thế được cả giáo viên và học sinh tập trung cao độ.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo, Sở GD-ĐT đã chuyển toàn bộ đề thi cho các trường, yêu cầu nhà trường chuyển đến các tổ bộ môn để tổ chức dạy học và xác định nội dung kiến thức cần ôn tập cho học trò. Đồng thời sở cũng mời chuyên viên các bộ môn và giáo viên cốt cán ở các trường trong tỉnh để cùng bàn thảo phương pháp ôn thi cho các đối tượng học sinh khác nhau; trong đó chú ý học sinh ở miền núi, học sinh học trường dân tộc nội trú, học sinh có học lực trung bình, học sinh yếu...
Thầy Nguyễn Đoàn - Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My cho biết, ngay từ đầu năm học 2017 - 2018, nhà trường đã có kế hoạch phụ đạo cho học sinh các môn thi THPT quốc gia năm nay với thời lượng 2 tiết/môn/tuần và học kỳ 2 này, nhà trường tăng gấp đôi thời gian phụ đạo lên 4 tiết/môn/tuần. “Học sinh miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc học tập so với miền xuôi; mặt khác, chương trình thi năm nay khó hơn năm 2017 nên nhà trường nỗ lực hết sức để hỗ trợ học sinh. Đáng mừng là hầu hết học sinh Trường THPT Nam Trà My đều ở nội trú nên việc tổ chức ôn luyện cũng gặp thuận lợi. Ban đêm, nhà trường phân công 2 - 3 giáo viên trực ở các phòng nội trú để hướng dẫn, hỗ trợ học sinh ôn tập. Học sinh Trường THPT Nam Trà My cũng được hưởng chế độ hỗ trợ học tập theo quy định của Chính phủ nên cũng bớt phần nào khó khăn” - thầy Nguyễn Đoàn nói.
Linh hoạt triển khai
Nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức khảo sát chất lượng học sinh trong tháng 3, gọi là “thi thử”. Theo ông Hà Thanh Quốc, kỳ thi thử này không chỉ để kiểm tra kiến thức, chất lượng của học sinh để bổ sung, điều chỉnh, hệ thống hóa kiến thức mà Sở GD-ĐT còn xem đây là cuộc tập dượt cho kỳ thi THPT năm 2018 để chuẩn bị tâm lý cho học sinh về cách thức, kỹ năng làm bài một kỳ thi THPT quốc gia, nhất là cách làm bài thi trắc nghiệm, thậm chí các em cần phải làm quen với cách điền mã số trong bài thi. |
Thực hiện chương trình kết nghĩa giữa các trường miền xuôi với miền núi theo chủ trương của Sở GD-ĐT, thầy cô giáo ở vùng xuôi hỗ trợ, chia sẻ tài liệu tham khảo và kinh nghiệm ôn tập (qua email). Chẳng hạn như các trường THPT ở Điện Bàn, Hội An hỗ trợ các trường THPT ở huyện Tây Giang; các trường THPT ở Đại Lộc hỗ trợ các trường THPT ở huyện Nam Giang. Ngoài việc chia sẻ tài liệu, ông Hà Thanh Quốc nói thêm, học sinh miền núi vốn khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt nên ngành đã vận động học sinh, giáo viên miền xuôi giúp học sinh miền núi. “Ví dụ thi trắc nghiệm mà không có máy tính cầm tay, thi địa lý mà không có Atlat thì rất khó để làm tốt bài thi nên bên cạnh giúp đỡ tài liệu, ngành GD-ĐT vận động học sinh và giáo viên miền xuôi giúp học sinh miền núi về điều kiện thi cử” - ông Quốc nói.
Về đề thi tham khảo môn lịch sử, thầy Nguyễn Thành Khoa - Tổ trưởng Tổ Sử - Địa, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá, kiến thức lớp 11 trong đề tham khảo chiếm khoảng 25%; đề tham khảo không khó nhưng khá dàn trải nên đòi hỏi học sinh phải có kiến thức bao trùm. Và vì thi trắc nghiệm, nên học sinh cần nắm vững câu dẫn, khái niệm để chọn đáp án chính xác. Theo thầy Khoa, số lượng câu hỏi nhiều nên hầu như bài học nào trong chương trình cũng có câu hỏi trong đề thi. Thêm nữa, khi ôn tập, cũng như các môn học khác, giáo viên lịch sử ra đề theo 4 mức độ: nhận biết - thông hiểu - vận dụng - vận dụng cao để phân loại được thí sinh. Tương tự, thầy Nguyễn Tấn Ái - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận xét, cấu trúc đề tham khảo môn Ngữ văn trọng tâm vẫn là chương trình lớp 12, kiến thức lớp 11 chỉ một chiếm một ít trong câu nghị luận văn học. Để học sinh làm tốt bài thi môn Ngữ văn, khi ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia, theo thầy Ái nên tách ra từng phần: ôn tập cho học trò những kiến thức liên quan phần đọc hiểu (3 điểm); phần nghị luận xã hội (2 điểm) để học sinh nắm vững nội dung đoạn trích, viết đoạn văn ngắn; phần nghị luận văn học (5 điểm) có liên quan đến chương trình lớp 11 nên để đạt điểm cao, học sinh cần ôn luyện kiến thức liên quan đến kiến thức lớp 11. Thầy Ái nói, phần nghị luận văn học cũng là phần có thể phân loại được học sinh.
CHÂU NỮ