Chung sức làm đường

NGUYỄN DƯƠNG 27/10/2017 14:13

Để có được những con đường giao thông tỏa về các xã vùng cao, huyện Nam Trà My đang thực hiện khá tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Người dân Nam Trà My chung tay góp sức làm đường giao thông. Ảnh: N.D
Người dân Nam Trà My chung tay góp sức làm đường giao thông. Ảnh: N.D

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, với đặc thù của một huyện miền núi cao, địa hình hiểm trở, việc xây dựng các tuyến đường giao thông tỏa về các thôn bản trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. “Trước đây, để đi được đến các xã vùng cao phải mất nửa ngày đường là chuyện bình thường. Địa hình dốc, hiểm trở, chi phí để giải phóng mặt bằng cao. Vì vậy, Nam Trà My nổi tiếng với những con đường thuộc loại khó nhằn nhất. Nhưng bây giờ, nhờ sự đồng thuận của người dân, huyện cơ bản đã bê tông hóa các tuyến đường dẫn về các trung tâm xã” - ông Mẫn nói.

Theo đó, đề án sắp xếp lại các khu dân cư trên địa bàn một cách hợp lý đang được UBND huyện triển khai quyết liệt, đáp ứng được nhu cầu của người dân là bê tông hóa mạng lưới giao thông nông thôn về các khu dân cư và giao thông nội bộ điểm dân cư. Huyện đã phê duyệt đề án hỗ trợ nhân dân các xã làm đường giai đoạn 2016 - 2025 với quy mô 10/10 xã theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Huyện hỗ trợ xi măng, sắt thép và một phần chi phí (tiền vận chuyển vật liệu, lương thực, thực phẩm, dụng cụ lao động...).  Mức hỗ trợ cụ thể xác định theo từng loại đường, định mức xây dựng cơ bản hiện hành và giá cả tại thời điểm triển khai thực hiện. Chính quyền địa phương và nhân dân khu vực làm đường giao thông chung sức giải phóng mặt bằng (nếu có), đóng góp ngày công lao động để san, gạt lại nền đường, khai thác cát sỏi...

Đề án này đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong huyện. “Làm đưởng để đi, không bị ách tắc vào mùa mưa lũ nên bà con ai cũng ưng cái bụng. Người dân trên này bao đời nay khổ vì không có đường to rộng, bằng phẳng, giờ được Nhà nước hỗ trợ làm nên mừng lắm. Bởi có đường mới có điện, đời sống của người dân mới tốt hơn” - già Hồ Văn Du ở xã Trà Linh, nói. Còn ông Hồ Thơ ở thôn 3 xã Trà Mai chia sẻ, khi có chủ trương của huyện, người dân hoàn toàn đồng tình bởi đây là việc mà bấy lâu nay người dân mong muốn. “Có con đường, con cái đi học đỡ khổ. Nhìn cảnh con em mình lội bộ, bươn bả trong bùn lầy đất đá đến trường, thương lắm!” - ông Thơ nói. Chính vì vậy, từ khi phát động phong trào làm đường bê tông giao thông nông thôn đến nay, huyện đã xây dựng được hơn 18km đường bê tông dẫn về các xã, các thôn nóc trên địa bàn. Đây là thành quả của sự chung sức, đồng lòng giữa chính quyền người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Phát huy nguồn lực trong dân

Ông Nguyễn Công Dũng- Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nam Trà My cho biết, 18km đường mà chính quyền và nhân dân cùng thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”  là thành quả đáng ghi nhận. “Chỉ tính riêng tiền giải phóng mặt bằng, đền bù đã tốn đến tiền tỷ. Nếu không có sự sẻ chia của người dân, việc làm đường ở Nam Trà My sẽ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Dũng cho hay. Theo ông Dũng, nhiều mô hình đã được huyện Nam Trà My nhân rộng ra trên địa bàn. Khi mở đường tại một xã, một nóc, huyện tiến hành họp bàn với UBND xã để lấy ý kiến của người dân địa phương. Sau đó, căn cứ vào từng tình huống, điều kiện cụ thể để có mức hỗ trợ hợp lý. “Có tuyến đường, nếu chỉ tính riêng tiền khảo sát đã lên tới trên 500 triệu đồng. Nhưng nay, với số tiền đó, người dân tự san lấp mặt bằng, dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, con đường được khai mở và đổ bê tông. Đó là lợi thế của sức mạnh lòng dân” - ông Dũng nói thêm.

Đó cũng là phương thức mà UBND huyện Nam Trà My thực hiện trong thời gian tới nhằm bê tông hóa hệ thống giao thông trên địa bàn. Ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, người dân ở đây hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm đường theo phương châm mà huyện đề ra. “Có nhiều hộ dân khi biết con đường mở qua nương rẫy của mình, ảnh hưởng đến một phần đất nhưng vẫn ủng hộ. Đối với họ, có được con đường bê tông để đi lại thuận tiện là điều đáng mong đợi nhất” - ông Thể nói. Hiện nay, toàn huyện có 11 tuyến đường do huyện quản lý với tổng chiều dài là 153km. Trong 11 tuyến đường huyện có 7 tuyến đấu nối trực tiếp vào QL 40B; đường do UBND xã quản lý gồm 13 tuyến với tổng chiều dài trên 26km; đường giao thông liên thôn (đường về 115 khu dân cư) có 124km với tổng chiều dài trên 305km... Theo UBND huyện, mỗi năm địa phương có kế hoạch bê tông hóa 10km tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã để khắc phục những khó khăn về đi lại, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung sức làm đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO