Chung tay chăm sóc những mầm non

CHIÊU THỤC ANH 02/10/2015 10:10

Yêu thương, bảo vệ trẻ em là câu chuyện luôn mang tính thời sự và được các cấp các ngành cùng quan tâm.

Những đứa trẻ do hoàn cảnh gia đình, thiếu tình yêu thương, quan tâm chăm sóc của ba mẹ bị xô đẩy vào con đường phạm pháp ở xã Tam Mỹ Đông (Núi Thành) được thống kê trong 5 năm qua chỉ là những trường hợp điển hình trong số hàng nghìn trẻ em khác trên địa bàn tỉnh có cùng câu chuyện tương tự. Và chính sự thức tỉnh của những bậc làm cha mẹ cùng với biện pháp cứng rắn, kịp thời của các cấp chính quyền địa phương đã giúp các em quay về con đường tươi sáng hơn. Sau 5 năm, từ 27 em vi phạm pháp luật năm 2011, đến nay Tam Mỹ Đông chỉ còn 7 trường hợp trong diện quản lý, đang được các cô chú tiếp tục quan tâm để dẫn lối trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội. “Thật không thể dùng từ nào để nói đến niềm vui, hạnh phúc của những người trực tiếp làm công tác trẻ em. Bởi, mọi sự nỗ lực, cố gắng đưa trẻ hoàn lương đã thu được những thành quả ngọt ngào. Mô hình ngăn chặn trẻ vi phạm pháp luật của xã Tam Mỹ Đông được nhiều nơi, tham quan, chia sẻ kinh nghiệm” - chị Đinh Thị Lựu, cán bộ trẻ em Phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành nói. Hiện có khá nhiều mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em làm trái pháp luật đã và đang có phản hồi tốt khi tình hình trẻ em làm trái pháp luật giảm qua các năm. Trong đó có thể kể đến một số địa phương điển hình như thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), xã Bình Lâm (Hiệp Đức), xã Cẩm Hà (TP.Hội An)…

Thành đoàn Tam Kỳ phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố tổ chức trong chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ và diễn đàn quyền trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Ảnh: VINH ANH
Thành đoàn Tam Kỳ phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH thành phố tổ chức trong chương trình Hành trình về địa chỉ đỏ và diễn đàn quyền trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Ảnh: VINH ANH

Có thể nói, qua 5 năm thực hiện chương trình “Bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015”, ở các địa phương trên địa bàn tỉnh hình thành khá nhiều mô hình bảo vệ, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng hoạt động hiệu quả. “Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn xã Quế Thuận (Quế Sơn) không xảy ra trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, hay tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc) tình hình tai nạn thương tích giảm từ 0,3% xuống còn 0,05%... Khi thâm nhập thực tế tìm hiểu các mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ nhiễm HIV... sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn diện hơn” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em Sở LĐ-TB&XH chia sẻ.

Cùng với nỗ lực của những người trực tiếp làm công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, các hội, đoàn thể ở cơ sở đã vào cuộc với những mô hình sát với thực tế địa phương, như: câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Mẹ và con” của Hội LHPN xã Cẩm Hà (TP. Hội An); tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật (Công an phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ); ra mắt 7 mô hình “Chi, tổ phụ nữ không có con hư hỏng” thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên); hình thành khu dân cư “Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông” ở xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn)... “Chính sự hỗ trợ cũng như “tấn công đồng loạt” của nhiều hội, đoàn thể, nên sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra” - ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh nói. Qua 5 năm thực hiện chương trình “Bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015”, trên toàn tỉnh đã có 151.000 lượt trẻ được khám chữa bệnh miễn phí; 75% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường; mạng lưới hệ thống bảo vệ trẻ em được kiện toàn ở các huyện, thành phố, thị xã, đối với cấp xã cũng đã hoàn thiện được 84%; công tác chăm sóc trẻ em được quan tâm xuyên suốt qua từng ngày, từng tháng chứ không chỉ là các hoạt động tổ chức nhân dịp lễ, tết như trước...

Thành quả đạt được sau 5 năm thực hiện chương trình “Bảo vệ trẻ em tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015” khá lớn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề, những câu chuyện đau lòng xảy ra đối với trẻ em cần phải nhắc nhớ, để người lớn cùng hành động, ngăn chặn kịp thời, nối dài thêm yêu thương. Chỉ mới đây thôi, dư luận xôn xao chuyện 3 trẻ em ở Nam Trà My bị bóc lột sức lao động phải bỏ trốn, hoặc thỉnh thoảng lại nghe xảy ra chuyện trẻ bị xâm hại tình dục, bị bạo hành..., nhưng những người trực tiếp làm công tác chăm sóc trẻ em chưa đi đến tận cùng của công lý để bảo vệ và đòi sự công bằng cho các em. Hay một vài trường hợp trẻ bị nhiễm HIV, Bệnh viện Nhi Quảng Nam cần sự phối hợp và trợ giúp ngay lập tức thì không nhận được sự tiếp ứng kịp thời của cơ quan làm công tác trẻ em, cũng bởi còn quá nhiều thủ tục hành chính rườm rà chưa được loại bỏ. Và đôi khi, ở đâu đó công tác phối hợp của những người làm công tác liên quan đến trẻ em chưa thực sự nhiệt tâm, nhiệt tình đi sâu, đi thẳng vào chính những vướng mắc của trẻ để giải quyết, tháo gỡ… Do đó, thời gian tới, mỗi cá nhân, đơn vị, hội đoàn thể cần nâng cao nhận thức, cùng toàn xã hội chung tay xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi trẻ em phát triển bình đẳng, đáp ứng các quyền cơ bản của trẻ.

CHIÊU THỤC ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay chăm sóc những mầm non
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO