Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền... là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đồng bào Cơ Tu thuộc dự án động lực phát triển kinh tế miền núi. Ảnh: Đ.H |
Chọn sản phẩm chủ lực
Lợi thế của Quảng Nam khi triển khai Chương trình OCOP, là phần lớn các sản phẩm chủ lực đã được các địa phương xúc tiến đăng ký công bố chất lượng hoặc đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong tổng số 130 sản phẩm được chọn, có đến 30 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, 36 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Cụ thể, sâm Ngọc Linh, quế Trà My, vải thổ cẩm ZaRa, đèn lồng Hội An, trầm cảnh Trung Phước, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, phở sắn Đông Phú, gà tre Đèo Le, nước mắm Cửa Khe, trứng gà Văn Học, ớt A Riêu… đã khẳng định được vị thế thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 170 tổ chức/cá nhân đang sản xuất sản phẩm tại địa phương; trong đó có 14 công ty TNHH, 16 HTX, 15 tổ hợp tác, 126 hộ sản xuất - kinh doanh (có đăng ký kinh doanh). Đây là tiềm năng và dư địa rất lớn để có thể triển khai thành công đề án Chương trình OCOP góp phần tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn và bảo tồn truyền thống văn hóa của từng vùng miền.
Theo ông Lê Muộn, vấn đề cốt lõi của mục tiêu triển khai đề án OCOP ở Quảng Nam là làm sao tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn là xu thế mới hiện nay. Qua đó, hướng đến xây dựng sản phẩm của 3 cấp: sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm cấp huyện, xã mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu . |
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc triển khai OCOP không chỉ đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn. Bao gồm: giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động và giải quyết việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội những năm đến, Quảng Nam xác định mục tiêu xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với thực hiện Chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Hình thành các chuỗi tiêu thụ
Theo các chuyên gia, để tạo đột phá trong quá trình triển khai OCOP, Quảng Nam cần sớm ban hành các cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư cho mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ cho sản phẩm OCOP trên từng địa bàn. Cụ thể, xây dựng kế hoạch chi tiết các sản phẩm chủ lực, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng theo chu trình OCOP, phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương trên địa bàn của tỉnh. Để phát triển sản phẩm OCOP chủ lực, việc đầu tiên phải làm là tạo mới và mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Trước mắt, Quảng Nam cần tập trung tiến hành quy hoạch và xây dựng các trung tâm, điểm bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn, tập trung tại các điểm du lịch, khu vực đông dân cư, thuận tiện về giao thông, thương mại, nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Theo đó, sẽ triển khai các dự án được xem là động lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn. Đó là, dự án trục văn hóa - nông dược (nông sản, dược liệu) Hội An - Tam Kỳ - Phú Ninh - Trà My; dự án nâng cấp mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (tập trung ở các huyện Bắc Trà My, Nam Giang, Hiệp Đức) và các dự án khởi nghiệp OCOP...
Một thuận lợi cơ bản đối với Quảng Nam là trong những năm gần đây, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng hỗ trợ, như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đông, vùng tây của tỉnh; các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết về quy hoạch, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; Nghị quyết về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, Quảng Nam đã bước đầu hình thành các mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng sinh thái; ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong bảo tồn, lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; đưa công nghệ mới vào bảo quản, chế biến nông sản đồng thời các nghiên cứu cũng hướng tới bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu; ứng dụng công nghệ bào chế, sản xuất từ dược liệu quý của tỉnh như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, sa nhân, ba kích, đẳng sâm…
ĐẶNG HÙNG