Đi từ cao nguyên Atepeu, Saravane, Sê Kông đến Paksé (Lào), không khó để bắt gặp những bước chân lưu lạc làm ăn nơi đất khách của người Việt. Lội vào các chợ sầm uất ở Paksé, chợ Karol (huyện Sêpôn, tỉnh Savannakhet) gần sát cửa khẩu Lao Bảo thì nghe những tiếng “trọ trẹ” của người Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An… Còn vào chợ ở huyện Đắc Chưng, La Mạn (tỉnh Sê Kông), hay chợ trên bình nguyên Saravane, thì bày bán nhan nhản những mặt hàng có nguồn gốc xứ Quảng như hải sản, quế Trà My, rượu sâm, thổ cẩm của người Cơ Tu… Các điểm kinh doanh ẩm thực còn trưng bảng rặt tiếng Việt như mỳ Quảng, cơm gà bà Luận, bê thui Cầu Mống, nem nướng Tam Kỳ…
Trung tâm chợ La Mạn, tỉnh Sê Kông (Lào). |
Người Việt buôn bán sát cửa khẩu Lao Bảo thì sáng ở Việt Nam qua, tối lại về, còn hầu hết đồng hương người Quảng sinh sống rồi lập chợ ổn định trên một số tỉnh Nam Lào. Thực tế, việc giao lưu hàng hóa, trao đổi buôn bán đoạn từ cửa khẩu Đắc Tà Oóc đến Sê Kông thưa thớt do tuyến quốc lộ 16B vẫn còn dang dở. Người dân vùng cao Nam Giang thường theo đường rừng mang qua đất bạn vài mặt hàng mắm muối, thịt cá, thổ cẩm… Tại ngôi chợ không mấy đông người mua kẻ bán ở Đắc Chưng, nhiều nhất là bày bán thịt thú rừng, các loại cá nục, cơm khô, vài nông sản của người Cơ Tu… Chị Nguyễn Thị Dung (quê Điện Bàn) kinh doanh ở chợ này hơn năm nay bộc bạch: “Ở đây, không buôn bán sầm uất, hiện đại như ở quê mình, hàng hóa chủ yếu là nông sản bản địa, đồ Trung Quốc, Thái Lan nhập tràn lan. Gia đình chị qua bán mắm muối, quế Trà My, tiêu Tiên Phước... Công việc chính là kinh doanh ăn uống phục vụ người Lào, kể cả người Việt sinh sống và làm ăn tại đây”. Theo chị Dung, ở Đắc Chưng, có thể sử dụng tiền Việt lẫn tiền kíp (Lào); thi thoảng người dân vẫn còn thói quen giao dịch “hàng đổi hàng”.
Nem nướng - một món ăn đặc sản Quảng Nam bày bán tại chợ La Mạn. |
Ở Sê Kông, hay Savanakhet, người Quảng sống theo kiểu quần cư. Họ có thể mở cửa hàng buôn bán tại chỗ. Theo quan sát, người Việt nói chung, người Quảng nói riêng thường chọn việc kinh doanh ẩm thực. Lang thang trên các đường phố… tỉnh Savanakhet vào ban đêm, ngạc nhiên thấy xuất hiện các nhà hàng, quán bar ghi bảng hiệu tiếng Việt. Một người bạn Lào giải thích, phố ở đây cũng là chợ. Chợ họp từ sáng đến tối. Chị Anh (quê phường An Xuân, TP. Tam Kỳ), chủ quán Huyền Anh ở tỉnh Savanakhet tâm sự, chị mở quán hơn 10 năm rồi. Quán chị chủ yếu bán cơm, mỳ Quảng, bê thui Cầu Mống và cả rượu gạo. “Bạn hàng truyền thống vẫn là người Việt mình, nhưng gần đây người Lào cả người Thái rất “khoái khẩu” món bê thui Cầu Mống” - chị Anh cho biết.
Trên đất Lào, dễ dàng tìm thấy những món ăn Việt. Ảnh: H.PHÚC |
Có nhiều con đường để người Quảng qua nước bạn Lào trao đổi buôn bán, làm ăn. Cho dù kinh doanh trong khu chợ sầm uất, ở một miền quê hẻo lánh, hoặc hình thành “chợ di động” dọc đường gió bụi nào đó trên đất Lào, người Quảng vẫn để lại dấu ấn riêng. Ông Khăm-phởi Bút-đa-viêng, Bí thư - Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông (Lào) tại hội nghị cấp cao thường niên của hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông diễn ra hồi giữa năm nhấn mạnh, quan hệ của hai tỉnh bây giờ không chỉ dừng lại ở ngoại giao đối ngoại mà đã được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể; ngày càng có nhiều doanh nghiệp, người dân Quảng Nam đến làm ăn, sinh sống tại Lào. Chính họ là người đã mang theo văn hóa Việt, trong đó có cả văn hóa kinh doanh tại các trung tâm thương mại và chợ.
Bê thui Cầu Mống rất được người Lào “khoái khẩu”. |
Năm 2014, một dự án hơn 50 tỷ đồng sẽ được Quảng Nam giúp tỉnh Sê Kông đầu tư, nâng cấp mở rộng khu liên hiệp kiểm soát cửa khẩu; quốc lộ 16B nối huyện Nam Giang với huyện Đắc Chưng sẽ nằm trong lộ trình đầu tư của Lào, rồi sẽ rút ngắn tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tương lai con đường giao thương buôn bán của người Quảng trên đất Lào sẽ sáng sủa hơn.
TRẦN HỮU