Chuyển biến rừng trồng

TRẦN NGUYỄN 14/07/2017 09:27

Sáu tháng đầu năm, ngoài việc giảm đáng kể diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại, số vụ cháy rừng, các dự án phát triển rừng trồng tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm rừng, cũng như tạo cơ hội tìm kiếm sinh kế dễ dàng hơn.

Người dân đầu tư trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế. Ảnh: T.N
Người dân đầu tư trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế. Ảnh: T.N

Ngoại trừ xảy ra vụ cháy rừng trồng lim xanh, lát hoa và sao đen với diện tích hơn 1,6ha tại xã Phước Lộc (Phước Sơn), từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra bất cứ vụ cháy rừng nào. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, kết quả trên phản ánh hiệu quả công tác tuyên truyền kiểu “mưa dầm thấm lâu”; bắt buộc người dân trong khu vực gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng cũng như ràng buộc trách nhiệm với từng chủ rừng. Sáu tháng đầu năm, hầu như ngành kiểm lâm đã hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng. Nhiều dự án phi chính phủ tài trợ đã mở ra cơ hội cho cộng đồng dân cư phục hồi rừng theo hướng bền vững. Cụ thể như dự án hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2 (dự án BCC) tiếp tục triển khai hỗ trợ phục hồi, trồng rừng sinh kế trên địa bàn huyện Nam Giang và Tây Giang với tổng diện tích gần 140ha.

Thông qua dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng” do Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ thực hiện đã giúp cho các địa phương miền núi thành lập thêm 11 ban quản lý quỹ phát triển rừng cấp thôn; xây dựng kế hoạch thực hiện phát ranh giới, đóng mốc cho 16 thôn nằm sát rừng tự nhiên chưa đóng mốc với chiều dài đường ranh giới là 272km và 310 mốc. Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT, từ các chính sách “cởi trói” cho phát triển nghề rừng, dự án hỗ trợ thí điểm, chính quyền địa phương lẫn cộng đồng dân cư đã tiếp cận với xu thế trồng và quản trị rừng bền vững. Theo đó, hơn 1.713ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt chuẩn quốc tế (FSC). Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức thông tin, đến nay có 49 hộ dân tại xã Hiệp Thuận trồng rừng đạt chuẩn FSC từ dự án phát triển ngành lâm nghiệp với diện tích hơn 237ha rừng. “Xu hướng của địa phương là sẽ mở rộng, hướng dẫn người dân trồng rừng theo chuẩn FSC, bởi hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều lần trồng rừng truyền thống” - ông Viên nói. Không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng tích cực trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC như Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam với 1.476ha.

Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, độ che phủ rừng nâng cao mỗi năm là nhờ thực hiện kịp thời các nghị quyết, cơ chế chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội miền núi. Đặc biệt là Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn vùng tây giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND ngày 19.9.2012 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi.  Và người dân là chủ thể, nguồn lực chính tham gia bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển biến rừng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO