Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, Ban ATGT tỉnh và đơn vị liên quan thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp đối với vị trí đường ngang băng qua đường sắt. Về đường ngang hợp pháp, ngành đường sắt cử người chốt gác ở những điểm nguy hiểm chỉ mới cảnh báo bằng biển báo, tiến hành nâng cấp lên đường ngang có gác chắn tự động. Tại những lối đi tự mở (đường ngang bất hợp pháp), Ban ATGT tỉnh cùng cơ quan thành viên, chính quyền địa phương tiến hành làm đường gom và xóa một số điểm qua huyện Núi Thành.
Để người dân tự ý làm lối đi tự mở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu, đe dọa tính mạng người không chú ý quan sát khi băng qua đường sắt thuộc về trách nhiệm quản lý, xử lý của chính quyền địa phương. Trước thực tế phần lớn tai nạn giao thông đường sắt xảy ra qua những lối đi tự mở, năm 2019, Ban ATGT tỉnh được sự cho phép của UBND tỉnh đã cùng Sở GTVT triển khai thí điểm 3 chốt gác tại Thăng Bình, Núi Thành. Năm nay, có thêm 5 chốt gác được triển khai tại 5 lối đi tự mở tại các phường Hòa Thuận, Trường Xuân (Tam Kỳ); các xã Tam Xuân 2, Tam Nghĩa (Núi Thành) và Duy Sơn (Duy Xuyên).
Theo Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, những người làm nhiệm vụ chốt gác được đơn vị chuyên ngành tập huấn nghiệp vụ, trang bị sổ ghi giờ tàu, dụng cụ tín hiệu, phòng vệ, lắp đặt cần chắn. Việc tổ chức chốt gác góp phần đảm bảo ATGT, không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào tại vị trí lối đi tự mở có chốt gác; được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ; tạo sự phối hợp, thông tin kịp thời giữa địa phương với các đơn vị quản lý đường sắt bảo vệ công trình, hành lang ATGT.
Nhưng 2 năm qua, việc hợp đồng nhân viên thực hiện cảnh giới tại chốt gác chủ yếu là vận động người dân địa phương có đủ sức khỏe tham gia với mức thù lao rất thấp, không được chi trả các loại phí bảo hiểm bắt buộc theo luật định. Trong khi đó, vị trí chốt gác ở xa các khu dân cư nên điều kiện sinh hoạt còn khó khăn. Do vậy, họ thường làm thời gian ngắn rồi xin nghỉ việc, Ban ATGT tỉnh phải tìm người mới thay thế, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Chuyện theo dõi, quản lý các nhân viên chốt gác do Ban ATGT tỉnh đang thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại do chốt gác nằm rải rác, trong khi nhân sự đơn vị rất mỏng.
Chính vì vậy, Ban ATGT tỉnh kiến nghị UBND tỉnh quan tâm tăng chi phí chi trả cho người chốt gác theo quy định (cả chi trả các loại bảo hiểm bắt buộc), có chủ trương giao cho UBND cấp huyện quản lý chốt gác. Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ đảm bảo ATGT năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã thống nhất tăng mức chi trả lương cho nhân viên chốt gác tại các lối đi tự mở theo quy định hiện hành. Đồng thời giao UBND cấp huyện có chốt gác tại lối đi tự mở thực hiện quản lý, theo dõi hoạt động và điều chuyển kinh phí hằng năm để trả lương cho nhân viên chốt gác về ngân sách cấp huyện để tự thực hiện chi trả.