Chuyện chữ

PHAN VĂN MINH 03/12/2017 11:30

Thời học phổ thông, môn vật lý có dạy về lý thuyết “sóng - hạt” của nhà khoa học người Pháp Louis de Broglie (1892-1987), người từng đoạt giải Nobel về vật lý năm 1929.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Broglie đúng ra phải đọc là Brô -gờ-li, nhưng ông thầy lại đọc thành Brơi (Breuil). Nghi ngờ thầy đọc sai, một số bạn đi hỏi thầy giáo Pháp văn thì mới biết, đây là một trường hợp ngoại lệ về ngữ âm trong tiếng Pháp. Nguyên nhân là dòng họ de Broglie từ xa xưa đã tự đọc… sai như thế, và bởi họ quá nổi tiếng nên hầu hết người Pháp đều chấp nhận đọc theo cách của họ. Nhưng nếu thay phụ âm “B” bằng một phụ âm khác thì vẫn phải đọc bình thường. Tương tự như thế đối với tên của nhà văn Anh W.Somerset Maugham, tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng The Moon and Sixpence (Vầng trăng và sáu xu). “Maugham” chỉ đọc gọn trơn thành “Mawm”, gần như thừa cả ba mẫu tự. Không chỉ vậy, theo các nhà nghiên cứu thì hầu hết ngôn ngữ phổ biến trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Hoa… đều có vô số những khuyết tật như thế nhưng hình như những cố gắng cải cách sau này đều bất thành hoặc chỉ đạt hiệu quả không đáng kể.

 Xem ra, một khiếm khuyết về ngôn ngữ cho dù xuất phát từ một trường hợp cá biệt nhưng khi đã thành thói quen của cả một cộng đồng thì rất khó lòng sửa lại.

Có lẽ cũng vì thế mà trong những ngày qua, không gian truyền thông của người Việt đã nổi cơn “bão táp” từ một đề xuất “Cải tiến phụ âm tiếng Việt” của PGS-TS. Bùi Hiền. Không kể làm chi những lời chỉ trích, những câu thóa mạ theo kiểu hiệu ứng đám đông trên các trang mạng xã hội, ngay cả trên nhiều báo đài chính thống, phần lớn các chuyên gia về ngôn ngữ, văn hóa; các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ… đều có những phản biện theo hướng “quan ngại” hoặc không đồng tình. Không cần tường thuật lại “cuộc chiến” không cân sức này bởi thông tin đã đầy trên internet. Ở đây người viết chỉ đặt vấn đề tại sao một công trình có vẻ khoa học, công phu và đầy thiện chí như thế lại bị công luận phản ứng dữ dội đến vậy?

Trước hết, hình như đề xuất của ông Bùi Hiền chưa có được lý do chính đáng, mặc dù ông đã nêu ra một số đối sánh cả về định tính lẫn định lượng nhưng vẫn không có sức thuyết phục.

Trong lịch sử, văn tự người Việt đã trải qua một số lần thay đổi, không chỉ là cải tiến mà mang tính cách mạng. Lần đầu tiên là từ chữ Hán sang chữ Nôm. Cuộc “cách mạng” chữ viết này đã diễn ra trong nhiều thế kỷ, thậm chí cả ngàn năm, nhưng cho đến thời nhà Hồ mới bắt đầu được dùng trong một số văn bản chính thức rồi phát triển và tồn tại song hành cùng chữ Hán cho đến đầu thế kỷ 20. Lý do chữ Nôm được cả xã hội thời đó chấp nhận vì nó ký âm được tất cả tiếng thuần Việt. Hơn nữa sau khi giành được độc lập về chính trị, ông cha ta còn muốn tiến thêm một bước về lòng tự tôn dân tộc với sự độc lập cả về chữ viết. Người Hán muốn đọc được văn bản của ta thì phải học lấy. Dù vậy, trong khoa thi bắt buộc dùng chữ Nôm đầu tiên thời Tây Sơn (1789), nhiều Nho sinh đã phản ứng bằng cách bỏ thi.

Lần thứ hai là từ hai thứ chữ Hán – Nôm chuyển sang hệ mẫu tự la-tinh. Mặc dù ban đầu đây chỉ là phương tiện để phiên âm tiếng Việt của các giáo sĩ phương Tây dòng Tên từ đầu thế kỷ 16, nhưng sự tiện lợi của nó đã dần dần được các nhà tân học và sau đó là quốc dân chấp nhận. So với chữ Hán hay Nôm, Quốc ngữ có những quy tắc chung về âm và vận nên dễ học. Các cụ từng bảo: “Ngày xưa học chữ ta (tức chữ Nho) ba năm mới viết được tờ khế bán bò. Nay con nít mới hết lớp 1 đã đọc thông viết thạo”. Tuy nhiên, để có được một hệ thống từ ngữ, văn phạm hoàn thiện như ngày nay, Quốc ngữ đã phải từng bước chỉnh lý suốt hơn 3 thế kỷ. Trong quá trình đó, cuộc cách mạng chữ viết cũng đã vấp phải sự phản ứng của học giới. Ca dao thời đó còn có câu: “Khuyên anh học lấy chữ Nhu (Nho)/ Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”.

Lý do thứ hai khiến đề xuất cải cách chữ viết của PGS-TS. Bùi Hiền bị phản ứng kịch liệt chính vì những bất cập trong bảng âm vị của ông. Do quan điểm lấy cách phát âm của người Hà Nội làm chuẩn nên ông đã đồng nhất một số phụ âm. Điều này cũng dẫn đến nhiều ví dụ “chết người”. Chẳng hạn các âm /d/, /gi/, /r/ sẽ dùng chung âm /z/. Như thế thì Hòn Rái (Lại Sơn) ở Kiên Giang sẽ đọc là gì? Tương tự, các âm  /s/ và /x/ đồng nhất thành /s/; /ch/ và /tr/ đồng nhất thành /c/; còn /c/, /k/, /q/ đồng nhất thành /k/ thì chỉ trừ giọng phía bắc, các cư dân phía nam vốn phân biệt rất rõ ràng các âm này, nay ắt sẽ vấp phải những nhầm lẫn. Chẳng hạn viết “cán cườq cườq lớp” (chữ q = ng) thì sẽ hiểu là “chán chường trường lớp” hay “chán trường chường lớp”? Làm sao phân biệt được “cây sanh” với “cây xanh” nếu cả 2 trường hợp đều ghi là “kây san’”  (nh = n’)? Ngoài ra, ông Bùi Hiền còn tự mâu thuẫn khi cho ký tự “R” vừa giữ âm “R” như cũ (ra-đa, mê-trô) lại vừa ký âm thành “z” trong nhóm “/d/, /gi/, /r/” ( za = da, gia, ra)…

Thứ ba, như nhiều người đã phân tích, nếu áp dụng bảng ký tự này của ông Bùi Hiền thì sẽ là thảm họa: Phải mở thêm hàng triệu lớp 1 cho mọi người đi học lại; tất cả văn bản cũ từ pháp luật, tôn giáo, thư tịch đều phải “dịch” lại; và đặc biệt là những hệ lụy do thời đại kỹ thuật số vốn đã mặc định chữ Việt trong hàng chục năm qua…

Vẫn có một “tuy nhiên” rằng, giống như mọi thực thể khác trên đời, chữ viết cũng không thể đứng bên ngoài cuộc biến đổi. So với trước năm 1975, chữ viết và văn bản tiếng Việt đã qua nhiều lần cải cách và dần dần được cả xã hội chấp nhận. Nhưng đó là những thay đổi nhỏ như quy định về viết hoa, bỏ dấu nối, nhất thể /i/ và /y/ trong một số trường hợp… Những chỉnh lý từng bước như thế không làm biến dạng chữ Việt nên đã không làm tổn thương đến tâm thức về Quốc ngữ  của cộng đồng.

Vậy nên chăng, ông Bùi Hiền hãy chỉ trình làng vài thay đổi đơn giản nhất? Đừng nên “chọc giận” thiên hạ bằng cách “hiệu triệu một cuộc cách mạng trọn gói” như đã làm vừa qua.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO