Tôi gặp Nguyễn Thị Ngoan đã từ lâu. Cô nói tiếng Bắc. Tôi đinh ninh cô là người Bắc rặt hoặc có cha là cán bộ tập kết. Nhưng tôi lại ngờ ngợ, thắc mắc: “Hồi mới giải phóng - 1975, Ngoan ở tuổi mười tám, hát rất hay, viết không sai lỗi chính tả... thế nhưng tại sao lại vào đây làm cấp dưỡng cho trường học nội trú...”. Mỗi người một phận. Chuyện tế nhị nên tôi không dám tìm hiểu. Chỉ biết rằng, mấy chục năm nay người chị nuôi này vẫn thường ngâm thơ trên Chương trình Thơ giao thừa của Đài Truyền thanh Tam Kỳ. Tôi luôn trân trọng cô như một nghệ sĩ không chuyên, nghèo và hiền lành. Cách đây vài năm, bất ngờ nghe cô đọc mấy bài thơ tình do cô sáng tác, tôi càng cảm thấy lạ về thân phận của một người đàn bà có chút tài hoa này. Tôi cố hỏi cho ra lẽ. Cô trả lời gọn lỏn: “Tôi chơi thân với các anh là vì cái tình văn nghệ. Các anh là người làm thơ, tôi là người ngâm thơ, mình cứ lơ ngơ giữa đời chứ tìm hiểu chi cho kỹ. Nói ra thì dài dòng và “thân phận lắm”. Ngẫm nghĩ hồi lâu, mắt nhìn xa xăm như cố chắp nối những dòng ký ức đã vụn vỡ theo hun hút thời gian, cô lại tiếp: “Nhưng anh muốn biết thì tôi kể. Mà đừng có chê là “lý lịch đen” đấy nhé. Nói chi thì tôi cũng là nhân viên của ngành giáo dục Tam Kỳ đã hơn 30 năm rồi. Tôi vẫn được mọi người tin dùng trong cái tình người đấy chứ...”.
*
* *
Ba cô đi lính cho Pháp. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông kéo vợ và đứa con đầu lòng mới có mấy tháng tuổi xuống Hải Phòng, lên tàu thủy vào Nam. Tại miền Nam, ông được phiên chế vào Trung đoàn 6, thuộc Sư 2 bộ binh Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Năm 1956, vợ chồng ông sinh được bé Ngoan. Từ đó Ngoan cũng bị cuốn hút theo bước chân của người cha trên khắp các “vùng chiến thuật”. Cha cô đóng quân ở đâu thì cả nhà phải theo đến đó. Năm 1972, Mỹ rút khỏi Chu Lai, Sư 2 ngụy đến thế chân, tại đây ông cũng giải ngũ làm dân thường. Ông được phân đất, dựng nhà, sống trong căn cứ Chu Lai. Lúc đó, Ngoan đã học xong lớp 9. Nghỉ học, cô cùng chị ruột làm nghề “giặt là” quần áo cho lính để phụ giúp kinh tế cùng ba mẹ.
Trong lúc giặt là quần áo, Ngoan hay ngân nga những bài hát mình thích. Một hôm, vào tháng 7.1974, có một lính nhạc công đến là quần áo, nghe Ngoan hát khá mùi tai, anh ta về báo với Trung úy Nho - Trưởng đoàn ca hát tâm lý chiến thuộc Đại đội 103, Sư 2 bộ binh. Trung úy Nho cho người gọi Ngoan tới thử giọng rồi nhận vào đoàn văn nghệ của ông. Ngoan cùng với 6 thanh nữ khác, thường xuyên đến các đơn vị lẻ để hát cho lính nghe. Có lúc Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt gọi tới Sư đoàn bộ ca hát để phục vụ ông cùng đám tùy tùng và nhận được lời khen của ông ta. Tâm hồn non tơ của Ngoan như được tiếp sức cất cao hơn tiếng hát để làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nỗi chán chường cuộc chiến của đám binh lính mà cô không hề biết mình đang bị cuốn hút vào cái trò chính trị của những kẻ đương quyền. Cô hát phục vụ cho đủ các loại lính: tân binh đang luyện tập, lính sắp hành quân đến một nơi nào đó, lính thất trận trở về trong bộ dạng thiểu não, bụi đường lấm láp... Và cứ như thế độ tám tháng, với cái tên ca sĩ Bích Hà, Ngoan mặc quần xanh đậm, áo xanh lơ, hưởng lương hậu hĩnh, vô tư đi khắp các trại lính để hát ca những bài: Trên bốn vùng chiến thuật, Các anh về, Thành phố sau lưng, Biển Mặn, Hoa trinh nữ... cùng những tiếng vỗ tay tán thưởng của đủ sắc lính. Thế rồi, vào sáng 13.2 âm lịch năm 1975, lính thất trận từ Tam Kỳ, Quảng Ngãi kéo về tràn ngập căn cứ, không khí trật tự nghiêm ngặt thường ngày bỗng chốc vỡ tan. Ở phía sân bay liên tiếp có những chuyến trực thăng chở sĩ quan và gia đình bay vội về Đà Nẵng. Ở ngoài khơi cảng Kỳ Hà đã có những chiếc tàu thủy khổng lồ rập rình cập cảng.
Rồi, có một cái lệnh rất hệ trọng được ban bố ra từ Sở chỉ huy Sư đoàn 2, hàng ngàn người cả binh lính, vợ con binh lính cùng người dân sống ở các trại tập trung trong căn cứ Chu Lai rùng rùng chạy xuống cảng Kỳ Hà. Dòng người chạy bộ dài dằng dặc băng qua trảng cát sân bay; dòng xe ô tô, xe máy phóng ra cổng chính, theo đường nhựa thoát về cảng. Họ quẳng xe máy, xe Jeep, vứt vũ khí, bỏ hành lý, cởi quân phục, giành nhau để vượt xuống phía biển. Trước mắt cô gái mảnh mai kia hiện ra nguyên hình sự bạc nhược đến hèn mạt của một đội quân thất trận mà hằng ngày cô phải đi ca hát phục vụ cho họ. Chao ôi! họ băng qua xác chết, băng qua những người lỡ bị vấp ngã, dẫm đạp, bỏ lại phía sau lưng tất cả để chạy mà tìm sự sống. Bởi họ là người đã nhiễm quá sâu cái tư tưởng: “Khi Việt cộng tràn tới sẽ tàn sát tất cả mọi người...”. Những người có chút nghệ sĩ thì dù trong bước đường cùng cũng không nỡ giành nhau sự sống bằng cái cách đó. Trung úy Nho, nhạc công Nhẫn dìu dắt, che chở 6 nữ ca sĩ lần lữa, lánh trớ những bất trắc. Sau hơn ba tiếng đồng hồ sấp ngửa, Ngoan cùng toàn bộ Đoàn ca hát tâm lý chiến cũng tới được bến cảng Kỳ Hà.
Hoàng hôn đã đổ xuống, trong mắt Ngoan nước biển như sắc lại, đỏ quạch. Biển đâu còn yên bình, thơ mộng như những ngày cô cùng bạn bè ra đây dạo mát. Trên bờ là cảnh loạn lạc khốn cùng, những tiếng la hét, khóc than, tiếng xe máy, xe quân sự gầm rú, tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ chát chúa, tiếng còi, tiếng loa... cứ vang lên đinh tai, nhức óc. Ngoan không giữ nổi cái va ly quần áo và chút ít đồ đạc gọi là quý để phòng thân. Nó đã tuột khỏi tay cô trong sự bất lực. Không có cơ hội để tiếc nuối, bởi cô cùng sáu chị em “bè hát” đã bị mắc kẹt, dồn ép “quánh cục” trong đám đông vô hồn. Trước giờ phút hiểm nguy, từ trong cơ thể yếu mềm của những nữ ca sĩ kia bỗng bật dậy mãnh liệt bản năng, họ cố kết nhau nhích từng bước về phía cầu cảng để bấu víu sự sống.
Chiếc tàu thủy có sức chứa 5.000 người vừa cập cảng, cả đám chạy loạn ô hợp nhào tới. Kẻ cố nhảy lên tàu, người cố giật trở lại. Trung úy Nho đu bám lên được boong tàu, ép ngực vào lan can, với tay kéo Ngoan. Một quả lựu đạn nổ tung, cả cơ thể nát bét của Trung úy Nho đổ ập xuống người Ngoan. Mặc kệ đau thương, nhạc công Nhẫn nhảy thốc, kéo Ngoan lên boong. Con tàu duềnh giật, bạt ra phía biển, nhiều người đang đà nhào tới rớt luôn xuống nước. Dưới ánh trăng mười ba, Ngoan nhìn thấy rõ cả đám người trồi lên hụp xuống, lúc nhúc quờ quạng trên mặt nước vô tình cùng những âm thanh tuyệt vọng, oan nghiệt. Mặc kệ ai chìm, ai nổi, trên boong tàu cả đám người chật như nêm cứ phải dồn tới, dồn tới để trống chỗ cho những kẻ may mắn ở những phút cuối cùng. Sau vài tiếng đồng hồ, con tàu đã chen chật hết chỗ. May quá! Sáu chị em “bè hát” đều có mặt. Họ ôm nhau khóc nức nở trong hy vọng được sống khi con tàu nhổ neo ra phía khơi xa.
(Còn nữa)
Truyện ký của PHẠM THÔNG