Phiên họp đảng viên sinh hoạt tại nơi cư trú, các anh hưu trí đọc lại tường thuật phiên thảo luận tổ trên báo, thấy Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH than phiền chuyện hội nào cũng bám vào trụ sở, rồi tìm mọi cách tác động để mở rộng diện tích, xin xe, phương tiện hoạt động đủ các loại. “Khi xin thành lập họ đều nói tự nguyện, tự quản, tự cung tự cấp. Nhưng không có hội nào tự quản, tự chủ hết. Hội nào khi thành lập cũng đều có mục tiêu, mục đích, đều vì đất nước nhưng xét quá trình tổ chức, hoạt động thì rất nhiều chuyện phải bàn. Các hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang hội đặc thù phải phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động”. Ông bộ trưởng nói chuyện ở trung ương, nhưng thử nhìn xem các cấp địa phương, chắc hẳn điều này cũng không khác mấy.
Tôi cam đoan, không có ai ngạc nhiên về điều đó, vì biết cả rồi. Nghe cái cách ông bộ trưởng nói, lại ngạc nhiên là sao điều ấy vẫn cứ tồn tại. Chuyện này, từ năm 2016, cũng ở diễn đàn Quốc hội, đã được Chủ tịch Quốc hội thừa nhận là bà “biết rất rõ chuyện có nhiều thứ trưởng về hưu là có hội ra đời, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin cả biên chế”. Thế nhưng, vì sao thực trạng đã được chỉ ra, nhưng giải pháp lại chậm, để rồi nay lại nhắc? Và còn nhắc tới bao giờ? Khi quản lý nhà nước không theo kịp, ở đây cụ thể là luật về hội chưa được ban hành, trong khi vấn đề về hội thì đa dạng, phức tạp, và tiền ngân sách, tiền thuế của dân thì cứ đổ vào đó một cách hợp pháp nhưng lại đầy phi lý. Công bằng mà nói, cũng có nơi có hội làm rất hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng bằng những con số cụ thể. Nhưng số đó không nhiều.
Hôm rồi, gặp người bạn cũ làm công tác hội ở huyện, ông than phiền, cuối năm ngồi rà lại một số kế hoạch đề ra từ đầu năm, thì thấy nhiều việc không làm được bởi cứ lần quần chuyện giải thể, sáp nhập. Đúng thật, chỉ riêng việc thực hiện sắp xếp hội theo Nghị quyết 18 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn thôi cũng bao nhiêu việc rắc rối. Số liệu báo cáo năm 2018, Quảng Nam có 1.800 tổ chức hội quần chúng các cấp (58 hội cấp tỉnh, 190 hội cấp huyện, 1.552 hội cấp xã). Theo đề án sắp xếp các tổ chức hội quần chúng trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020 được UBND tỉnh ban hành hồi cuối năm 2018, thì sau sắp xếp ở cấp tỉnh giảm 16 hội, còn 42 hội; ở cấp huyện giảm 55 hội, còn 135 hội. Đề án ban hành, tiến độ và thời hạn cũng được giao rất cụ thể, nhưng đến tháng 11.2019, sự chuyển biến vẫn rất chậm. Ở cấp tỉnh chỉ mới... rục rịch vì vướng nhiều thứ, cấp huyện thì chỉ một vài nơi thực hiện.
Nói qua chuyện sắp xếp tổ chức hội để thấy rằng thành lập thì dễ nhưng dễ gì xóa bỏ. Đâu cứ như câu thần chú “khắc nhập – khắc xuất” nói là được ngay. Đối với các tổ chức hội, thấy sai mà không sửa, cứ nêu thực trạng kiểu “xả xú páp”, xuê xoa với nhau để đeo bám vào bầu sữa ngân sách, thì khó thay!