Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Nguyễn Thị Kim (SN1988) đã vượt qua sự mặc cảm của một người khuyết tật, giúp những người cùng hoàn cảnh tự tin đứng lên và khẳng định bản thân.
1. Nguyễn Thị Kim sinh ra trong gia đình đông anh em tại một ngôi làng nhỏ nằm sát chân núi, thuộc thôn An Long, xã Quế Phong. Ngày Kim chào đời, mẹ Kim đã khóc cạn nước mắt vì thương xót cho cô con gái bé bỏng, cánh tay trái của Kim không được lành lặn do di chứng chất độc da cam từ ba mẹ Kim, những người đã tham gia kháng chiến. Mang cánh tay không lành lặn, Kim không thể hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa. Bị mọi người xung quanh nhìn mình với đôi mắt ái ngại, bị bạn bè trêu chọc khi đi học càng khiến Kim ngày càng mặc cảm, khép kín. Nhưng chính sự yêu thương và cổ vũ của ba mẹ giúp Kim dần thoát ra khỏi sự mặc cảm, hòa nhập tốt hơn với bạn bè. Nhận thấy sự vất vả, hy sinh gấp đôi của ba mẹ mình so với ba mẹ của những đứa trẻ bình thường, Kim càng nung nấu ý chí mình phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình và xã hội.
Nguyễn Thị Kim đã vượt qua mặc cảm của người khuyết tật để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Ảnh: H.C |
Năm 2007 Kim đậu vào trường Đại học Quảng Nam, lớp Cao đẳng Công tác xã hội. Ra trường xin một công việc phù hợp với bản thân là điều quá khó, năm sau Kim tiếp tục khăn gói rời vùng quê nghèo ra Hà Nội để tiếp tục con đường học hành. Kim đậu vào Trường Đại học Lao động - xã hội với số điểm khá cao. Trong suốt 4 năm học, Kim cố gắng sắp xếp thời gian để làm thêm để trang trải việc học và có nhiều trải nghiệm, vốn sống hơn. Quãng thời gian này, Kim đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện để trang bị và trau dồi thêm những kỹ năng sống cần thiết, cải thiện khả năng giao tiếp và mối quan hệ của mình. Trong quá trình hoạt động xã hội, Kim đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ ở nhiều nơi, trong đó có nhiều người khuyết tật. Kim bỗng nhận ra một điều, mình vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khuyết tật khác, khi mà mình chỉ bị khuyết một cánh tay và vẫn được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, vẫn được đến trường và học hành đầy đủ. Chính những điều này đã thôi thúc Kim lên ý tưởng về một tổ chức giúp đỡ và hỗ trợ cho người khuyết tật.
Nguyễn Thị Kim (SN 1988) đã được Hội Người khuyết tật tỉnh chọn là một trong 3 đại biểu tham dự và nhận bằng khen tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 5 do Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội tháng 4 vừa qua. Với nỗ lực không ngừng vì người khuyết tật, Kim vừa được nhận vào làm việc tại Hội Người khuyết tật tỉnh. Kim chia sẻ, được làm việc trong môi trường mới, bản thân sẽ có nhiều trải nghiệm, thử sức mình và có nhiều cơ hội hơn để kết nối các dự án nhân văn đến với người khuyết tật để người khuyết tật có niềm tin và hy vọng vào cuộc sống, để vòng tay của hội có thể nâng đỡ cho những mảnh đời còn lắm bất hạnh. |
2. Năm 2013, Kim tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại khá. Lúc này, tương lai ở Hà Nội của Kim khá rộng mở. Thế nhưng, Kim quyết tâm không ở lại thành phố, trở về quê hương Quảng Nam và hiện thực hóa giấc mơ của mình là tham gia vào Hội Người khuyết tật huyện Quế Sơn với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ, nâng cao ý thức, tinh thần cho người khuyết tật. Thời gian đầu đi vào hoạt động, hội đã gặp không ít khó khăn và vướng mắc. Tuy nhiên, với cái tâm của một người làm công tác xã hội, Kim đã dần dần vượt qua, cùng hội xây dựng nhiều kế hoạch và chương trình để giúp đỡ, hỗ trợ cho người khuyết tật. Tranh thủ sự tài trợ trong dự án “Hòa nhập xã hội cho người khuyết tật thông qua phát triển và tăng cường liên kết các mạng lưới của người khuyết tật” của Tổ chức Cứu trợ nhân đạo CRS Việt Nam, Huyện hội đã có thêm niềm tin và nguồn lực để giúp đỡ nhiều hơn người khuyết tật trên địa bàn huyện.
Hội đã triển khai chương trình dạy mỹ thuật cho trẻ khuyết tật ở xã Quế Phong, chương trình dạy trẻ khuyết tật tại nhà ở xã Quế Cường, trao bò nâng cao sinh kế tại xã Đông Phú, tư vấn chăm sóc trẻ khuyết tật cho cha mẹ trẻ khuyết tật trên địa bàn huyện. Kim cùng lãnh đạo Hội đã vận động Tổ chức Cứu trợ nhân đạo CRS Việt Nam dạy nghề và tạo việc làm cho 7 người khuyết tật tại địa phương, giúp họ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống với tổng kinh phí gần 24 triệu đồng. Dự án “Việc làm bền vững và tăng cường vị thế cho người khuyết tật trong cộng đồng” của tổ chức APHEDA đã tặng Hội Người khuyết tật huyện Quế Sơn một dàn máy vi tính, một máy in và bộ bàn ghế làm việc có giá trị. Dự án nâng cao sinh kế cho người khuyết tật của tổ chức VNAH đã hỗ trợ 42 triệu đồng cho 6 đối tượng là người khuyết tật để họ buôn bán và làm dịch vụ. Các chương trình này đã tạo sự thay đổi rất lớn trong cộng đồng người khuyết tật huyện Quế Sơn, giúp họ vượt qua mặc cảm của bản thân, hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Về kinh phí hoạt động, ngoài khoản hỗ trợ nhỏ từ chính quyền địa phương, Kim và các thành viên trong hội huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ. Đồng thời lên kế hoạch và phối hợp với ban đại diện cha mẹ trẻ khuyết tật để đi vận động trong các trường học, cơ quan, xí nghiệp, các nhà hảo tâm thông qua chương trình “bán bút nhân ái”. Chương trình này đã mang lại cho hội nguồn kinh phí hỗ trợ trẻ em khuyết tật khó khăn đón tết ấm áp hơn…
HUYỀN CHI