Chuyện của một "người trong cuộc"

LÊ PHƯỚC LAN NHI 05/06/2015 08:33

Chị là một tuyên truyền viên đồng đẳng, theo cách nói “mềm” hơn là nhân viên tiếp cận cộng đồng, gặp gỡ các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm... để tuyên truyền, tư vấn cho họ các biện pháp an toàn, phòng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS.

Do công việc, chúng tôi gặp chị tại Phòng tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Tam Kỳ. Dáng cao cao, ăn nói có duyên và còn rất trẻ nên chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết chị đã có hơn 5 năm làm tuyên truyền viên đồng đẳng - một công việc thường xuyên tiếp xúc với các đối tượng mại dâm, ma túy... có mối nguy tiềm ẩn, và phải vượt qua sự dị nghị của người đời để tuyên truyền, góp phần hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Chị tên là Nguyễn Thị Thanh Truyền, ở một vùng quê còn nghèo khó của xã Tam Dân, huyện Phú Ninh.

Chị Truyền (đội mũ) cùng nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng thu gom kim tiêm do các con nghiện vứt bừa bãi.
Chị Truyền (đội mũ) cùng nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng thu gom kim tiêm do các con nghiện vứt bừa bãi.

Không ngần ngại khi nhận là “người trong cuộc” nên chị Truyền rất thoải mái khi kể về quãng thời gian mà chị gọi là “tuổi trẻ nông nỗi” của mình. Nhưng chị đã vượt qua, đứng dậy, làm lại cuộc đời và... thấu hiểu mảnh đời của những con người một thời lầm lỗi. Theo chị Truyền, những người bán dâm, nghiện hút, tiêm chích ma túy... là những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. Để tiếp cận tuyên truyền, tư vấn, phát bao cao su hoặc kim tiêm miễn phí cho họ cực kỳ khó khăn, nên chị phải thường xuyên đến các quán nước, nhà hàng để tiếp cận “làm quen”. Rồi trang bị kiến thức, phương tiện giúp họ phòng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, tránh lây lan căn bệnh này cho người khác. Khi đủ sự chia sẻ, đồng cảm và tin tưởng, chị Truyền giới thiệu “khách hàng” đến phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Khó khăn, vất vả nhưng đổi lại chị sẽ giúp được nhiều người, chí ít cũng nhận biết, thay đổi hành vi có nguy cơ cao, tự bảo vệ bản thân trước các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Qua tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ, nhiều đối tượng đã có ý thức và thay đổi hành vi để tự bảo vệ sức khỏe cho mình, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người thân và cộng đồng. Anh N.T.T., một đối tượng nghiện hút ở TP.Tam Kỳ cho biết: “Trước đây, tôi cũng không quan tâm đến việc sử dụng chung kim tiêm sẽ lây truyền các bệnh qua đường máu như lao, HIV..., chỉ biết làm sao thỏa mãn cơn thèm thuốc. Nhưng từ khi được chị Truyền và các anh trong nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng tư vấn, cấp kim tiêm và được hướng dẫn đi khám, xét nghiệm HIV miễn phí nên tui không sử dụng chung “súng” (kim tiêm) nữa, đồng thời cũng thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe”.

Chị Truyền cho biết, những người có hoàn cảnh như mình trước đây luôn bị xã hội kỳ thị, xa lánh. Họ muốn sống mà không được ai giúp đỡ nên mình là “người trong cuộc” phải sẵn sàng đến cứu. Ai từng nằm trong nhóm bạn bè với đối tượng mại dâm, ma túy thì nói dễ hơn, công việc cũng thuận tiện hơn chứ người ngoài thì không thể, bởi họ rất mặc cảm và ngại.

Cùng với việc tiếp cận các đối tượng để tuyên truyền, tư vấn các biện pháp an toàn phòng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, chị Truyền cùng các tuyên truyền viên đồng đẳng thường tổ chức nhóm đến các hang cùng ngõ hẻm nhặt từng chiếc kim tiêm do các đối tượng tiêm chích vứt bừa bãi để tránh mối nguy cho người khác. Một lần theo chị Truyền để ghi lại hình ảnh công việc nhặt bơm kim tiêm do các đối tượng “lên tiên” vứt lại, chúng tôi không khỏi gai người khi nhìn thấy rất nhiều kim tiêm dính đầy máu tươi cắm vào gốc cây hay bị vứt ngổn ngang trên bãi cỏ. Mỗi chiếc kim tiêm đã qua sử dụng như thế có thể là một “quả bom” HIV/AIDS. Và, nếu ai không may giẫm phải thì nguy cơ bị phơi nhiễm HIV rất cao. Hiểu được sự lo lắng của chúng tôi, chị Truyền tâm sự: “Khó khăn, vất vả nhưng tôi thấy vui vì giúp được nhiều người. Với những người vướng vào mại dâm ma túy thì họ cũng nhận biết, thay đổi hành vi hay giảm bớt những hành vi nguy cơ cao, thực hiện các hành vi an toàn phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; tự biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc thu gom kim tiêm giúp bà con khi ra đường được an toàn, tránh nguy cơ do không may giẫm phải”.

Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, bởi vậy, vai trò của tuyên truyền viên đồng đẳng là rất cần thiết. Công việc đầy khó khăn, thách thức, đôi khi phải chịu đựng sự kỳ thị nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Truyền cùng các tuyên truyền viên đồng đẳng vẫn không ngại khó, ngại khổ thực hiện nhiệm vụ, đóng góp vào công tác phòng chống HIV/AIDS của toàn tỉnh. Đó không còn là nghĩa vụ của một “người trong cuộc”, mà còn là cái tâm, trách nhiệm công dân với cộng đồng.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện của một "người trong cuộc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO