Gốc gác của bạo lực gia đình

MỘC MIÊN 06/06/2022 05:30

Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên họp đang diễn ra tại Hà Nội. 

 

Thử tra trên google từ khóa “bạo lực gia đình”, thấy hiển thị ngay 9.480.000 kết quả trong 0,38 giây. Chừng đó đủ thấy, chuyện đã đến mức không thể cứ nói vòng vo được nữa.

Quá nhiều hình thức bạo lực gia đình đã và đang diễn ra trong mối quan hệ vợ chồng, con cái, ông bà, người thân… Trẻ em và phụ nữ là đối tượng bị bạo hành gia đình nhiều nhất.

Chắc nhiều người đã biết, ở nước ngoài, cha mẹ mà đánh con cái, nguy cơ bị phạt tiền, phạt tù là… nhanh như điện. Trẻ đi học, cô giáo phát hiện trên người bị tổn thương, hoặc trò chuyện với trẻ mà biết bị bạo hành là alo cảnh sát liền.

Trẻ từ nhỏ đã được dạy dỗ về quyền cấm bị bức hại và thuộc lòng số cảnh sát. Hàng xóm, chỉ cần nghe hoặc thấy biểu hiện bị bạo hành là lập tức bào cơ quan chức năng.

Chuyện bạo hành gia đình ở nước ta, khi bể ra, hay đọc được cái câu là chuyện này đã diễn ra nhiều lần. Hình như ở nước ta, chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con… thành thói thường. Tâm lý chung là chuyện của họ, đừng có xía vào.

Luật mà không đi từ gốc, thì có ba đầu sáu tai công cụ, cũng khó kiểm soát. Trên mạng, một nhà báo chỉ ra những sơ hở của luật đang có, là chỉ có 2 người được quyền cấm người bạo hành tiếp xúc nạn nhân, đó là chủ tịch xã (được quyền cấm 3 ngày) và tòa án (cấm 3 tháng), với điều kiện “có đơn yêu cầu của nạn nhân hoặc người giám hộ, có hai nơi ở riêng cho người bạo lực gia đình và nạn nhân”.

Vậy, nếu không có đơn, không nơi ở riêng thì sao? Thì vẫn sống chung? Vậy, còn trách nhiệm của các đơn vị bộ, ngành ở đâu? Rồi bác sĩ, cô giáo, bảo mẫu, hàng xóm… luật ghi rõ cả, trách nhiệm là phải báo cáo khi phát hiện, nhưng rồi có ai làm không? Đến đây thì thấy y như chuyện 1 cái trứng gà mà 4 bộ quản, ế ẩm không ai chịu trách nhiệm.

Luật đang đưa ra sửa đổi có cụm từ “thường xuyên bị bạo hành” là phải xử lý hình sự kẻ bạo hành. Định lượng này thiếu hợp lý. Thường xuyên là bao nhiêu? Hai lần hay hai mươi lần?

Ngày 27.5, báo cáo với Quốc hội về luật này, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng VH-TT&DL nói: “Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên”. Đó, xem ra lại khơi khơi. Cấm, ai giám sát? Họ ở chung nhà, diện tích nhà có chừng đó, đi qua đi lại khi có nhu cầu sinh hoạt, thì làm sao?

Luật thiếu và yếu, chính là nguyên nhân làm cho những người thường xuyên bạo lực với người khác khinh nhờn. Tòa án là chốn cuối cùng buộc công dân thực hiện trách nhiệm cá nhân khi phạm luật, nhưng cái gốc chính là chỗ người bị bạo lực không được thực hiện trọn vẹn quyền của mình.

Đó là họ không được giáo dục đầy đủ, thực tế về quyền, từ việc xóa bỏ tâm lý sợ hãi, mất mặt với hàng xóm, đám đông đến hành động tự bảo vệ. Sự ra tay của pháp luật thì rất chậm.

Chưa hết, lối sống duy tình nặng hơn lý, cũng chính là rào cản ăn mòn quyền cá nhân, không muốn làm căng, cứ hòa giải khuyên bảo, nói miết cũng ngán. Rồi đám đông dửng dung, vô cảm...

Những tiếng khóc, van xin, uất ức, im lặng đau đớn, cay đắng về bị bạo lực gia đình vang lên hàng ngày, khắp nơi, dưới mọi hình thức, giai tầng. Đó là sự đổ gãy văn hóa.

Luật cũng chỉ là chiết khấu từ văn hóa để chế tài bản năng xấu của loài người. Chỉ có sự tiến bộ, văn minh thực sự ở mỗi gia đình, cộng đồng, trường học, công sở mới có thể khiến con người trở nên văn minh và tiến bộ hơn. Lúc đó may ra cái hàng rào bảo vệ quyền cá nhân mới đạt đến độ nhạy cảm hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gốc gác của bạo lực gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO