Nói thay tiếng dân

LÊ VŨ 26/04/2021 08:14

Tuần này, chậm nhất ngày 28.4 công bố danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ngay sau đó, ứng cử viên có các buổi tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử.

Sau hội nghị hiệp thương lần 3, Quảng Nam có 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV (trong đó Trung ương giới thiệu 3 người) để bầu chọn 7 đại biểu; có 91 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X để bầu chọn 57 đại biểu.

Cử tri mong gì ở các ứng cử viên - những người sẽ đại diện cho mình, nếu trúng cử?

Mong muốn đầu tiên là thay họ trình bày nguyện vọng tại diễn đàn của các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở trung ương và địa phương. Đồng thời giám sát chuyện “nói đi đôi với làm” của đội ngũ lãnh đạo chính quyền các cấp, những người thường hứa trước đại biểu - đại diện của nhân dân.

Cử tri không mong chờ ứng cử viên soạn chương trình hành động với lời hay ý đẹp - những thứ ghi trên giấy, mà muốn nhìn thấy sự thể hiện ý chí hành động ngay, phản ứng nhanh với kiến nghị của cử tri, với các vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở; không chỉ chuyển tải ý kiến nhân dân mà còn nói lên được những điều người dân chưa thấy, nhất là trong xây dựng chính sách.

Nhiệm kỳ 2016 - 2021 được đánh giá là nhiệm kỳ hoạt động khá thành công của ĐBQH đoàn Quảng Nam, thể hiện rõ cá tính Quảng, khi các đại biểu thẳng thắn nêu chính kiến và truyền tải ý kiến cử tri đến nghị trường; truy đến cùng để làm sáng tỏ các vấn đề cử tri nêu và đại biểu phát hiện (có 23 lượt chất vấn trực tiếp cùng nhiều nội dung chất vấn bằng văn bản); sâu sát cơ sở để tham gia góp ý xây dựng các dự án luật (tổ chức lấy ý kiến góp ý cho 76 dự án luật).

Ở cấp địa phương, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành hơn 320 nghị quyết, trong đó có hơn 100 nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách và đã tác động tích cực đến đời sống dân sinh, xã hội.

Đặc biệt, qua hàng chục đợt giám sát, giám sát chuyên đề đối với vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, nhân dân quan tâm, các ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh đã kịp thời phát hiện những bất cập và đề xuất nhiều biện pháp khắc phục, tháo gỡ, đảm bảo các chủ trương, chính sách được đưa vào cuộc sống... Kết quả này liệu có được phát huy và phát huy tốt hơn nữa trong nhiệm kỳ đến, cũng là điều cử tri mong mỏi.

Đại biểu dân cử phải làm sợi dây kết nối các vấn đề lợi ích trong xã hội, thể hiện qua các quyết sách của Nhà nước khi hướng đến lợi ích của cử tri, vì sự phát triển của địa phương nơi ứng cử, mà rộng hơn là vì lợi ích đất nước, của toàn dân.

Đảm nhận được trọng trách trên, đại biểu dân cử ngoài yêu cầu về đạo đức phải là người có năng lực trí tuệ. Và điều này phụ thuộc vào cử tri khi lựa chọn đại biểu trong số ứng cử viên thông qua bỏ phiếu bầu cử. Như vậy, chất lượng của đại biểu dân cử ngoài đến từ việc giới thiệu ứng cử viên, trải qua các hội nghị hiệp thương thì lá phiếu của cử tri mang tính quyết định rất cao.

Trở lại câu chuyện vận động bầu cử, để cử tri có thể đưa ra được quyết định sáng suốt lựa chọn đúng người đại diện cho mình thông qua lá phiếu bầu cử vào ngày 23.5 tới, cần tạo mọi điều kiện cho các đại biểu ứng cử tiếp xúc với cử tri nơi ứng cử nhiều hơn. Bởi, giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri không phải chỉ khi đại biểu đã được cử tri bầu vào cơ quan dân cử, mà phải được bắt đầu từ khi họ là ứng cử viên đại biểu.

Hy vọng, các vị ứng cử viên, dù là ai được bầu vào Quốc hội, HĐND các cấp cũng sẽ nói thay được tiếng dân và thay dân nói những điều họ chưa thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nói thay tiếng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO