Tôi lại trở về bến sông quê Giao Thủy. Cũng như nhiều người của quê hương Duy Xuyên, Đại Lộc, tôi có không ít cơ hội để qua lại bến đò Giao Thủy - Kiểm Lâm. Khi còn là đứa trẻ chăn trâu, lúc làng quê đắm chìm trong khói lửa chiến tranh, tôi đã thấy ở đây có một cây cầu. Hồi đó, cây cầu nối liền đôi bờ Đại Lộc - Duy Xuyên, trụ cầu là những cây gỗ thông được nhúng nhựa đường đen nhánh. Mặt cầu cũng được thảm một lớp nhựa mỏng. Để hỗ trợ phòng ngự một vùng quân sự liên hợp giữa cứ điểm Thượng Đức, Núi Lở (Đại Lộc) với Trà Kiệu, Kiểm Lâm, An Hòa (Duy Xuyên), quân đội Mỹ ngụy đã dựng chiếc cầu dã chiến này. Tháng 3.1975, đoàn xe tăng của quân Giải phóng tiến vào đánh chiếm các căn cứ của chế độ Sài Gòn tại Quảng Nam, Đà Nẵng cũng băng qua cầu Giao Thủy. Khi đến chiếc xe tăng cuối cùng chồm lên thì cầu bị sập một nhịp. Để có đường qua lại, bà con quanh vùng đã lấy những tấm ri sắt bắc tạm. Rồi mùa lũ lụt ập về, dòng nước đỏ ngầu cuộn xoáy, cái nhịp nối tạm cũng bị cuốn theo. Đến khi mùa nước rút, bà con lại gác những thanh tre, tấm ván chông chênh, lắt lẻo. Có lần, tôi dắt chiếc Honda 67 cọc cạch sè sẹ qua mấy tấm gỗ tạm thì bị trượt bánh, cũng may có người trợ giúp kịp thời... Có lẽ không ai còn nhớ nổi cái vòng tròn cứ lặp đi lặp lại để nối nhịp cầu kiểu này bao nhiêu lần, chỉ biết sau đó cây cầu Giao Thủy bị hư hỏng trầm trọng, giao thông quá nguy hiểm nên chính quyền cho tháo dỡ toàn bộ cây cầu.
Vậy là chiếc cầu Giao Thủy của ngày xưa chỉ còn trong ký ức, người dân quanh vùng qua lại, giao thương ngày đêm bằng những chuyến đò ngang bồng bềnh trên sóng nước. Mùa nắng nóng, sông cạn, lô nhô bãi cát vàng mịn, dòng nước trong vắt lờ lững trôi, đôi bờ như xích lại gần hơn. Nhưng đến khi nước từ thượng nguồn ầm ầm tuôn xuống, dòng sông trở mặt, sủi bọt gào thét, giận dữ, muốn nhấn chìm những chuyến đò nhỏ nhoi trên dòng nước xoáy. Đứng trên những chuyến đò vào lúc đó, dù trời có lạnh đến mấy cũng phải toát mồ hôi. Khách qua đò đã khổ, người lái đò càng cực hơn...
Nắng cuối ngày óng ánh trên mặt sông lấp lóa. Đứng bên ni Kiểm Lâm đưa tầm mắt về phía bên tê Giao Thủy là một màu xanh của bãi bắp, thuốc, ớt tràn trề nhựa sống. Con đò nổ máy xoành xoạch lao từ phía bên kia sang rồi giảm tốc độ, từ từ cập bến. Người lên, kẻ xuống tập nập. Một bà cụ vỗ vai người đàn ông trung niên tay đang cầm chặt cây lái đò hỏi: “Ít bữa nữa có cầu rồi mi làm chuyện chi mi?”. Nghe bà cụ hỏi, nhiều người cười rúc rích và ánh mắt họ ngời lên niềm vui ngày cầu nối đôi bờ. Tôi không nghĩ “ít bữa nữa” như bà cụ vừa nói mà rất mong cây cầu 21 nhịp Giao Thủy sẽ về đúng đích vào tháng 9.2017 như kế hoạch. Ông lái đò không trả lời câu hỏi của bà cụ. Tôi đoán ông đang nghĩ, rồi đây tiếng í ới gọi đò tại bến sông này sẽ không còn nữa, thay vào đó là tiếng động cơ xe cộ sẽ rần rần trên cầu nối liền đôi bờ Giao Thủy - Kiểm Lâm. Và lòng ông cũng hòa với niềm khát khao, mong ngóng của bao người, dẫu phải chuyển nghề. Đò cập bờ, tôi lên xe máy “trèo” lên dốc, một lối đi quen thuộc mỗi lúc về thăm quê. Có cầu Giao Thủy, những con đò ngang ở đây coi như đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình, nhưng bến sông quê và những chuyến đò lặng lẽ ngày nào vẫn lưu trong ký ức những ai đã một thời gắn bó.
THÁI MỸ