Cách đây vài ngày, bà Nguyễn Thị Bích Lợi - Phó phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh gọi điện rủ Tư tôi xuống xã Bình Đào (Thăng Bình) tham quan mô hình điểm về tích tụ ruộng đất và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.
7 giờ sáng nhưng trên cánh đồng rộng mênh mông thuộc thôn Vân Tiên, xã Bình Đào đã đông nghịt nông dân. Khác với những năm trước, mùa này nhiều nhà nông tỏ ra phấn khởi khi trao đổi với chúng về quá trình sản xuất. Ông Lâm Công Bính - người dân địa phương cho biết, gia đình ông có 3 sào đất lúa nhưng do nước tưới không chủ động nên hàng chục năm nay vụ hè thu nào việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn và thường mang lại hiệu quả thấp. Đầu tháng 4.2016, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình tập huấn quy trình canh tác và hỗ trợ một lượng hạt giống, men sinh học Tricoderma… ông Bính mạnh dạn chuyển 3 sào đất lúa ấy sang trồng giống đậu phụng L23 có khả năng chịu hạn tốt. Chỉ tay về phía chiếc xe bò chất đầy những bó đậu phụng vừa nhổ, ông Bính phấn khởi nói: “Nhờ nguồn giống có chất lượng cao và áp dụng bài bản gói kỹ thuật do cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên 3 tháng qua toàn bộ diện tích đậu của tui phát triển rất tốt. Đặc biệt, những loại dịch bệnh nguy hiểm như héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ không thấy xuất hiện và gây hại như các vùng lân cận. Bây giờ tiến hành thu hoạch, tui ước tính mỗi sào sẽ đạt năng suất 175kg khô, bán với giá bình quân 28 nghìn đồng/kg thì kiếm được 4,9 triệu đồng/sào. Trong khi đó, trước đây gieo sạ lúa chỉ thu về gần 1,8 triệu đồng/sào”.
Nhà nông xã Bình Đào rất vui vì mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả cao.Ảnh: T.R |
Ông Nguyễn Thanh Khương - Phó Trưởng trạm Khuyến nông Thăng Bình cho biết, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua các đơn vị liên quan ở huyện cùng chính quyền xã Bình Đào tập trung thực hiện khâu quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng mô hình tích tụ ruộng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thôn Vân Tiên với tổng diện tích 200 sào nhằm giúp nông dân địa phương sản xuất theo phương thức hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế. Ông Khương nói: “Với sự tiếp sức từ nhiều phía, vụ hè thu năm 2016 này 70 hộ dân trên địa bàn tổ 10 của thôn Vân Tiên đồng loạt chuyển 200 sào đất lúa bấp bênh nước tưới sang trồng giống đậu phụng cấp xác nhận L23. Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma, đặc biệt là quản lý tốt dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên từ ngày 12.4 dương lịch đến nay số diện tích đậu phụng vừa nêu sinh trưởng mạnh và hầu như không bị các loại sâu bệnh nguy hiểm tấn công. Hiện giờ, nhà nông nơi đây tiến hành nhổ rộ những ruộng đậu của mô hình chuyển đổi và tất cả đều rất phấn khởi vì năng suất đạt khá cao”. Theo lời ông Khương, thực tế cho thấy bình quân 1ha đất đạt sản lượng ít nhất 35 tạ đậu phụng khô, nếu bán theo giá tư thương thu mua hiện nay với mức 1kg là 28 nghìn đồng thì đạt giá trị 98 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với gieo sạ lúa.
Mới đây, tại cuộc hội thảo đầu bờ đánh giá về hiệu quả của mô hình điểm này, ông Võ Văn Nghi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, do ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu nên mấy năm qua thời tiết ngày càng cực đoan khiến việc sản xuất lúa của nông dân ở những vùng không chủ động nước tưới trên địa bàn tỉnh xứ Quảng mình gặp rất nhiều trở ngại. Vì thế, thành công từ mô hình canh tác giống đậu phụng L23 trên các chân đất lúa thường xuyên bị khô hạn của thôn Vân Tiên, xã Bình Đào được xem là lối mở trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời gian tới cần phải tập trung nhân rộng ra những địa phương khác…
TƯ RUỘNG