Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi: Hiệu quả ở Bình Quế

NGUYỄN QUANG VIỆT 13/05/2015 08:55

Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi cộng với năng động ứng dụng các thành quả khoa học - kỹ thuật đang mở ra triển vọng mới trong sản xuất của các nông hộ trên địa bàn xã Bình Quế (Thăng Bình).

Chuyển hướng sản xuất

Ông Triệu Tấn Hoàng ở thôn Bình Sá là hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của xã Bình Quế. Mỗi năm, gia đình ông Hoàng có nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi gà, trâu, bò và trồng keo. “Gia đình chúng tôi thuần nông, chủ yếu là canh tác lúa và nuôi heo từ bao đời nay. Mấy năm trước nhân chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất giỏi của các nông hộ ở Nghệ An, Hà Tĩnh tôi thấy nên chuyển hướng sản xuất để có được nguồn thu nhập cao hơn. Vậy là từ các nguồn vốn dành dụm được, vay ngân hàng và mượn thêm của người thân, tôi chuyển sang nuôi bò, trâu, gà kết hợp với trồng keo lai. Đến thời điểm này, mô hình kinh tế mới đã cho thấy hiệu quả tương đối khá”- ông Hoàng nói. Hiện, gia đình ông Hoàng nuôi 2 con trâu nái, 4 con bò thịt, 2 nghìn con gà thịt và khoảng 20 nghìn cây keo lai. Mỗi năm, sau khi trâu nái đẻ, gia đình ông Hoàng bán 2 con nghé thu được 30 triệu đồng. Đàn bò 4 con thay phiên nhau xuất bán 2 con bò mỗi lượt trong năm đem lại cho gia đình nguồn thu 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đàn gà thịt luân phiên cứ 3 tháng bán 1 nghìn con đem lại cho gia đình ông Hoàng 30 triệu đồng sau khi khấu hao. Trồng keo lai gối vụ luân phiên bán mỗi năm 5 nghìn cây keo đem lại cho gia đình thêm gần 100 triệu đồng.

Ông Triệu Tấn Hoàng bên mô hình chăn nuôi của gia đình. Ảnh: N.Q.V
Ông Triệu Tấn Hoàng bên mô hình chăn nuôi của gia đình. Ảnh: N.Q.V

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bình Quế cho biết, trong điều kiện hiện nay, để chăn nuôi thành công rất khó khăn, đầu ra nông sản cũng rất bấp bênh nếu chất lượng không vượt trội. “Nhưng với kết quả sản xuất mỗi năm của gia đình ông Hoàng, chứng tỏ ông ấy biết cách sản xuất, năng động và cơ cấu lại hệ thống chăn nuôi hộ gia đình của mình”- ông Yên nói. Quy trình nuôi gà thịt của gia đình ông Triệu Tấn Hoàng theo kiểu bán công nghiệp, nửa chuồng trại, vừa thả vườn. Với gà con, ông Hoàng nuôi ở chuồng thấp có phủ bạt che nắng, che gió xung quanh, thắp đèn suốt đêm để sưởi ấm khi thời tiết thay đổi. Với gà trưởng thành sau gần 30 ngày sẽ được chuyển sang khu chuồng được bố trí thành dãy ở vị trí cao hơn. Ban ngày, đàn gà được thả rông trong vườn được bọc lưới kín xung quanh. Ông Hoàng vừa tận dụng lúa tự sản xuất để làm thức ăn cho gà vừa mua thức ăn công nghiệp để bổ sung. Lịch tiêm phòng cho gà được ông Hoàng theo dõi rất kỹ. “Nuôi gà sợ nhất là thời tiết trở lạnh đột ngột, gà chán ăn, sức đề kháng xuống thấp dễ nhiễm bệnh nhất. Bởi vậy, chúng tôi tiêm phòng cẩn thận, chăm sóc kỹ. Còn về nuôi bò “gia công” thì dễ hơn, mình vừa trồng cỏ vườn, vừa tận dụng cỏ sẵn có, tiêm phòng cũng dễ hơn nuôi gà”. Về đầu ra, gia đình ông Hoàng có ký kết với một công ty chế biến gia cầm, gia súc ở TP.Đà Nẵng, khi đến lứa là công ty đến thu mua, rất ổn định.

Cơ cấu lại cây trồng

Mới đây, qua tài trợ từ một tổ chức phi chính phủ của Úc tại Việt Nam, UBND xã Bình Quế đã hỗ trợ cho 30 hộ dân trên địa bàn 1 triệu đồng/ hộ để mua giống tiêu Tiên Phước về trồng. Ông Trương Văn Hương, một nông dân có nhiều thành tích trong trồng tiêu tại huyện Tiên Phước đã được mời trực tiếp truyền đạt kinh nghiệm cho các nông hộ.

Dẫn chúng tôi đi quanh vườn, chị Trần Thị Huệ ở thôn Bình Phụng luôn vui cười vì 200 trụ tiêu được gia đình chăm trồng đã cho hạt ken dày, trĩu trái, sắp sửa thu hoạch. “Hơn 3 sào đất vườn này được gia đình chúng tôi trồng bắp và gừng trước đây cho thu nhập không cao. Đầu năm 2014, chúng tôi mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu đồng để trồng 200 trụ tiêu. Thấy cây tiêu phát triển tốt nên chúng tôi đã trồng thêm 100 trụ tiêu nữa trong năm 2015 này. Tiêu trĩu trái đến thời điểm này đang cho thấy vụ mùa bội thu”- chị Huệ nói. Năm 2010, vợ chồng chị Huệ được đi tham quan trồng tiêu ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Quảng Trị. Thấy điều kiện thổ nhưỡng vườn nhà hợp với sinh trưởng của cây tiêu mà cây trồng này lại cho hiệu quả cao nên vợ chồng chị dành hẳn 4 năm để vừa dành dụm vốn liếng vừa tiếp tục học hỏi kỹ thuật trồng tiêu. “Trồng tiêu đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ những kỹ thuật trong các khâu từ chọn giống, cải tạo đất đến trồng và chăm sóc. Mình phải mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập” - chị Huệ cho biết.

Theo UBND xã Bình Quế, hiện tại ở địa phương đã có hơn 100 hộ trồng tiêu. Đến thời điểm này, các vườn tiêu trên địa bàn đều sai trái, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những đòi hỏi bức thiết tại xã Bình Quế trong thời gian qua khi sản xuất lúa và hoa màu tại các diện tích bấp bênh nước tưới cho hiệu quả thấp. Việc cơ cấu lại diện tích để trồng tiêu đến thời điểm này cho thấy tín hiệu lạc quan. “Trong thời gian tới, Bình Quế sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi những diện tích cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng tiêu. Địa phương sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật để phổ biến thêm kiến thức chăm sóc tiêu cho bà con nông dân. Chúng tôi khuyến khích các hộ nông dân nên chọn trồng giống tiêu Tiên Phước vì giống tiêu của địa phương này đã có thương hiệu. Vả lại, giống tiêu Tiên Phước đã cho thấy phát triển tốt tại đây nhờ 2 địa phương có điểm tương đồng về tự nhiên”- ông Phạm Xuân Bốt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Quế nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi: Hiệu quả ở Bình Quế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO