Chuyển đổi mô hình

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/03/2013 07:05

Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không còn là vấn đề khuyến nghị của các chuyên gia mà đã trở thành “mệnh lệnh”. Vì sao nói như vậy? Bởi ở tầm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định (số 339/QĐ-TTg, ngày 19.2.2013) phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020. Triển khai thực hiện quyết định này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã có công văn giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì đầu mối nghiên cứu, lấy ý kiến các ngành, lĩnh vực chủ yếu, đồng thời tham mưu thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và kế hoạch tái cơ cấu cụ thể.

Chuyện chuyển đổi mô hình tăng trưởng đặt ra đối với Quảng Nam và nhiều tỉnh thành trong cả nước  càng trở nên bức thiết khi Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 vừa được công bố. Theo đó, điều đáng lưu ý là lần đầu tiên sau 8 năm không có tỉnh nào được xếp vào loại có năng lực cạnh tranh “rất tốt” (và riêng Quảng Nam tụt 4 bậc so với năm 2011, đứng thứ 15/63 tỉnh thành). Lý giải chuyện này, có thể tham cứu ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (tổ chức chủ trì xếp hạng PCI), là do những “cải cách “xương xẩu” nhất vẫn còn”. Cũng theo ông Lộc, việc cải cách thủ tục cấp phép kinh doanh, gia nhập thị trường…thì được nhiều tỉnh thực hiện “tới giới hạn”, trong khi những “cải cách tiếp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như hoạch định chiến lược phát triển của địa phương, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tổ chức thiết chế pháp lý như bảo vệ hợp đồng, năng lực tòa án, năng lực của bộ máy nhà nước nói chung, tiếp cận đất đai... Tức là dư địa để cải cách vẫn còn rất lớn, nhưng hiện tại lại làm rất chậm”. Chuyện cảnh báo không chỉ ở  cấp tỉnh, theo nhiều chuyên gia, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng tụt giảm trong những năm gần đây đó là do cải cách thể chế còn chậm chạp.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, việc xác định mô hình trăng trưởng kinh tế rất quan trọng. Mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, phụ thuộc quá nhiều vào việc khai thác tài nguyên để xuất thô cùng với trình độ công nghệ, nguồn nhân lực giá rẻ kém chất lượng chính là nguyên nhân chủ yếu làm năng lực cạnh tranh bị hạn chế. Và cũng đã đến lúc phải thay đổi tư duy chạy theo tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bằng mọi giá, năm sau phải cao hơn năm trước, mà cần phải thức nhận vấn đề là tăng trưởng hợp lý, chú trọng chất lượng phát triển và phát triển bền vững. Mô hình tăng trưởng kinh tế của quốc gia hay ở cấp tỉnh cần hướng đến là phát triển theo chiều sâu, tức nâng cao năng lực cạnh tranh dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao và tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, câu chuyện đang đặt ra bức thiết đối với hành trình phát triển của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi mô hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO