Thực tế hoạt động của hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đã đặt ra nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi mô hình quản lý, giao cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện thay vì cơ quan nhà nước.
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ cơ quan nhà nước sang doanh nghiệp được xem là có nhiều ưu điểm.Ảnh: Q.V |
Vận hành tốt hơn
Chợ Thương mại (TP.Tam Kỳ) là điểm sáng trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ cơ quan nhà nước sang doanh nghiệp. Quan sát chợ này chúng tôi nhận thấy, mọi hoạt động đều diễn ra hết sức quy chuẩn. Các gian hàng đều bố trí ngăn nắp. Tiểu thương dù kinh doanh lớn hay nhỏ đều niềm nở mời gọi, khách ưng ý thì mua chứ không níu kéo, gắt gỏng khi người tiêu dùng chuyển đi nơi khác.
Chị Nguyễn Thị Tâm - tiểu thương buôn bán hàng hải sản tươi sống ở chợ Thương mại cho biết, không hề có sự chèo kéo khách, hoạt động buôn bán ở đây thực hiện theo nếp văn minh đô thị.
“Ban quản lý chợ hay cử nhân viên đi tuần tra xung quanh chợ, hễ thấy giành giật, đôi co giữa người bán với người mua hàng là xử lý ngay. Sinh hoạt ở chợ nhờ đó mà đi vào nền nếp, thuận mua vừa bán, lợi cả đôi đường” - chị Tâm nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Duy - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển kinh tế hợp tác miền Trung & Tây Nguyên cho biết, đã nhận quản lý, tổ chức hoạt động kinh doanh, buôn bán ở chợ Thương mại từ năm 2008 đến nay. “Thời điểm đó rất khó khăn, chúng tôi phải trang trải món nợ hơn 7 tỷ đồng khi tiếp nhận chợ từ một đơn vị kinh doanh thua lỗ. Mới đó mà đã 10 năm, hiện nay chúng tôi làm ăn kha khá” - ông Duy nói.
Chợ Thương mại có hơn 300 tiểu thương đăng ký kinh doanh, buôn bán vào thời điểm này với mức thuê mặt bằng từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi năm. Nguồn thu từ quản lý chợ của doanh nghiệp là hơn 3 tỷ đồng/năm.
“Sau khi trừ chi phí thuê đất, nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, chi trả tiền lương cho 20 nhân viên và một số khoản đầu tư khác như trang bị máy móc, vòi xử lý nước để phòng cháy chữa cháy, chúng tôi lãi chừng 500 triệu đồng/năm” - ông Duy nói.
Trái ngược hoàn toàn với hoạt động quy củ, bài bản của chợ do doanh nghiệp quản lý, các chợ truyền thống được quản lý bởi chính quyền cấp huyện, xã lại diễn ra hết sức rối rắm.
Tiêu biểu như chợ Tam Hiệp ở huyện Núi Thành, xuống cấp, mất vệ sinh, thiếu an toàn, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, kinh doanh tràn lan ra lề đường, hàng hóa không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thừa nhận, hầu hết chợ truyền thống trên địa bàn do chính quyền cấp xã quản lý trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như bộ máy quản lý chợ hoạt động thiếu chuyên nghiệp, còn nặng tính hành chính, quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát. Việc bố trí các ngành hàng không được hợp lý, không ít tiểu thương tự ý lấn chiếm diện tích kinh doanh, bán không đúng ngành hàng đăng ký. Việc kinh doanh chưa đi vào nền nếp, gây mất trật tự trong khu vực chợ, không bảo đảm an toàn giao thông, mất mỹ quan, tác động xấu đến môi trường.
Xu thế tất yếu
Chợ Điện Ngọc đã được UBND thị xã Điện Bàn giao cho Công ty CP Cấp nước Quảng Nam quản lý hoạt động bài bản và đạt doanh thu khá.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ cơ quan nhà nước sang giao cho doanh nghiệp. “Chúng tôi đang xem xét hồ sơ của một số doanh nghiệp để tổ chức đấu thầu quản lý chợ Điện Nam Trung trong thời gian tới, qua đó tạo đà để tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các xã, phường khác trên địa bàn” - ông Chơi nói.
Tương tự, UBND huyện Núi Thành cũng đang ráo riết kêu gọi các doanh nghiệp đấu thầu để tổ chức quản lý chợ.
“Dù báo chí đã phản ánh nhiều, chính quyền cấp xã cũng nỗ lực vận động tiểu thương cố gắng buôn bán, kinh doanh ổn định hơn nhưng vẫn còn bất cập trong quản lý chợ. Chúng tôi ra sức kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư, kiện toàn lại các hạng mục hạ tầng, tổ chức, quản lý kinh doanh chuyên nghiệp hơn ở các chợ trong thời gian tới. Giải pháp trước mắt là chúng tôi chỉnh trang lại các chợ, sắp xếp các gian hàng ngăn nắp hơn, vệ sinh sạch sẽ hơn, nhất là không cho tiểu thương lấn chiếm kinh doanh buôn bán ra ngoài quốc lộ” - ông Thịnh nói.
Theo Sở Công Thương, thu hút doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống chợ là nhu cầu cấp thiết, mang tính tất yếu, đồng thời giải quyết nhiều vấn đề. Doanh nghiệp khi quản lý chợ sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ, khắc phục một số tồn tại, yếu kém về hạ tầng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, đặc biệt là kiểm soát chất lượng các sản phẩm được buôn bán, kinh doanh ở chợ, bảo vệ người tiêu dùng.
Ngoài ra, cán bộ quản lý chợ do doanh nghiệp tổ chức sẽ có trình độ, nghiệp vụ tốt, qua đó phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh thực hiện các quy định, niêm yết giá sản phẩm, bán hàng đúng giá niêm yết, kiểm soát hàng hóa tốt hơn.
“Chuyển đổi mô hình quản lý chợ để phát triển hài hòa, đảm bảo duy trì hoạt động thương mại cả truyền thống và hiện đại. Sở Công Thương đang tiếp tục triển khai kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo chủ trương của tỉnh bằng cách kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu thầu chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đồng thời phối hợp với các cấp, ban ngành khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng chợ mới cho phù hợp hơn với thực tiễn kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu của thị trường” - ông Nguyễn Quang Lâm, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) nói.
VIỆT NGUYỄN