Bà Nguyễn Thị Lộc ở thôn Bình An (xã Sơn Viên, Nông Sơn) cho biết, trước đây do kỹ năng canh tác còn hạn chế và sử dụng một số loại giống đã có biểu hiện thoái hóa nên nhiều vụ lúa không đạt năng suất cao.
Hai vụ gần đây, nhờ ngành nông nghiệp huyện, chính quyền địa phương, Tập đoàn ThaiBinh Seed - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên phối hợp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ hạt giống nên bà Lộc chuyển 2,5 sào đất sang gieo sạ giống lúa thuần mới TBR97.
“Nhờ nguồn giống chất lượng cao, áp dụng bài bản quy trình thâm canh và phòng trừ hiệu quả dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên năng suất lúa đạt rất cao. Riêng vụ đông xuân 2020 - 2021 vừa qua, bình quân 1 sào lúa TBR97 đạt 400kg khô, tăng 70 - 80kg so với trước đây” - bà Lộc chia sẻ.
Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho hay, 5 năm trở lại đây đơn vị tích cực phối hợp với Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện, chính quyền các xã tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Từ nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp nông nghiệp kết hợp một số kênh vốn khác, bình quân hằng năm huyện chi 35 - 50 triệu đồng tổ chức 25 - 27 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nhà nông (mỗi lớp khoảng 50 người).
Theo ông Trần Văn Lưu, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện canh tác hơn 1.027ha lúa, 237ha bắp, 173ha đậu phụng. Năng suất lúa bình quân của Nông Sơn đạt 64,02 tạ/ha, tăng 5,47 tạ/ha so với đông xuân 2019 - 2020 và tăng 30,12 tạ/ha so với cách đây 5 năm; năng suất bắp đạt 50,67 tạ/ha, tăng gần 1 tạ/ha so với đông xuân 2019 - 2020 và tăng xấp xỉ 4 tạ/ha so với đông xuân 2015 - 2016; năng suất đậu phụng đạt 23,34 tạ/ha, tăng 6,38 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái và tăng 11,04 tạ/ha so với đông xuân 2015 - 2016.
Đặc biệt, tại một số địa phương, nhiều hộ dân đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt cho mức thu nhập cao. Mô hình trồng cây ăn quả theo phương thức sản xuất hàng hóa được nhân rộng.
Toàn huyện có 220ha đất chuyên canh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, trong đó bưởi trụ lông bản địa và bưởi da xanh khoảng 150ha. Bình quân hằng năm, 1ha bưởi mang lại cho người dân mức thu nhập 400 - 500 triệu đồng.
Nhiều hộ dân cũng phát triển mạnh mô hình nuôi bò vỗ béo. Ngoài trang trại bò 100 con của ông Nguyễn Tấn An ở xã Quế Lộc, Nông Sơn có khoảng 210 gia trại nuôi bò 3B và bò vàng theo phương thức thâm canh với số lượng mỗi mô hình từ 5 - 10 con. Trung bình mỗi năm 1 gia trại nuôi bò thâm canh cho lãi ròng 75 - 150 triệu đồng.