Khi nói về đội công tác vùng đông huyện Bắc Tam Kỳ năm xưa, nhiều cán bộ lão thành cách mạng nhắc đến ông Đoàn Văn Tiến (thôn Thái Nam, xã Tam Thăng) - nguyên Phó Bí thư xã Kỳ Anh nay là xã Tam Thăng.
Sau một hồi hỏi thăm, tôi gặp ông Tiến trong căn nhà nhỏ tại thôn Thái Nam. Dáng người nhỏ gọn, trông rất nhanh nhẹn, ông kể nhiều chuyện về quá trình công tác của mình ở vùng đông bắc Tam Kỳ. Ông chia sẻ, hầu như đợt công tác nào của cấp trên về đây ông cũng được chọn làm người dẫn đường. Để có được sự tin tưởng đó, ông đã phải biết bao lần vào sinh ra tử, cùng với kinh nghiệm đúc rút được trong khi tham gia chiến đấu, rồi được người đi trước truyền lại. Ông cho hay, những lần đi công tác với anh Mười (Mười Chấp), được truyền lại một số kinh nghiệm khi đi công tác vùng đông như: “Chỗ nào khó nhất là chỗ sinh, chỗ nào dễ nhất là chỗ tử”. Ví dụ như khi đi ngang qua một khu vườn hay đoạn đường, nghi có “hiểm” thì ta phải tìm chỗ nào rào thật kỹ phá ra để đi, nơi nào có lối mòn, hoặc dễ đi thì không nên vào vì có thể bị cài mìn.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đông Tam Kỳ là địa bàn rất ác liệt, ban ngày quân ta phải ở ngoài rừng hoặc ở hầm bí mật, tối đến mới vào cơ sở cách mạng nắm tình hình, ăn uống. Ông Tiến chia sẻ, mọi hoạt động của ta lúc đó đều phải tính toán rất tỉ mỉ để địch không phát hiện. Vùng này chủ yếu đất cát, buổi tối lại có sương nên dấu chân in rất rõ. Do đó, khi ta đi vào cơ sở phải đi thụt lui, lúc địch phát hiện nghĩ là cộng sản đã ở trong làng đi ra, ta sẽ an toàn, còn nếu chúng thấy dấu chân đi vào sẽ pháo kích cơ sở đó, ta sẽ bị tổn thất. Khi tiếp cận cơ sở cách mạng, việc đầu tiên ta phải quan sát tất cả lối ra vào, để đề phòng khi cơ sở cách mạng bị lộ có thể chủ động đường rút an toàn. Nếu bị địch phát hiện cơ sở và bao vây ta vào thế bí, trước tiên phải trấn tĩnh chủ nhà, hết sức bình tĩnh quan sát trong nhà chỗ nào bí nhất, chỗ nào có thể đi ra được…
Có lần ông đang ở trong nhà cơ sở cách mạng thì bị địch phát hiện. Lúc bấy giờ có hai cái cửa, một đang đóng kín và một cửa ở hướng khác đang mở. Ông nghĩ nếu mình thoát ra ngay ở cửa mở sẽ bị phát hiện, chết chắc. Thế là ông dùng chân đạp mạnh vào cái cửa đang đóng tạo ra tiếng động lớn, mọi chú ý của địch lúc đó tập trung về hướng cửa có tiếng động. Còn ông nhanh chóng lặng lẽ rút đi an toàn theo hướng cửa mở.
Ông kể, có lần một số đồng chí bên tỉnh đội đến hỏi về kinh nghiệm xây dựng làng chiến đấu. Ông cho biết bên cạnh hàng rào, mìn, chông, giao thông hào, thì lòng dân là hàng rào kiên cố nhất. Phải làm công tác dân vận cho tốt, khi người dân nhận thức được vấn đề thì mới bảo vệ, chỉ đường đi khi có địch và nắm tình hình báo lại với chúng ta. Nếu không được nhân dân bảo bọc không có “hàng rào lòng dân” thì coi như không xây dựng được làng chiến đấu.
Những kinh nghiệm như trên tuy không lớn, nhưng cũng phải trải qua bao lần vào sinh ra tử mới có thể đúc kết được. Và cũng chính từ những kinh nghiệm như thế của biết bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã góp sức đánh thắng kẻ thù, giải phóng quê hương.
TRẦN VŨ