Chuyện người già ở Trung tâm Xã hội tỉnh

XUÂN THỌ 01/09/2016 14:29

(QNO) - Ở Trung tâm Xã hội Quảng Nam (số 01 Phạm Hồng Thái, TP.Hội An), có những người đang viết nên những câu chuyện đầy cảm động, truyền cảm hứng sống cho người cùng cảnh.

Một trong số nhóm người tự thiện mang thêm đồ ăn đến cho người già ở trung tâm. Ảnh: XUÂN THỌ
Một nhóm từ thiện mang thức ăn đến cho người già ở trung tâm. Ảnh: XUÂN THỌ

1. Người đầu tiên, là ông Hồ Văn Minh (62 tuổi, quê ở Tiên Phước). Bất chấp tuổi tác và chân trái đã mất , hằng ngày ông đều gắng chăm sóc đàn heo để có nguồn thịt bổ sung vào thực đơn hằng ngày cho mọi người ở trung tâm.

“Một buổi trưa giữa năm 1967, lúc ấy tôi 12 tuổi, khi đang ngoài cánh đồng, tôi nghe tiếng bom rơi, bèn hốt hoảng trở về nhà. Cách cổng nhà không xa, tôi thấy một quả bom rơi xuống, giữa nhà mình. Trong lúc chưa kịp định thần, thì thêm một quả bom nữa rơi xuống, nổ tung. Tỉnh dậy, sau vài lời hỏi thăm hoảng hốt, tôi mới biết mình đang nằm viện ở Đà Nẵng. Và khi thuốc tê tan đi, cơn đau ở đầu gối bên trái kéo đến, tôi vô cùng đau đớn khi biết mình bị cụt mất một chân” - ông Minh kể lại tuổi thơ mình.

Nhưng 2 quả bom ấy, ngoài lấy đi chân trái của ông Minh, còn cướp luôn cả gia đình ông, khiến ông thành trẻ mồ côi. Sau một năm nằm viện ở Đà Nẵng, ông Minh được chuyển sang ở cô nhi viện. Ở đó cho đến cuối năm 1979, đầu năm 1980, các xơ ở cô nhi viện “bàn giao” ông lại cho Trung tâm Xã hội tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1967 đến nay, chưa một lần ông trở lại Tiên Phước, vì gia đình không còn ai, và vì sợ gặp lại sẽ đau hơn.

Ông Minh chăm sóc đàn heo để cải thiện bữa ăn cho trung tâm. Ảnh: XUÂN THỌ
Ông Minh chăm sóc đàn heo để cải thiện bữa ăn cho trung tâm. Ảnh: XUÂN THỌ

Mặc dù tuổi cao, lại khuyết tật, nhưng ông Minh cho rằng mình vẫn còn sức khoẻ, nên xin lãnh đạo trung tâm xây chuồng heo để nuôi, vừa tận dụng nguồn thức ăn thừa, vừa có thêm thịt cho mọi người ở trung tâm.

Hôm chúng tôi đến, ông đang cho heo ăn. Tổng cộng khoảng 20 con, trong đó có 10 con heo con vừa được thả cách đây vài hôm. Số heo này được nhốt riêng, heo lớn một bên và heo nhỏ một bên. “Cứ hễ thịt hết, thì mình mổ một con lấy thịt để mọi người dùng dần, nhờ vậy mà chất lượng bữa ăn của mọi người được nâng lên rõ rệt” - ông Minh hồ hởi.

Ngoài nuôi heo, ông Minh còn là điểm tựa của những người phải nương nhờ ở trung tâm này. Do đó, ông được lãnh đạo trung tâm giao làm Chủ tịch Hội đồng trợ viên, sẵn sàng tâm sự, động viên người cùng cảnh vượt qua khó khăn, cũng như truyền tải tâm tư nguyện vọng của mọi người đến với lãnh đạo trung tâm.

2. Ngoài ông Minh, ở Trung tâm Xã hội tỉnh còn có bà Phan Thị Toàn (87 tuổi, quê ở Tiên Phước), khi hằng ngày bà vẫn “bỏ mặc” tuổi tác và cánh tay trái bị mất để đi hái rau giúp ông Minh nuôi heo, cũng như giúp những người bạn không còn đủ sức lực chăm sóc bản thân.

Bà Toàn cũng có tuổi thơ bất hạnh như ông Minh, khi bom đạn kéo đến và cướp đi cánh tay trái và cả gia đình, khiến bà trở thành cô bé mồ côi, không người thân thích và phải nương tựa ở trung tâm này.

Mặc dù tuổi cao, bị mất một tay nhưng bà Toàn vẫn giúp các hộ lí cho bạn cùng phòng của mình ăn. Ảnh: XUÂN THỌ
Bà Toàn giúp đỡ bạn cùng phòng việc ăn uống. Ảnh: XUÂN THỌ

Hôm tôi đến, khoảng một tiếng đồng hồ sau, là đến giờ ăn chiều. Trong một căn phòng ở trung tâm, toàn là những người già yếu, có người thậm chí không tự ngồi dậy được, mọi sinh hoạt phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. Khi các hộ lý đang cho các cụ ăn, nơi góc gần cuối phòng, tôi bắt gặp hoạt cảnh không thể cảm động hơn: bà Toàn đang đút thức ăn cho một người bạn già của mình.

Mặc dù tuổi cao và bị mất một tay nhưng bà Toàn chăm sóc bạn mình rất chỉn chu. Không thể nhanh nhẹn như các nữ hộ lý trẻ, song, bà vẫn cần mẫn quấn khăn ăn trước ngực bạn mình, để thức ăn khỏi rơi vãi lên người. Rồi trong khi tay run run đút thức ăn cho bạn, bà Toàn há miệng, kiểu như người lớn “dụ” con nít khi cho ăn. Bà lặp lại như thế, kiên trì như thế, cho đến khi bạn mình ăn hết khẩu phần.

Bà Toàn tâm sự: “Nhờ đi hái rau cho heo, nên tôi thường xuyên vận động, ít nhiều “đuổi” được bệnh tật. Với lại tôi quan niệm, chính mình đã được xã hội cưu mang, thì ngay khi còn có thể, phải giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh như mình, bởi tuổi già chông chênh lắm”.

3. Sau này, tôi mới biết có khoảng 100 người đang được nuôi dưỡng ở trung tâm; đó là người già yếu không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật… Và trong số này, có đến hơn 60% là người mất sức nặng, không tự chăm sóc cho chính mình. Trong khi đó, chỉ có 10 hộ lý, nên những người được cưu mang ở đây, dù tuổi già, nhưng hễ còn sức là giúp các hộ lý chăm sóc những người yếu hơn.

Bênh cạnh phòng các cụ già, là phòng các bé, các chị bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh ra, vì bệnh tật. Trên giường của góc trái phòng, tôi thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (38 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hộ lý đang cùng Thúy xếp quần áo. Trước mặt chị Ánh và Lý, là Hạnh, với tay chân co quắp những vẫn cố gắng ngồi ghế, bón cho bạn của mình đang nằm giường ăn.

Chị Ánh (bìa phải) cùng Lý sắp xếp lại quần áo sau khi phơi khô. Ảnh: XUÂN THỌ
Chị Ánh (bìa phải) cùng Lý sắp xếp lại quần áo sau khi phơi khô. Ảnh: XUÂN THỌ

Đợi đến khi vệ sinh, cho các cụ và những người khác ăn xong, tôi mới bắt chuyện với Ánh. Chị bảo, mình làm hộ lý ở đây đã 14 năm, có chồng làm thợ hồ và hai cháu. Nhớ lại cái thời điểm mới vô làm, Ánh sợ lên sợ xuống. Tôi hỏi vì sao? Chị thật thà kể, là vì thời điểm đó, là lần đầu tiên bắt gặp những còn người bất hạnh như vậy.

Và khi đứng trước những người này, chị không biết bắt đầu như thế nào để không làm phật lòng họ, nhất là người già. Bởi lẽ, những người phải nhờ đến sự cưu mang của trung tâm, thường có tâm lý dễ nóng nảy, kiểu như bất cần mọi thứ. Nên phải khoảng một tuần sau, chị mới bắt nhịp với mọi việc.

Trước khi ra về, tôi dạo tiếp một vòng quanh trung tâm. Ở đó, tôi bắt gặp cảnh các cụ già sức yếu, ngồi tụm năm tụm bảy ăn uống ngon lành. Trong căng tin của trung tâm - nơi dành cho những người còn khả năng đi lại đến ăn uống, một nhóm người từ thiện mang đến thêm thức ăn cho các cụ.

Khi tôi hỏi về những điều trên, thì ông Trần Phước Tuấn - Giám đốc Trung tâm Xã hội tỉnh cười bảo: “Chuyện bác Minh, bác Toàn nuôi heo, giúp đỡ người không thể tự chăm sóc cho mình là điều trung tâm rất vui. Đó cũng là sự vận động của lãnh đạo trung tâm về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và mong rằng, bằng các hành động cụ thể của các bác, những người ở trung tâm sẽ có thêm nghị lực trong cuộc sống”.

XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện người già ở Trung tâm Xã hội tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO