Tính chuyện chuyển đổi cây trồng

TƯ RUỘNG 25/02/2020 11:53

Đứng nhìn ruộng lúa đông xuân đang bước vào thời kỳ làm đòng, anh Sáu Nghi Trung ở xã Quế Hiệp (Quế Sơn) nói: “Gia đình tui có 4 sào đất canh tác lúa. Vụ đông xuân, nhờ nguồn nước của hồ chứa Suối Tiên tương đối nhiều nên xuống giống hết số diện tích vừa nêu. Còn vụ hè thu, do mực nước hồ chứa Suối Tiên tụt giảm mạnh, trong khi đó cả 4 sào đất lúa của tui lại nằm ở khu vực cuối kênh nên nguồn nước rất khó khăn.

Những năm gần đây, tui mạnh dạn chuyển 4 sào đất lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn trong vụ hè thu. Đối với vụ hè thu 2020 sắp tới, tui dự tính sau khi thu hoạch lúa đông xuân sẽ cải tạo đất để trồng giống sắn KM94 hoặc tỉa bắp lai, gieo mè”.

Hiện nay toàn tỉnh có 73 hồ chứa thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, gồm 17 hồ chứa vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý. Trong tổng số 73 hồ chứa nêu trên, tính đến thời điểm này chỉ có 16 hồ tích đầy nước, còn lại 57 hồ chưa tích đủ nước. Đáng quan ngại là hiện có 5 hồ chứa lớn gồm Khe Tân, Cao Ngạn, Đông Tiển, Hố Giang, Cây Thông mới tích được 50 - 90% dung tích nước. Trong khi đó, 7 hồ chứa nhỏ gồm Suối Tiên, Hố Giếng, Xài Bai, Hố Mây, Chủ Bò, Hóc Két, Nước Rin có mực nước dưới tràn 2 - 3m.

Trong khi nhiều hồ chứa thủy lợi chưa tích đủ nước thì theo nhận định của ngành chuyên môn, từ nay đến cuối tháng 5.2020 tại các địa phương của tỉnh lượng mưa sẽ thấp hơn hoặc xấp xỉ trung bình nhiều năm. Không chỉ vậy, dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và các con sông khác cũng sẽ tiếp tục tụt giảm mạnh. Đặc biệt, tại trạm Giao Thủy trên sông Thu Bồn có thể xuống thấp hơn mực nước thấp nhất trong lịch sử. Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong thời gian tới, nhất là vụ hè thu 2020 nguy cơ cao sẽ xảy ra hạn hán, thiếu hụt nguồn nước tưới, tình trạng xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương tích cực phối hợp tính toán xây dựng bài bản nhiều phương án có tính khả thi cao để ứng phó hạn hán, nhiễm mặn. Trong đó, vấn đề đáng lưu tâm nhất là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Ông Trương Xuân Tý thông tin, theo kế hoạch đặt ra, năm 2020 này toàn tỉnh sẽ chuyển 2.100ha đất lúa chủ động nước tưới nhưng canh tác kém hiệu quả hoặc không chủ động nước tưới, bấp bênh nước tưới sang sản xuất các loại cây hằng năm (1.900ha) và cây lâu năm (200ha).

“Những địa phương có kế hoạch chuyển đổi với diện tích lớn là Thăng Bình 320ha, Đại Lộc 290ha, Điện Bàn 250ha, Duy Xuyên và Quế Sơn mỗi huyện 200ha. Đối với 1.900ha đất lúa dự kiến chuyển sang sản xuất cây hằng năm, chủ yếu bố trí gieo trồng bắp, đậu phụng, mè, đậu xanh, dưa hấu, đậu đen và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò thâm canh. Còn đối với 200ha đất lúa nằm trong kế hoạch chuyển sang sản xuất cây lâu năm, phần lớn là trồng ổi, cam, bưởi, đinh lăng, sả, keo lai...” - ông Trương Xuân Tý nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tính chuyện chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO