Những ngày này, Quảng Nam đang hướng đến kỷ niệm 50 năm được tuyên dương “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Xin dành một khoảng lặng để nói về những chiến sĩ áo trắng không phải quê Quảng Nam nhưng đã gửi tuổi xuân nơi chiến trường bom đạn trên mảnh đất “trung dũng kiên cường” này. Như bao chiến sĩ khác trong kháng chiến chống Mỹ, họ đã hy sinh rất nhiều, gia đình và cả những đứa con mang nặng đẻ đau…
Những chiến sĩ áo trắng trong một lần về thăm chiến trường xưa ở Trà My. Ảnh: HÀ AN |
Con ngoan, mẹ vào chiến trường đây!
Năm 1960, sau 6 năm gắn bó với giảng đường trường y, cô sinh viên Phan Thị Phi Phi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy bộ môn sinh lý bệnh - miễn dịch học. Khóa học này là khóa y khoa đầu tiên của miền Bắc. Và bà và những người thầy thuốc trẻ vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III - năm 1960.
Năm 1966, bà Phi cùng một số thầy cô của Trường Đại học Y Hà Nội được cử đi B với nhiệm vụ xây dựng trường y khu 5. Lúc đó, đứa con của bà chưa đầy hai tuổi, nhưng vì tiếng gọi thiêng liêng bà đã gửi con lại Hà Nội để vào chiến trường. Ngày đó, mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng đang “nóng” nên đã có hàng cơ số lần bệnh viện phải chạy càn, phải di dời địa điểm vì bom. Bệnh viện 2 lúc đó đóng tại Nam Trà My. Do điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, mỗi cán bộ y tế không chỉ là lương y giỏi, mà cũng phải là người chiến sĩ kiên trung, lăn xả trên chiến trường ác liệt. Dù trong điều kiện gian khổ, họ cũng đã có rất nhiều sáng kiến y học tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và hiệu quả điều trị cao cho cán bộ, quân dân... Với lương y Phan Thị Phi Phi, càng nhớ con bà càng tập trung vào sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bộ đội.
Lúc bấy giờ bệnh xá phải tự túc lương thực, chủ yếu là ăn sắn, bắp, rau rừng. Với chỉ tiêu được giao, mỗi năm 50.000 gốc sắn, nên quanh trạm chỗ nào cũng trồng sắn. Dù địch rải chất độc hóa học, làm lá sắn đã rũ hết xuống, vậy mà người người vẫn phải ra ôm sắn nhổ, người vội chặt củ khỏi cây để giành giật lấy nguồn lương thực hiếm hoi khỏi chất độc hóa học.
Người quan tâm đến câu chuyện các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) Việt Nam khởi kiện các công ty sản xuất chất độc dioxin của Mỹ những năm về trước hẳn còn nhớ đến GS-TSKH. Phan Thị Phi Phi. Bà là một trong 3 nạn nhân chất độc da cam đầu tiên đệ đơn lên Tòa án Hoa Kỳ và chính bà đã đến Hoa Kỳ tham gia phiên tranh tụng đầu tiên giữa luật sư hai bên nhằm đòi công lý cho các nạn nhân bị nhiễm CĐDC Việt Nam. Bởi bà thấu hiểu tận cùng nỗi bất hạnh mà những gia đình có người bị CĐDC đang phải chịu đựng. Và gia đình bà không phải là ngoại lệ. Người chồng của bà cũng là một bác sĩ quân y. Họ phải xa cách nhau, mỗi người một chiến trường, để thực hiện nhiệm vụ của những công dân thời chiến. Bốn lần mang thai nhưng bà và chồng - cố GS. Hà Văn Ngạc đều không được tận hưởng niềm vui có thêm một người con nào nữa vì ảnh hưởng chất độc hóa học ở chiến trường. Bà tâm sự: “Người chiến sĩ trên chiến trường đối mặt với cái chết không chỉ vì súng đạn mà còn có cả những tai họa trong rừng sâu như sốt rét, rắn cắn, thú dữ tấn công. Tôi đã từng bế trên tay những thanh niên miền Bắc, những chàng trai to khỏe bị sốt rét ác tính tấn công. Họ chết trên tay tôi. Đó là những cái chết làm tôi đau xót nhất. Họ quá trẻ, quá đẹp, và chưa từng biết yêu”.
Trong suốt quá trình nghiên cứu và làm việc, bà Phan Thị Phi Phi là tác giả của hàng trăm bài viết về 3 chủ đề nghiên cứu chính: “tác hại của chất da màu - dioxin trên sức khỏe con người”, “nghiên cứu các chất điều biến miễn dịch của thảo dược Việt Nam”, “nghiên cứu các dấu ấn sinh học các bệnh ung thư máu, gan, vòm mũi họng trong chẩn đoán, tiên lượng và điều trị”. Nhiều năm trước còn khỏe, cứ hai năm bà lại cùng các y bác sĩ ở Hà Nội tổ chức về Trà My thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc cho người dân… Và mỗi lần về Quảng Nam, là mỗi lần bà trở về với quá khứ, thời tuổi trẻ xông pha và trở về để tri ân.
Biết bao nhiêu tình…
Bác sĩ Bùi Ngọc Phó - quê Quảng Ngãi, theo cha tập kết ra Bắc, năm 1969, khi trở thành bác sĩ ngoại khoa ông xung phong vào chiến trường miền Nam, công tác ở Ban Dân y Quảng Nam, lúc đó đóng ở Trà My. Ông được giao làm Phó Giám đốc Bệnh viện 2. Còn bà Vũ Thị Kim Oanh khi ấy mới 21 tuổi cũng vào Quảng Nam, làm dược sĩ công tác ở Ban Giao thông cũng đóng ở Bắc Trà My. Hai người gặp và yêu nhau ở chiến trường trong giai đoạn đất nước dầu sôi, lửa bỏng. Lúc ấy đang thực hiện 3 phương châm “không yêu, không cưới, không con”, tuy nhiên bác sĩ Bùi Ngọc Phó lúc đó đã lớn tuổi nên tổ chức động viên hai người nên lập gia đình. Đám cưới được tổ chức năm 1970 giữa chiến trường Quảng Nam ác liệt. Cuối năm đó, hai vợ chồng sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên đứa con vừa lên 3 tuổi thì bị cơn sốt rét rừng quật ngã. Hai vợ chồng quá đau đớn, bởi trước đó bà Oanh mang thai đứa thứ hai, nhưng lo sợ việc sinh nở, ảnh hưởng đến công việc của cách mạng nên họ đành bỏ đi giọt máu của mình. Thế nên xem như trong những ngày cuối năm 1973 ông bà mất một lúc 2 đứa con tại vùng núi Trà My. Bác sĩ Bùi Ngọc Phó chôn cất đứa con bé bỏng bên dòng sông Trường, cùng đồng đội đã hy sinh.
Viếng hương đồng đội. |
Những chiến sĩ áo trắng ngày ấy, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho quân và dân, còn phải tự bảo vệ sinh mạng mình trước những trận phục kích, quần thảo bằng trực thăng của địch. Dụng cụ y tế thuốc men thiếu thốn, phần lớn phải gây mê tĩnh mạch, bàn mổ trong rừng chỉ là những mảnh gỗ ghép lại. Nếu mổ cấp cứu vào ban đêm thì dùng đèn pin… Nhiều chiến sĩ đã phải hy sinh vì thiếu thuốc, thiếu thốn trang thiết bị. Trong những năm tháng đó, những chiến sĩ quân y phải dựa vào nguồn thuốc Nam tại chỗ. Như cây nhọ nồi, cỏ hôi, cây cứt lợn nấu thành dạng cao lỏng, cầm máu rất tốt. Rau ranh, rau dớn nấu thành cao - gọi vui là thuốc bổ philatốp. Trong cuộc đời làm bác sĩ của mình, ông Bùi Ngọc Phó đau đớn nhất là lần chứng kiến cảnh đoàn hát tuồng bị ngộ độc nấm. Mới đó, trong bom rơi đạn nổ, các nghệ sĩ, diễn viên diễn vẫn say sưa trên sân khấu, khán giả nồng nhiệt hò reo cổ vũ… Thế mà, vì đói quá, phải ăn nấm độc, dù các y bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng nhiều nghệ sĩ tuồng đã ra đi. Dù chuyện xảy ra đến nay đã gần 50 năm, nhưng mỗi lần nghe tiếng trống tuồng, ông lại đau đớn nhớ về những ngày ở căn cứ Trà My!
Bà Vũ Thị Kim Oanh đến nay cũng luôn nhớ về một thời không thể nào quên và bà luôn nhắc đến hai từ Quảng Nam một cách trìu mến. Bà bảo rằng, nếu không có người dân Quảng Nam thì bà đã bỏ mạng và không tìm được hài cốt của con mình. Ngày đó, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, bà Oanh và đồng đội còn phải đi cấy lúa, trồng sắn, đi gùi cõng lương thực… Một lần, đang cấy lúa thì có địch vây ráp, bà lúng túng không biết xử lý thế nào. May lúc đó có bà mẹ người dân tộc Ca Dong bảo bà dùng bùn bôi hết lên người rồi chỉ cho chui vào cái hốc cây, còn bà mẹ đó ở ngoài che mắt địch… Bà Oanh chia sẻ rằng, trong chiến tranh tình cảm quân dân thắm thiết vô cùng, người dân sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cách mạng. Chính tình yêu thương, sự chở che của người dân Quảng Nam đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ vượt qua những “nỗi buồn” trong chiến tranh.
Một niềm vui bất ngờ đối với vợ chồng bà Oanh, khi năm 2014, trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, qua thông tin của người dân ở Trà My, ông bà đã tìm được nơi chôn cất đứa con trai năm xưa. Đứa con trai ấy đã được dòng sông chở che, núi rừng Trà My ôm ấp và bây giờ đã trở về với quê hương.
HÀ AN