Chuyện tích hợp trong văn học nghệ thuật

PHAN VĂN MINH 11/12/2016 12:47

Trong những năm gần đây, khái niệm “tích hợp” ngày càng được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn trong ngành giáo dục, “dạy học tích hợp” đã trở thành một cuộc vận động sâu rộng trong việc đổi mới phương pháp và nội dung dạy học. Và để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2016-2017 tới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố chủ trương ra đề theo hướng “tích hợp liên môn”. Theo đó, học sinh sẽ phải làm những bài thi tổng hợp như “liên môn khoa học tự nhiên” gồm Lý - Hóa - Sinh, “liên môn khoa học xã hội” gồm Sử - Địa - Giáo dục công dân. Thiết nghĩ, đó là một xu hướng tiến bộ, làm nền tảng cho việc đào tạo nên những lớp người lao động có nhận thức và năng lực toàn diện hơn trong tương lai, nhất là từ bậc đại học trở lên.

Bản vẽ giải phẫu học và tranh họa của Leonardo Da Vinci. Nguồn: Internet
Bản vẽ giải phẫu học và tranh họa của Leonardo Da Vinci. Nguồn: Internet

Thực ra, những “bộ óc tích hợp” đã xuất hiện từ thời cổ đại ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Các nhà bác học khi xưa đều uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Pythagore là một triết gia đồng thời là nhà toán học lỗi lạc. Leonardo da Vinci không chỉ là một họa sĩ thiên tài mà còn một nhà khoa học với hàng chục phát kiến, phát minh về công nghệ. Còn thần đồng Lương Thế Vinh ở thế kỷ 15 không những đỗ Trạng nguyên khi mới 22 tuổi, lĩnh chức “Hàn lâm thị thư chưởng Hàn lâm viện sự”, có tên trong hội thơ Tao đàn do vua Lê Thánh Tông chủ xướng mà còn là tác giả của Đại thành toán pháp, một cuốn sách “giáo khoa” về toán học của nước ta suốt mấy thế kỷ về sau. Ngày nay, mối quan hệ giữa khoa học - kỹ thuật và kinh tế xã hội càng chặt chẽ thì càng cần nhiều bộ óc như thế trên mọi lĩnh vực. Điều đó sẽ giúp cho con người có thể nắm bắt được các quy luật “tương sinh tương khắc” giữa các thực thể tự nhiên và xã hội khi tham gia vận hành nền văn minh đương đại.

Riêng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tuy đó là những hoạt động và sản phẩm vốn được cho là thuộc về tâm hồn và được phân chia thành các loại hình đặc thù như thơ, văn, nhạc, họa…, nhưng các hình thái tích hợp cũng đã có từ rất lâu như trường ca, sử thi, truyện khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết lịch sử, truyện tranh, phim hoạt hình, nhạc kịch… Ngày nay chúng ta còn được thưởng thức những tác phẩm tích hợp thuộc các thể loại “phi truyền thống” khác như nhạc rap/hiphop, body painting, video art, nghệ thuật sắp đặt, múa đương đại, truyện ngắn hậu hiện đại… Về nội dung, các nghệ sĩ sáng tác ngày càng quan tâm hơn đến thực tiễn kinh tế xã hội đang diễn ra quanh mình; nhiều tác phẩm đã thể hiện sự tích hợp giữa nhận thức và cảm xúc, giữa tri thức và thẩm mỹ. Dường như ngày càng ít tác giả chịu đứng ngoài cuộc nhân sinh cùng quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã từng là một đề tài tranh luận bấy lâu. Ngay cả các nhà thơ, vốn được coi là những “tín đồ” muôn thuở của cái đẹp thì nay đã thể hiện mối bận tâm về thế cuộc. Tác phẩm của họ không chỉ có “phong, hoa, tuyết, nguyệt” mà còn có bóng dáng của cuộc sống cần lao “cơm áo gạo tiền”, cả sự nhập cuộc vào thời đại kỹ thuật số, và cả ý thức công dân trong những vấn đề chính trị của đất nước, con người.

Tuy nhiên, đôi khi vì quá “đắm chìm” vào tác phẩm khi sáng tác, một số văn nghệ sĩ lại tỏ ra “đãng trí” với những kiến thức phổ thông. Có một truyện ngắn khá nổi tiếng kể về một anh chàng chờ người yêu trên rẫy từ lúc sao Hôm sắp lặn cho đến khi sao Mai vừa mọc. Tác giả và người đọc đều nghĩ đó là thời gian của một đêm nhưng thực ra là cả… nửa năm trời, bởi vì sao Hôm hay sao Mai đều là những tên gọi khác nhau của sao Kim trong Thái dương hệ, ở phương Tây gọi là sao Vénus (Vệ Nữ). Sao này có 6 tháng mọc trước mặt trời gọi là sao Mai, 6 tháng lặn sau mặt trời gọi là sao Hôm. Một nhà văn khác nhầm lẫn heo nái với heo lứa khi tích hợp chuyện… chăn nuôi vào tác phẩm. Có bài thơ kể về sự kiện một trạm khí tượng mới được khánh thành làm cho mấy “em” chuồn chuồn trở nên thất nghiệp, trong đó có câu: Em liếc nhìn anh như hờn trách… Một nhà phê bình đã than rằng mắt chuồn chuồn là mắt kép bao gồm nhiều tinh thể hợp lại, vậy thì “em” chuồn chuồn liếc thế quái nào được mà trách với hờn? Còn trong một bài hát thiếu nhi khá phổ biến ta nghe có câu: “Quả bóng xanh bay giữa trời xanh”, ý nói quả đất màu xanh chuyển động trong một bầu trời cũng màu xanh. Trong thực tế thì bầu trời xanh mà ta vẫn thấy là do hiệu ứng của hiện tượng tán xạ ánh sáng, được gọi là tán xạ Rayleigh. Khi quay quanh mặt trời và kể cả trong chuyển động tự xoay quanh trục, quả đất không phải quay trong bầu khí quyển của mình mà mang cả nó theo giống như khi ta đi chơi phải mặc áo vậy. Còn bầu trời ngoài trái đất chỉ là một màu đen ngòm. Không tin thì cứ hỏi... Gagarin và các phi hành gia  Nga, Mỹ.

Chuyện “tích hợp” có thể sẽ trở thành một xu hướng tất yếu trong văn học nghệ thuật khi tâm hồn và trí tuệ con người ngày càng hòa nhập vào nhau, nói rộng ra là nền văn minh nhân loại sẽ tiến đến một mục tiêu duy nhất là “hoang dã và thông tuệ”, sẽ song hành với tiến trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới. Các tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ đáng tin cậy và hữu ích hơn nếu chúng tích hợp được nhiều mặt của nhân sinh, hoặc ít ra chúng cũng không đi ngược lại những tri thức đang tồn tại của nhân loại.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện tích hợp trong văn học nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO