Mùa khô 1981.Tiểu đoàn bộ 12 mua mấy con bò của dân đem về nuôi để giết thịt liên hoan vào các dịp lễ tết. Thằng Nho - lính 81, được cắt cử chăn bò ở cánh đồng phía sau phum X’re Kaxan.
Mùa khô 1981.
Tiểu đoàn bộ 12 mua mấy con bò của dân đem về nuôi để giết thịt liên hoan vào các dịp lễ tết. Thằng Nho - lính 81, được cắt cử chăn bò ở cánh đồng phía sau phum X’re Kaxan. Chẳng rõ đơn vị nuôi bò từ bao giờ, khi tôi về công tác ở Tiểu đoàn bộ, đàn bò có sáu con. Sáng hôm đó thằng Nho rủ tôi đi chăn bò với hắn. “Ngoài ấy cũng thú vị lắm anh. Cánh rừng rậm chỗ đập nước có lắm trái cây hoang dại ăn được, có lắm chim chóc hót líu lo cả ngày. Đi dạo trong cánh rừng ấy, thấy mùa khô ở vùng đông bắc Campuchia cũng không đến nỗi khắc nghiệt…” - hắn kể với tôi. Rảnh rỗi, sáng hôm đó tôi khoác khẩu AK Tiệp theo thằng Nho đi chăn bò. Hắn nói không sai. Cánh rừng rậm có rất nhiều trái quả hoang dại nên thu hút chim phượng hoàng đất tụ hội về khá đông. Loài chim này, lông màu đen điểm những vệt trắng, có cái mỏ màu vàng to ngoại cỡ, khi vỗ cánh bay tạo nên tiếng “hút hút” y hệt tiếng hỏa tiễn H12 vút đi, vì vậy, lính tráng gọi là chim hỏa tiễn. Đặc biệt, trong cánh rừng rậm có rất nhiều khỉ đen to lớn, mỗi con ước nặng cả chục cân, chúng sống theo đàn khoảng 15 - 20 con. Tôi với thằng Nho dạo chơi trong rừng đã đời rồi về, không bắn chim hay khỉ.
Khi về doanh trại, tôi khoe với anh Nguyễn Đức Đấu và anh Lê Văn Trường ở cùng nhà. Anh Đấu bảo: “Lần sau ra rừng, mày bắn vài ba con khỉ mang về cho tao”. Tôi hỏi: “Để làm gì, anh?”. “Để tao nấu cao toàn tính, khi nào về phép đem về làm quà cho ông bà già ở quê”. Anh Trường can ngăn tôi không nên sát hại loài khỉ vô tội ấy. Anh bảo, mùa mưa vừa rồi anh ra rừng bắn một con khỉ và chứng kiến cảnh đôi vợ chồng khỉ cãi nhau rồi đánh nhau chí chóe vì làm rớt con dưới suối… Tò mò, tôi hỏi chuyện anh.
Vốn hiền lành, ít nói, nhưng không hiểu sao trưa hôm đó anh Trường không nằm trên chiếc giường tre mà mắc võng toòng teng ở góc nhà và kể cho tôi nghe về chuyến đi săn vào mùa mưa vừa rồi. Thằng Trí “khùng” ở bộ phận thông tin vô tuyến 2W rủ anh xách súng ra rừng săn mang hoẵng đem về cải thiện bữa ăn. Ngày này qua ngày khác xơi hoài món cá úc đánh bắt ở sông Mê Kông, ngán thấy bà! Ừ, đi thì đi! Anh khoác súng cùng thằng Trí “khùng” ra cánh đồng phía sau phum X’re Kaxan. Dân phum không ai có người thân đi theo Pol Pot nhưng bọn lính áo đen đội mũ vải “Bát Nhất” vẫn thường hay lẩn quẩn trong rừng để móc nối xây dựng cơ sở, kiếm ăn. Thấy bộ đội Việt Nam, bọn chúng lẩn tránh, không nổ súng, không gài mìn KP2, K58… Bọn chúng không muốn xuất đầu lộ diện để bị truy quét khỏi địa bàn. Tạo ra sự bình yên, bọn chúng được nhiều hơn mất. Đội công tác xã đã cảnh báo điều đó nhưng anh Trường và thằng Trí “khùng” vẫn phớt lờ, khoác súng đi. Rừng thưa vào mùa mưa, cỏ lát, cỏ trúc lên xanh ngút ngàn. Hai người lang thang khắp nơi vẫn không gặp con thú hoang nào. Thằng Trí “khùng” bảo với anh: “Mình men theo con suối sâu trong rừng rậm, nhất định sẽ vớ được thứ gì đó…”. Anh gật đầu.
Sau một hồi vạch lá chui rúc, anh Trường và thằng Trí “khùng” bắt gặp gia đình khỉ ngồi vắt vẻo trên ngọn cây bên bờ suối ăn trái rùm đuôm. Con khỉ cái ôm đứa con nhỏ ngồi ở chạc ba, còn con khỉ đực leo ra bẻ những nhánh cây đầy trái rùm đuôm chín đen để cả ba cùng nhấm nháp ngon lành. Cả gia đình khỉ không hề hay biết có người ở dưới đất đang giương súng hướng về phía chúng. Thằng Trí “khùng” không ham sát sinh loài khỉ đen có hình dáng giống y hệt con người nên nhường cho anh Trường nổ súng. Là lính hậu cần, phụ trách quân nhu, anh Trường điểm xạ súng AK nổi tiếng “bắn chục phát trật mười phát”. Khoảng cách giữa anh và con khỉ cái ngồi ôm con nhỏ ở chạc ba chừng mười lăm mét. Anh nín thở, nheo mắt ngắm đầu ruồi và bóp cò. “Đoàng!”. Tiếng súng vang lên đanh gọn. Con khỉ cái giật mình đánh rơi đứa con nhỏ xuống suối. Nó may mắn không trúng đạn. Sau giây phút bàng hoàng thảng thốt, con khỉ cái và con khỉ đực vừa cất tiếng kêu “khẹc khẹc”, “chéc chéc”, vừa thoăn thoắt chuyền cành men theo bờ suối tìm kiếm đứa con bé bỏng. Anh Trường không nỡ hạ sát nó, lặng lẽ đứng xem. “Tao không ngờ vợ chồng khỉ lại yêu quý con đến thế! Cả hai bất chấp sự có mặt của tao và thằng Trí “khùng”, đi dọc theo bờ suối tìm kiếm đứa con bé bỏng. Nó cất tiếng kêu đớn đau thảm thiết lắm”. Anh Trường bảo với tôi.
“Rồi sao nữa? Chuyện hết hay còn?”. Thấy anh Trường nằm im trên võng, tôi sốt ruột hỏi. “Đương nhiên là còn nữa! Vì thế, tao khuyên mày đừng có bắn loài khỉ đen ấy…”. Anh Trường nói rồi tiếp tục câu chuyện bằng giọng trầm đều. Cặp vợ chồng khỉ di chuyển dọc theo hai bên bờ suối, khản cổ gọi con. Suối chảy không xiết lắm, lại có nhiều bụi cây rậm rạp chìa ra. Anh Trường và thằng Trí “khùng” cũng men theo bờ suối tìm kiếm con khỉ con nhưng chẳng thấy đâu. Sau một hồi chạy tới chạy lui dọc theo hai bên bờ suối, trong cơn tuyệt vọng, vợ chồng khỉ cãi nhau chí chóe. Con khỉ đực tỏ ra tức giận vô cùng, túm cổ con khỉ cái đánh đập không thương tiếc. Hình như con khỉ cái biết lỗi, cứ ngồi im chịu trận. Trút giận xong, con khỉ đực lại men theo bờ suối cất tiếng kêu “khẹc khẹc” gọi con. Con khỉ cái cũng bước đi tập tễnh trên đất, vừa chùi nước mắt, vừa vạch cây lá chìa ra bên bờ suối để tìm kiếm đứa con bé bỏng mà nó đã giật mình đánh rơi. “Tội quá! Khỉ mà cũng thương con như người…”. Thằng Trí “khùng” động lòng trắc ẩn thì thầm khiến anh Trường càng thêm ân hận. Giá như anh không giương súng bóp cò thì con khỉ vợ đâu phải gánh chịu trận đòn tàn bạo, con khỉ chồng cũng đâu nỡ phũ phàng ra tay với vợ như thế…
Lặng lẽ quan sát vợ chồng khỉ tìm kiếm đứa con trong vô vọng, anh Trường thầm mong nó không bị chết đuối.
Càng đứng xem càng buồn thêm, anh Trường toan rủ thằng Trí “khùng” ra về, đúng lúc đó con khỉ cái cất tiếng kêu “chéc chéc” liên hồi với vẻ mặt rạng rỡ. Con khỉ đực cũng vội “khẹc khẹc” lao tới. Con khỉ con không bị dòng nước cuốn trôi mất tích, nó đã bám được một nhánh cây chìa ra la đà sát mặt nước. Mình mẩy ướt như chuột lột, nó lạnh run kêu không thành tiếng. Được mẹ phát hiện, bồng ẵm vào lòng, nó cứ mấp máy đôi môi mỏng dính như muốn nói điều gì đó. Tìm kiếm được đứa con bé bỏng, vợ chồng khỉ mừng vui khôn xiết. Khỉ mẹ vừa cho con bú, vừa vỗ nhẹ vào mông cưng nựng. Khỉ cha dùng bàn tay to bè, thô ráp xoa xoa vào lưng con cho đỡ rét lạnh. Anh Trường và thằng Trí “khùng” cứ đứng ngây ra nhìn cảnh gia đình khỉ đoàn tụ sau khi tai nạn xảy ra. Chúng là loài vật nhưng lại thể hiện tình thương yêu dành cho con cái không khác gì loài người. Anh Trường vô tình giẫm phải cây củi khô tạo nên tiếng “rắc” gia đình khỉ giật mình ngó quanh. Bắt gặp hai kẻ suýt chút nữa đã gieo tang thương cho gia đình mình, vợ chồng khỉ mới sực nhớ ra mối hiểm họa vẫn còn trước mặt. Nhanh như cắt, khỉ mẹ ôm con tót lên ngọn cây cao, khỉ chồng ném cái nhìn căm hận vào hai kẻ bất lương trước khi biến vào vòm lá xanh um. Thằng Trí “khùng” bảo với anh Trường: “Gia đình khỉ này, quá may mắn khi mày điểm xạ. Nếu tao ra tay, chắc mày không nhìn thấy cảnh tượng khiến ai cũng phải mềm lòng”.
Không ngờ anh Đấu nằm trên chiếc chõng tre chăm chú lắng nghe anh Trường kể về vợ chồng khỉ ở cánh rừng rậm gần đập nước phía sau phum X’re Kaxan. Khi anh Trường kết thúc câu chuyện, anh Đấu bảo: “Mày giỏi bịa thật! Thằng Tài đừng có tin lời hắn”. Anh Trường vặc lại: “Anh không tin thì hỏi thằng Trí “khùng”. Hắn chứng kiến từ đầu đến cuối…”. Tôi vội can ngăn bằng cách dĩ hòa vi quý. Khi anh Đấu và anh Trường nằm ngủ, tôi ra chiếc bàn tre kê dưới gốc cây mã tiền sau nhà ngồi hút thuốc và nghĩ ngợi lan man. Hồi theo học lớp kế toán - tài vụ tại Trường Hậu cần Quân khu 5 ở chân núi Sơn Trà, tôi thấy nơi bìa rừng cũng có rất nhiều con cháu Tôn Ngộ Không. Chúng nhỏ con, lông màu hung vàng, sống theo bầy đàn khá đông. Thằng K., thằng Q. và tôi ra ghềnh đá ở bờ biển tắm táp, sơ ý là chúng quơ áo quần lục lọi rồi vứt tứ tung. Chúng rất dạn người và bắt chước cực giỏi. Có lần thằng Q. đem thau nhựa múc nước gội đầu, xong, hắn đổ ớt chỉ thiên đã giã nát bét vào thau nước, để đấy. Bầy khỉ thấy ba đứa tôi xuống biển bơi lội, chúng vội tót ra, tranh nhau vục vào thau nước gội đầu. Nước ớt chỉ thiên làm chúng cay xè mắt mũi, hai tay ôm đầu lăn trên bãi cát, kêu chí chóe. Ba đứa tôi được một trận cười nghiêng ngả.
Khỉ vàng phá phách như giặc tôi đã tận mắt chứng kiến ở chân núi Sơn Trà. Còn khỉ đen ở cánh rừng rậm gần đập nước phía sau phum X’re Kaxan đối xử với nhau như người với người trong một mái ấm gia đình mà anh Trường kể lại khiến tôi xúc động. May mà tôi đã không nổ súng hạ sát chúng khi cùng thằng Nho đi dạo lang trong cánh rừng rậm ấy…