Dù bất cứ bạn là ai, khi đặt chân đến Aur (xã A Vương, Tây Giang) đều được các gia đình trong làng nấu cơm đãi khách. Đến bữa ăn, mỗi nhà tự sửa soạn một mâm cơm của riêng mình mang đến gươl mời để thể hiện tấm lòng hiếu khách và tình cảm quý mến của mình.
Làng Aur nằm giữa rừng già nguyên sinh vùng lõi Khu bảo tồn Sao La rừng Bạch Mã, giáp ranh giữa hai huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) và huyện Tây Giang. Làng vừa được phát hiện và công nhận thuộc địa giới hành chính huyện Tây Giang năm 2000. Nhắc đến chuyện này, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: “Năm 2000, khi làng Aur mới được phát hiện, lúc cán bộ tư pháp vào làng để làm thủ tục giấy tờ khai sinh cho bà con gặp không ít khó khăn. Nhiều người già trong làng chẳng nhớ mình sinh năm nào, bao nhiêu tuổi…, chính vì thế, cán bộ tư pháp cứ nhìn mặt, nhìn dáng người mà đoán tuổi làm giấy khai sinh. Cụ nào có râu, tóc bạc, da nhăn nheo thì đồng loạt trên 60 tuổi; tóc còn xanh, dáng đứng còn thẳng thì 30, 40, cứ lấy tuổi chẵn làm mốc. Tiếp đến là làm giấy đăng ký kết hôn, căn cứ đang là vợ chồng trên thực tế mà làm giấy, nhiều đôi vợ chồng dù 70 tuổi mới làm đăng ký kết hôn, rồi kê khai hộ tịch, hộ khẩu, cứ đếm người trong gia đình mà làm sổ…”.
Hiện làng Aur có 24 hộ dân với 100% là người Cơ Tu. Làng sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đến nay vẫn chưa có điện, đường giao thông, muốn tới làng không còn cách nào khác là đi bộ trên con đường độc đạo vượt rừng núi gần một ngày đường hết sức hiểm trở. Chính điều kiện đi lại khó khăn nên cuộc sống trong làng gần như “tự cung, tự cấp”. Ngoài trồng lúa rẫy, sắn, bắp bà con còn tổ chức chăn nuôi bò, heo, gà, vịt và đi săn bắt các sản vật để phục vụ cuộc sống hằng ngày của mình. Do dựa vào điều kiện tự nhiên nên tính cố kết cộng đồng của người dân được thể hiện rất rõ, nhiều nét văn hóa độc đáo đã được người dân giữ gìn nguyên sơ mà nay khó có nơi nào có được. Trong đó, tục cả làng nấu cơm đãi khách là ý nghĩa nhất.
Có khách quý đến thăm, dân làng Aur làm thịt heo, nấu cơm mời khách. Ảnh: T.Đ |
Xưa nay khách bất kể từ đâu đến, khi vào gươl đều được các gia đình trong làng làm cơm và bưng cơm đến mời. Gia đình ăn gì cũng bưng cho khách. Riêng khách quý như cán bộ, bộ đội, cán bộ địa phương hoặc người có uy tín của các làng khác đến, họ đều làm xôi, giết gà, giết heo, bò, lấy rượu đãi khách. Người Cơ Tu đãi khách thường dành toàn bộ phần ngon cho khách. Thậm chí gia đình dù ăn sắn, ăn khoai nhưng đối với khách họ vẫn lấy xôi, nấu cơm cho khách dùng… Ngoài những món ăn do chính tay người dân lao động, sản xuất được cũng được người dân khoản đãi như các món thịt rừng phơi khô, sóc khô, cá niên khô…
Theo ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, làng Aur nằm ẩn mình trong vùng núi sâu trên dãy Tây Trường Sơn hùng vĩ, điều kiện tự nhiên, khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ quanh năm. Chính nhờ điều kiện tự nhiên ấy đã giúp người dân nơi đây hồn hậu, mến khách, gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số Cơ Tu. “Văn hóa ẩm thực của người Cơ Tu ở Tây Giang không chỉ là “đồ ăn, thức uống” đơn thuần, mà còn mang cả giá trị văn hóa của một dân tộc, nói lên tấm lòng hiếu khách, sự đoàn kết keo sơn, sự giao thoa hòa quyện cùng với vạn vật, thiên nhiên núi rừng nơi cộng đồng người Cơ Tu sinh sống. Tất cả giá trị văn hóa trong ẩm thực của đồng bào dân tộc đều thể hiện đức tính đằm thắm, mộc mạc của người Cơ Tu. Riêng văn hóa “cả làng làm mời cơm khách” của người Cơ Tu thì chỉ còn nơi đây gìn giữ được, điều này đã nói lên những tập tục đẹp sẽ luôn trường tồn mãi mặc cho đời sống người dân của làng còn rất nhiều khó khăn” - ông Bhling Mia chia sẻ.
T.ĐẠI - K.LINH