Có ai nghe tiếng thở dài?

Phóng sự của XUÂN THỌ 20/05/2017 08:37

Bà Lê Thị Nữ - Trưởng trạm Y tế xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) chăm chú lật từng trang “tử trạng”, nhẩm tính, rồi ngẩng đầu lên: “Năm 2013 và 2014 có 10 người, năm 2015 có 16 người, năm 2016 có 18 người, và tính đến tháng 4.2017, có 2 người”. Những con số thống kê về người chết vì ung thư ở xã Tam Hiệp, khép lại theo cái đóng trang sổ theo dõi mà bà Nữ vừa lần giở, mà tôi tưởng chừng như còn dài thăm thẳm.

Sau khi chủ nhân chết vì ung thư, căn nhà trở nên xơ xác. Ảnh: XUÂN THỌ
Sau khi chủ nhân chết vì ung thư, căn nhà trở nên xơ xác. Ảnh: XUÂN THỌ

1. Không mất quá nhiều thời gian, ông Nguyễn Đủ - Trưởng thôn Mỹ Bình (Tam Hiệp - Núi Thành) nói ngay: “Bảy người chết tất cả, từ năm 2005 đến nay, vì ung thư. Người chết gần đây nhất, là vào tháng 3 năm nay. Hiện có 2 người điều trị ung thư giai đoạn 1”. Con số ấy, là chỉ của riêng thôn Mỹ Bình. Tôi hỏi: “Có phải vì các nhà máy gây ô nhiễm, dẫn đến dân ở đây bị ung thư và chết nhiều như thế không?”. Ông cười: “Cũng chẳng biết nữa, vì mình có phải là chuyên gia để khẳng định điều đó đâu. Nhiều lần, có các đoàn về lấy các mẫu nước, không khí để đi xét nghiệm nhưng rồi cũng không rõ kết quả ra sao, nghe đâu là trong ngưỡng an toàn”.

“Kết quả”, là một sản phẩm được tạo nên bởi những quy trình mà ai cũng biết, chỉ cần thao tác nó ở thời điểm khác nhau, với những cách khác nhau thì trên cùng một địa điểm như thế, chắc hẳn sẽ có kết quả khác nhau. Và chỉ có người thực hiện xét nghiệm trên, mới biết nó được vận hành theo quy trình như thế nào. Chỉ có sự hoang mang, là dân biết rất rõ. Không hoang mang sao được, khi bỗng dưng số người chết vì ung thư cứ mỗi năm lại tăng. Và họ có lý do để nghi ngờ vào hệ thống xả thải của các nhà máy đặt trong Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Bắc Chu Lai… trên địa bàn xã Tam Hiệp.

Bên rìa khu tái định cư thôn Mỹ Bình, một xóm 12 nhà thì có đến 4 người chết vì ung thư. “Những nhà có người chết vì ung thư, đều dùng nước giếng khoan” - ông Đủ nhấn mạnh. Và ông Đủ biết rằng, ở khu vực này muốn có nước ngọt để dùng, thì phải khoan giếng sâu ít nhất 9m. Trong khi đó, ông là người từng tham gia xây dựng các bể chứa, xử lý nước thải cho các nhà máy, và hầu như, các bể này chỉ có độ sâu 6 - 8m. Nghĩa là cao hơn mức giếng khoan và theo nguyên lý của dòng chảy, thì ai cũng biết điều gì xảy ra. Nên mới đâm sợ, đi mượn tiền để ráng bắc đường ống dẫn nước sạch về. “Nhưng còn không khí?”. “Chao ôi là ớn” - ông Đủ khẽ rùng mình, rồi tiếp: “Cách đây một năm, khi nhà máy sô đa còn hoạt động thì mình ngồi trong nhà như ri, nhìn ra ngoài ngõ sẽ không thấy gì vì bụi mù mịt. Mùi thì khét, mắt thì cay xè”.

2. Tôi theo ông Đủ ra bìa thôn Mỹ Bình, đập vào mắt là một khung cảnh xác xơ. “Ở chòm này, chỉ 12 hộ dân nhưng có đến 4 người chết vì ung thư” - ông Đủ nhắc lại. Cũng là lúc chúng tôi đứng trước một căn nhà gần như bỏ hoang, bên cạnh là một căn nhà cũng… tương tự. Qua cửa sổ nhìn vào, chỉ nhìn thấy 2 di ảnh, đó là hai vợ chồng. Người chồng chết cách đây khá lâu, vì bị rắn độc cắn. Còn người vợ chết cách đây chỉ vài năm khi hơn 40 tuổi, vì ung thư. Khi bà chết, 2 đứa con chán cảnh, nên dường như bỏ mặc nắng mưa bạc phếch căn nhà.

Chúng tôi đi tiếp một đoạn, khung cảnh có vẻ tiều tụy hơn. Rồi theo con đường đất chính, đến một căn nhà gần cuối thôn. Đó là căn nhà của ông bà gia ông Đủ. Cả 2 đã chết vì ung thư: ông phát hiện ung thư cuối năm 2005, đến tháng 7.2006 thì chết; bà phát hiện ung thư đầu năm 2014, đến nửa năm 2015 thì chết. Người em vợ sợ quá, bèn chuyển lên sống ở căn nhà chếch về trước đó chỉ… vài bước chân. Mở cửa sổ dòm vào căn nhà đang bỏ hoang, thấy trống hơ trống hoác. Nhìn ra trước sân, có chút chưng hửng khi nghĩ rằng, trước đây chắc nó là một vườn cây sum sê trái. Nhưng giờ thì tất thảy đứng chả có chút gì gọi là sức sống của màu xanh lá cây. Liếc nhìn, ông Đủ lắc đầu: “Ông anh con bà cô vợ tui ở thôn Vĩnh Đại cũng vừa mới chết vì ung thư”.

Chồng chết vì ung thư, bà Vân phải nài lưng trả gánh nặng nợ nần.
Chồng chết vì ung thư, bà Vân phải nài lưng trả gánh nặng nợ nần.

Ung thư. Người chết thì đã đành, còn người sống thì ôi thôi, không biết đâu mà lần trong cái hoang mang mỗi ngày. Nhưng trước hết, họ phải nai lưng ra ráng “cày” mà trả nợ tiền vay để chạy chữa cho người thân. Mới nhìn vô căn nhà bà Phan Thị Thanh Vân (50 tuổi, thôn Mỹ Bình) tưởng đâu dư dả lắm. Hỏi mới biết nó được làm trước khi chồng bà chết vì ung thư. Nó là tất cả số tiền vợ chồng bà nhận được đền bù giải tỏa từ thôn Đại Phú sang. “Vậy mà làm nhà xong được 3 tháng, là ổng mất do ung thư” - bà Vân nhớ lại. Chồng chết, để lại cho bà gánh nặng là khoản nợ vài trăm triệu đồng đã vay, mượn để chữa trị và 3 đứa con. Cũng may, phần lớn số ấy là mượn từ người thân, bạn bè. Riêng số nợ 85 triệu đồng vay từ ngân hàng, sau 4 năm kể từ ngày chồng mất, bà mới trả được 20 triệu đồng.

Những gánh nặng kiểu ấy, gặp nhiều ở Tam Hiệp. Nhiều người tính đến chuyện bán nhà bán đất để trả nợ, nhưng ngặt một nỗi chẳng ai mua. “Mua làm gì ở cái chỗ ung thư này?” - ông Đủ thở dài hỏi ngược lại. Trong khi đó, bà Vân chỉ tay ra mảnh đất bên hông nhà, là của con gái bà. Mấy năm trước cũng rao bán, nhưng không bán được. Đành khuyên vợ chồng con gái ráng dành dụm làm cái nhà để ở. Giờ thì tôi hiểu, vì sao những căn nhà có người chết vì ung thư trở nên hoang tàn như thế. Cũng có mấy gia đình có điều kiện bỏ đi ở nơi khác, vì sợ. Nhưng số này rất ít, chỉ có 6 hộ: 1 hộ chuyển vào thị trấn Núi Thành, số còn lại chuyển đi Tam Kỳ.

3. Nỗi ám ảnh người chết vì ung thư giờ đã “di căn” sang thôn Thọ Khương. Tầm 3 - 4 năm trở lại đây, thôn này rải rác người chết vì ung thư, đến năm 2016, thì có đến 6 người. “Dân ở đây hoang mang lắm. Họ ngờ rằng do bị nhiễm từ nguồn nước thải xả ra bởi Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Mỗi lần họp, dân kiến nghị mãi, mà chả thấy tiến triển gì” - ông Hòa Trung Phong - Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thọ Khương lắc đầu. Cơ sở nghi ngờ nguồn nước gây ô nhiễm càng thêm rõ, khi số trâu liên tục bị sảy thai do uống nước lúc thả đồng. Từ tháng 10.2016 đến nay, đã có 13 trường hợp như thế. “Còn cá ở dòng kênh Thọ Khương thì chết miết. Mà chắc là sẽ không chết cá nữa đâu, vì nó đã chết hết rồi” - ông Phong tếu táo. Cả một cánh đồng Thọ Khương rộng 31ha, vụ đông xuân vừa rồi có đến 8,7ha phải bỏ hoang vì cứ sạ xuống là chết, không nảy nở gì được. Tại những khúc ruộng đó, ai để chân trần mà lội xuống, thì ngứa ngáy thôi rồi.

Cống xả thải công nghiệp mà dân Thọ Khương cho rằng nó là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước kênh Thọ Khương.
Cống xả thải công nghiệp mà dân Thọ Khương cho rằng nó là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước kênh Thọ Khương.

Bỗng ông Phong thở dài nặng trịch, khi hoài niệm về một cánh đồng bạt ngàn hoa sen ở xóm Cầu Xuổng. Thuở đó, tầm 3-4 năm về trước, đến mùa là sen ở đây đẹp lung linh. Mấy đôi uyên ương kéo nhau về chụp ảnh cưới. Riết rồi gọi là xóm “Hoa Sen”. Nhưng bây giờ thì còn chi nữa đâu. Sen ở đây chết hết, người dân mang sen nơi khác về nhưng cắm xuống là chết. “Bèo còn không sống nổi, huống chi là sen” - giọng ông Phong nặng trịch. Nguồn nước từ dòng kênh Thọ Khương để cung cấp cho cánh đồng cùng tên, được dân ở đây mua từ Tam Kỳ. Chỉ khi nào cần nước, thì họ mới thông báo để đối tác xả nước về. Lúc này chưa làm ruộng, mà nước vẫn cứ nhiều “là do chảy từ cống xả nước thải của Khu công nghiệp Bắc Chu Lai về” - ông Phong cho biết. Rồi ông dẫn chúng tôi đến cống xả thải đó. Phía trên cống xả thải này vài chục mét, là một cống khác dẫn nước mua từ Tam Kỳ về để dẫn vào kênh Thọ Khương. Nhìn mà rùng mình, bởi trước khi chảy vào dòng kênh Thọ Khương, thì nguồn nước mua này phải chảy qua cống xả nước thải công nghiệp.

Không ai phủ nhận cú hích tăng trưởng kinh tế do công nghiệp mang lại. Và cũng không ai lường hết được những mặt trái phía sau ống khói nhà máy. Nhưng có ai chịu lắng nghe những tiếng thở dài của dân ở những làng ung thư? Có ai chịu lắng nghe tiếng thở dài trên những cánh đồng đang suy tàn?

Phóng sự của XUÂN THỌ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có ai nghe tiếng thở dài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO