Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 1.203 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và 109 ổ dịch. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các địa phương: Hội An với 302 ca, Duy Xuyên có 208 ca, Thăng Bình có 102 ca, Quế Sơn: 118 ca và Điện Bàn: 99 ca. Với 38 ca mắc bệnh SXH trong tuần vừa qua, TP.Hội An trở thành địa phương có số ca mắc bệnh nhiều nhất và là một trong những vùng trọng điểm SXH trong tỉnh. Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh cho biết, trước tình hình hình dịch bệnh SXH có nguy cơ lan rộng, TTYTDP đã phối hợp cùng các cơ sở y tế địa phương nhanh chóng tiến hành dập dịch bằng các phương pháp như: phun thuốc diệt muỗi tại các ở dịch, ra quân diệt bọ gậy và tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân. “Ngay từ đầu năm, khi nhận định được tình hình dịch SXH năm nay diễn biến phức tạp, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác phòng ngừa. Để diệt muỗi dù tốn kém vẫn làm được, nhưng cái khó là diệt bọ gậy để triệt tận gốc đường lây bệnh cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng”- ông Hoàn nói.
Tại Duy Xuyên, tính đến ngày 17.9 trên địa bàn huyện đã xuất hiện 18 ổ dịch SXH, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải, Duy Châu, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước, đến nay cơ bản đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh lây lan trên diện rộng. “Chúng tôi đã tiến hành xử lý 25 điểm xảy ra dịch bệnh có chứa ổ dịch để ngăn ngừa bệnh có thể lan ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, tích cực kiểm tra, đôn đốc việc diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường dân cư để hạn chế đến mức tối đa dịch có thể tái diễn” - ông Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế Duy Xuyên cho hay. Đối với xã Duy Nghĩa được xem là một trong những ổ dịch của SXH trong nhiều năm nay đã được phun thuốc xử lý để khống chế dịch bệnh. Đối với những nơi đã từng bùng phát dịch SXH như: Núi Thành, Điện Bàn cơ bản cũng đã khống chế được dịch bệnh. Ông Phạm Công Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Núi Thành cho biết, hiện nay cơ bản huyện đã khống chế được dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Chỉ còn lác đác một vài trường hợp ở xã Tam Hòa cũng đã được điều trị, đồng thời tiến hành xử lý, phun thuốc với những ổ dịch cũ và không tái phát. Dịch SXH cũng lan nhanh ở Điện Bàn và khoảng tháng 6 tại 16/20 xã của thị xã với 31 ổ dịch, đến nay cơ bản cũng đã dập dịch thành công. Theo đó, 30/31 ổ dịch đã được khống chế; riêng ổ dịch còn lại đang tiến hành xử lý để tránh lây lan ra những vùng khác.
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, qua kiểm tra thực tế tại địa phương cho thấy công tác phòng chống dịch bệnh tại đây vẫn chưa được thực hiện tốt. Mặc dù ngành y tế cùng các cấp chính quyền đã chỉ đạo nhiều kế hoạch để xử lý khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, ý thức người dân địa phương chưa cao và thụ động trong việc phòng chống dịch bệnh SXH. “Xung quanh nhà người dân vẫn còn nhiều vật dụng phế thải tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi. Cạnh đó, người dân chưa nắm được sinh thái của muỗi gây SXH để phòng tránh…” - ông Văn cho biết.
NGUYỄN DƯƠNG- QUỲNH TRÂN