Cơ chế chi trả bảo vệ rừng: Tháo gỡ những bất cập

TRẦN HỮU 06/12/2018 02:44

Đơn giá chi trả tiền bảo vệ rừng (BVR) mỗi nơi có sự chênh lệch lớn; những bất cập trong mô hình giao khoán BVR sẽ được tháo gỡ sau khi đề án quản lý, BVR trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020 được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Cộng đồng giữ rừng ở xã Sông Kôn (Đông Giang) tuần tra bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ Sông Kôn.Ảnh: H.P
Cộng đồng giữ rừng ở xã Sông Kôn (Đông Giang) tuần tra bảo vệ rừng tại rừng phòng hộ Sông Kôn.Ảnh: H.P

Nhiều diện tích rừng chưa hưởng lợi

Theo Sở NN&PTNT, diện tích rừng tự nhiên do UBND xã quản lý khá lớn (37.609ha), nhưng đến nay vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí để quản lý, BVR. Vì vậy dẫn đến tình trạng quản lý thiếu hiệu quả diện tích đất rừng. Một số chương trình, dự án có đơn giá khoán BVR chênh lệch lớn. Ví dụ theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg là 100 nghìn đồng/ha/năm; theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP có lưu vực chỉ 38 nghìn đồng/ha/năm; chi trả dịch vụ môi trường rừng 421 nghìn đồng/ha/năm; khoán BVR theo Quyết định số 886/QĐ-TTg: 331 nghìn đồng/ha/năm; khoanh nuôi BVR 658 nghìn đồng/ha/năm; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP là 428 nghìn đồng/ha/năm; dự án KFW10 là 300 nghìn đồng/ha/năm; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg 100 nghìn đồng/ha/năm… Vì có sự chệnh lệch đơn giá lớn giữa các chính sách (từ mức 38 nghìn đồng/ha đến 640 nghìn đồng/ha) làm cho các hộ nhận khoán ở khu vực liền kề có sự so đo về quyền lợi. Nghịch lý ở chỗ: có nơi người trực tiếp BVR và người không tham gia vẫn được nhận tiền như nhau. Ngành lâm nghiệp đã đánh giá cụ thể được - mất của từng mô hình giao khoán, nhưng thực tế địa phương, chủ rừng này vận dụng mô hình giao khoán cho cộng đồng hiệu quả; nhưng cũng có không ít chủ rừng, địa phương khác triển khai mô hình này thì thất bại. Hiện một số mô hình giao khoán cho cộng đồng và lập tổ tuần tra BVR hiệu quả như mô hình tổ tuần tra tại Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sao la; Đội BVR xã Tam Trà (Núi Thành) của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh; giao rừng cho cộng đồng theo dự án KFW10. Tính đến nay, số tiền đến chủ rừng 165,8 tỷ đồng, số tiền đến người BVR là 128,3 tỷ đồng, bình quân mỗi người nhận 4,8 triệu đồng/năm.

Theo UBND tỉnh, giai đoạn 2019 - 2020, các địa phương miền núi sẽ từng bước chuyển những diện tích thực hiện giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư hiện nay sang hình thức chủ rừng tự tổ chức quản lý BVR.  Riêng với diện tích rừng do UBND xã quản lý được chuyển giao lại cho ban quản lý rừng quản lý thông qua các tổ tuần tra BVR của cộng đồng dân cư thôn của xã đó. Chủ rừng chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý BVR và thực hiện các hoạt động lâm sinh trong phạm vi rừng được giao quản lý. Phát hiện và đề nghị các kiểm lâm địa bàn xử lý vi phạm trên toàn lâm phận quản lý; trường hợp để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái quy định pháp luật mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì ban quản lý rừng được giao trách nhiệm quản lý rừng phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Bổ sung tiền cho lưu vực đơn giá thấp

Với các khu vực có đơn giá BVR thấp, trên cơ sở đơn giá đến chủ rừng năm 2018, trong đề án quản lý BVR bổ sung kinh phí cho năm 2019 - 2020 đối với diện tích có đơn giá thấp hơn 400 nghìn đồng/ha/năm. Còn với diện tích có đơn giá từ 400 nghìn đồng/ha/năm trở lên thì không bổ sung và giữ nguyên theo đơn giá hiện tại và không chuyển qua lưu vực khác. Đơn cử giữ nguyên đơn giá ở lưu vực thủy điện Đắk Drinh 635 nghìn đồng/ha/năm; thủy điện Sông Tranh 3 là gần 2,6 triệu đồng/ha/năm; thủy điện A Vương – Za Hung 644 nghìn đồng/ha/năm; thủy điện Sông Kôn 2 là 492 nghìn đồng/ha/năm. Như vậy, năm 2019 sau khi nâng đơn giá BVR đạt mức 400 nghìn đồng/ha/năm thì đơn giá bình quân chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh 458 nghìn đồng/ha/năm.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi, số lượng thành viên đội tuần tra BVR của cộng đồng dân cư thôn xác định trên cơ sở diện tích, đơn giá giao khoán nhưng phải đảm bảo không thấp hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Đội tuần tra BVR của cộng đồng tối thiểu phải từ 3 người trở lên để đảm bảo tuần tra rừng. Tuy nhiên, đối với những cộng đồng có diện tích rừng dưới 300ha thì mức lương 3 triệu đồng/người/tháng là không đủ để trả cho đội tuần tra BVR của cộng đồng. Góp ý cho đề án, theo chính quyền huyện Tây Giang, đề án trong giai đoạn ngắn hạn (2019 - 2020) đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của cơ chế chính sách chi trả liên quan đến BVR; đồng thời tạo ra sự đột phá trong quản lý, sử dụng hiệu quả về tài nguyên đất đai.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, giải pháp căn cơ là các ban quản lý rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn rà soát, lập thủ tục đề nghị giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích được giao quản lý; tổ chức xác định lại ranh giới trên bản đồ và thực địa.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ chế chi trả bảo vệ rừng: Tháo gỡ những bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO