Có hẹn với sương và đá

HỨA  XUYÊN HUỲNH 08/12/2018 02:49

Như bao người đã lên Sa Pa, tôi mang theo nỗi háo hức được hẹn hò với sương và đá vùng Tây Bắc. Để bây giờ ngồi nhớ lại, những màn sương bay qua hay những mỏm đá nhô lên sao thấy khang khác với những trang viết cũ…

Nhà thờ đá Sa Pa, nhìn từ xa. Ảnh: H.X.H
Nhà thờ đá Sa Pa, nhìn từ xa. Ảnh: H.X.H

1. Ít nhất 3 lần tôi bật dậy chạy ra khỏi phòng, vì sực nhớ lúc này hình như  sương đang lan nhanh ngoài kia...

Nhà văn gốc Duy Xuyên (Quảng Nam) Nguyễn Thành Long từng viết về sương và mây Sa Pa từ năm 1970 rất hay, trong “Lặng lẽ Sa Pa”. Nhưng đọc truyện ông viết, nhiều người chỉ nhớ nhân vật chính - một cán bộ khí tượng trẻ tuổi. Cùng lắm nhớ thêm nhân vật ông họa sĩ, cô gái đi cùng chuyến, bác lái xe, kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khoa học chuyên theo dõi sét… Ít người nhớ sương, mây rất lạ trong truyện. Nhà văn Nguyễn Thành Long viết rằng, “mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”.

Lên Sa Pa, tôi cũng bị sương Lào Cai, sương Tây Bắc “ám”. Buổi chiều muộn nép mình bên quán cà phê nhìn ra phía trước công viên “chờ” sương, thấy những phụ nữ Dao, Mông, Tày, Giáy, Xá Phó… ngồi lặng lẽ bên cạnh món hàng nào đó, tay thoăn thoắt đan, có cảm giác không gian đang quánh đặc. Mặc người xe qua lại nhộn nhịp, họ vẫn ngồi đó, im lặng. Thi thoảng mới có khách dừng chân. Thế rồi, sương từ đâu lan tới, nhè nhẹ, thêm mươi phút nữa thì lao nhanh. Bóng người phía trước mờ hẳn… Sương mù đậm đặc trôi ngang qua phố. Đường Thạch Sơn và Xuân Viên như nới ra để bao bọc lấy công viên Sa Pa, đến cuối công viên thì mỗi đường lại tách hẳn ra, “rẽ” sang một nhánh mới bởi phía trước đã là một cụm phố khác. Riêng “dòng” sương mù cứ thế tuồn theo khoảng trống, men theo đường Xuân Viên dẫn ra hướng hồ Sa Pa đẹp như tranh vẽ về đêm...

Sa Pa trong lành nên sớm được chọn lựa làm nơi nghỉ mát. Có sách chép, mùa đông năm 1903, trong khi đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở Địa lý Đông Dương đã khám phá cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Thị trấn Sa Pa ra đời từ đây… Tôi vừa nhắc đến tên gọi “lạ”, Sa Pả. Đó là tên gốc từ tiếng Mông, “Sa Pả” nghĩa là “bãi cát”, hiện có một xã nằm ngoài địa phận thị trấn Sa Pa vẫn đang lưu giữ tên này… Nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng theo một đoàn điều tra tài nguyên đất nước hồi năm 1964, ngủ lại hai đêm trên đỉnh Hoàng Liên. Ở trên đó, lúc mây vần gió giật, dông bão và mưa to, ông sực nhớ thị trấn nghỉ mát Sa Pa “1.500 thước ở dưới chân mình” trời mùa hè vẫn quang quẻ và tươi nắng. Ông viết ý này trong bút ký “Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy”, in trong Tuyển tập Nguyễn Tuân.

Mây sương Sa Pa lâu nay “đọng” lại trong tôi chủ yếu qua những bức ảnh đen trắng chụp nhà thờ đá ẩn hiện, lần này thì trôi qua trước thềm quán cà phê Dao đỏ. Khi màn sương trùm lên nhà thờ đá, che khuất khuôn mặt những đứa trẻ xúng xính váy áo qua lại, phủ lên đỉnh núi Hàm Rồng phía sau và thung lũng Mường Hoa ngoài kia…, cũng là lúc nhóm khách dưới xuôi chậm rãi rót rượu táo mèo ở góc quán cạnh nhà thờ. Bên kia đường Phan Xi Phăng, phía gần đối diện, những phụ nữ lớn tuổi vận trang phục dân tộc thiểu số cũng bắt đầu trốn vào “lều” bên vệ đường, nơi chứa lỉnh kỉnh những món đồ lưu niệm chờ khách mua. Tự nhiên nghe men rượu xộc lên, cay xè mắt.

2. Tôi mang theo cuốn Sông Đà của Nguyễn Tuân, có đăng tùy bút “Người lái đò sông Đà” danh tiếng và đoạn “Sông Đà đỏ” thay lời bạt cuối sách cho lần in thứ hai năm 1978. Thực ra cuốn này Nguyễn Tuân viết nhiều về Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Nhưng tôi muốn tìm lại trong trang sách của ông về đá Tây Bắc. Bởi ông từng ví vùng Tây Bắc là cái thảm đá, cái giường đá. Ngõ trên vùng Tây Bắc là cả một triền núi. Ông nhìn những ngôi nhà người Mèo cứ “chênh vênh trong nền mây như những cái tổ phượng hoàng đá”. Và có lần Nguyễn Tuân bảo, đá Tây Bắc dường như mỗi năm một trồi lên…

Chỗ mà tôi vừa nhìn qua, ở khoảng trống trước mặt nơi công viên Sa Pa, đúng là có nhiều mỏm đá nổi. Nhiều người bản xứ ngồi hẳn lên đấy để chăm giò lan rừng mang xuống bán, hay thản nhiên ngồi đan chờ khách. Không ai có ý định “vạt” những mỏm đá ấy phẳng đi. Mỏm đá dường như đang hiện diện cùng họ để nhắc khách dưới xuôi nhớ rằng mình đang ở Sa Pa.

Tôi cũng có hẹn với đá Sa Pa theo cách ấy.

Một người bạn rủ rê nên tới thung lũng Mường Hoa, nơi người ta đếm được 196 hòn đá chạm khắc hình kỳ lạ mà các nhà khảo cổ học vẫn chưa giải mã được. Có người đòi dạt ra hướng đông bắc, đến động Tả Phìn xem nhũ đá. Người khác muốn leo các bậc dốc lên núi Hàm Rồng nhìn xuống trung tâm thị trấn… Nhưng tôi từ chối, cứ quẩn quanh bên nhà thờ đá. Không hẳn để xem các phiến đá đẽo nơi đây dùng xây tường, tháp chuông, kể cả bờ kè xung quanh. Cũng không có ý hình dung gần một thế kỷ qua hỗn hợp của cát, vôi và mật mía đã gắn kết các phiến đá ra sao giữa xứ lạnh. Mà như một kẻ muốn lọt vào bên trong để được “nhìn” trọn vẹn di tích cũ kỹ luôn im ỉm khóa. Có nhiều mốc lịch sử xây cất công trình “từ đầu thế kỷ 20” này, nhưng bảng thông tin gắn trước tường nhà thờ ghi rõ nhà thờ Đức mẹ Mân Côi xây dựng năm 1926, hoàn thành năm 1935, trùng tu hai lần kể từ năm 1995.

Cuối cùng tôi cũng vào bên trong công trình dựng theo phong cách kiến trúc Gothic. Hôm ấy sáng Chủ nhật, nhà thờ mở cửa để giáo dân đi lễ. Nhìn mái vòm nhọn cao vút, bên ngoài chỉ loang loãng sương, lần đầu tiên tôi thấy mây và đá Sa Pa như lẫn vào nhau…

HỨA  XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Có hẹn với sương và đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO