Chuyện Quỹ đầu tư phát triển (kể cả ủy thác) “sống” chủ yếu nhờ lãi từ tiền gửi ngân hàng đã nhiều lần bị chất vấn. Để tồn tại hay giải thể quỹ là vấn đề đã nhiều lần đặt lên bàn nghị sự nhưng chưa có câu trả lời cuối cùng. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, Nghị định 147 mới ban hành sẽ là cơ hội cho các quỹ này trở thành một trong những động lực đóng góp vào sự phát triển của Quảng Nam.
Linh hoạt phát huy hiệu quả
* PV:Ông cho biết, cơ quan quản lý nhận định gì khi có quá nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển thiếu hiệu quả (kể cả nguồn vốn ủy thác)?
Ông Đặng Phong: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp cho Quỹ đầu tư phát triển đến nay rất hạn chế, chỉ khoảng 178,4 tỷ đồng, chưa đến 27%/tổng vốn hoạt động, nhưng quỹ này đã phát huy được hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước giao nhờ huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách. Thêm 326,4 tỷ đồng, chiếm 50%/tổng vốn hoạt động của quỹ từ huy động đã đầu tư, góp vốn, cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực ưu tiên đầu tư, cho vay của địa phương, tạo ra tổng chênh lệch thu chi 149,3 tỷ đồng (chiếm 23% tổng vốn hoạt động) bổ sung vốn Nhà nước tại quỹ.
Vốn Nhà nước tại quỹ đã được bảo toàn, phát triển tăng thêm 83% so với vốn ngân sách cấp ban đầu sau 10 năm hoạt động. Có thể nói đầu tư, cho vay, góp vốn của quỹ đã trở thành vốn mồi quan trọng để thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, đúng mục tiêu ban đầu khi thành lập quỹ. Hiện quỹ đã cho vay 57 lượt dự án, đầu tư trực tiếp 3 dự án, góp vốn thành lập 1 doanh nghiệp để đầu tư 3 dự án với tổng mức vốn quỹ đã tham gia hơn 1.380 tỷ đồng. Con số này gấp 7,76 lần vốn ngân sách Nhà nước cấp, thu hút nguồn vốn tư nhân đầu tư các dự án hơn 5.000 tỷ đồng. Mỗi đồng vốn hoạt động của quỹ cho vay, góp vốn đã thu hút hơn 3,6 đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.
Việc nhận ủy thác, quản lý hoạt động và nguồn vốn các quỹ sau khi sắp xếp, kiện toàn (Quỹ phát triển đất, hỗ trợ ngư dân và bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ) đã từng bước ổn định, chuyên nghiệp, tiết giảm hoàn toàn biên chế, trụ sở làm việc và giảm đáng kể chi phí hoạt động cho ngân sách Nhà nước bố trí cho các Quỹ này.
Những thống kê trên đã có thể chứng minh về tính hiệu quả của các quỹ này.
* PV:Nói như vậy, không phải tại thiếu năng lực mà cơ chế, chính sách “không rõ ràng” đã trở thành “rào cản” của quỹ?
Ông Đặng Phong: Hoạt động đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư của quỹ này đã bị HĐND tỉnh cắt giảm. Từ năm 2018, quỹ chỉ còn hoạt động cho vay một số lĩnh vực quá hẹp và đầy rủi ro về mặt chính sách và thị trường. Toàn bộ hoạt động đầu tư phải dừng lại để bàn giao cho đơn vị khác tiếp tục thực hiện, thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp đã tham gia góp vốn là chưa phù hợp với mục tiêu thành lập quỹ và quy định hiện hành của Chính phủ.
Vốn điều lệ (178,4 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu của quỹ (324 tỷ đồng) là rất thấp với hoạt động của một tổ chức tài chính của địa phương. Số vốn này đã khiến quỹ không thể đáp ứng được nhu cầu vay 80%/tổng mức đầu tư đối với một dự án có tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Không thể quyết định đầu tư trực tiếp, góp vốn các dự án có tổng mức đầu tư vượt quá 150 tỷ đồng theo quy định của Chính phủ.
Kết quả ứng vốn nguồn vốn của quỹ hạn chế. Nguồn vốn nhàn rỗi lớn. Có nhiều nguyên nhân, cụ thể: các dự án ứng vốn địa phương đăng ký đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục, nhưng khi thực hiện thì đa số dự án gặp rất nhiều vướng mắc về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư chậm trễ, không thể đáp ứng yêu cầu phê duyệt kế hoạch ứng vốn của quỹ. Nhiều dự án đã được phê duyệt kế hoạch ứng vốn nhưng thực tế giải ngân không hết hoặc giải ngân rất chậm do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vai trò của Trung tâm Phát triển quỹ đất các địa phương trong việc tạo lập, phát triển quỹ đất (thuộc đối tượng ứng vốn của quỹ phát triển đất) chưa được cấp có thẩm quyền phát huy.
Đối tượng cho vay hỗ trợ tài chính từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ ngư dân bị thu hẹp do hạn mức đóng tàu mới có công suất lớn theo quy định của Bộ NN&PTNT cấp cho Quảng Nam trong năm 2020 đã hết. Trong năm 2020, chỉ giải quyết cho vay đối với một số tàu còn hạn ngạch, HĐND tỉnh chưa có quy định mở rộng đối tượng cho vay mới từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ ngư dân nên đối tượng cho vay không còn.
Cơ chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng vừa và nhỏ không phù hợp với thực tiễn. Các doanh nghiệp không có nhu cầu, hoặc có nhu cầu cũng không thể đáp ứng được điều kiện do Chính phủ quy định nên quỹ này không thể triển khai được!
Cơ hội mới
* PV:Theo ông, nếu cứ tiếp tục tồn quỹ lớn, chủ yếu lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng, thì liệu có phải đi đến chuyện giải thể các quỹ này?
Ông Đặng Phong: Không thể nhìn vào những con số cộng trừ của quỹ. Nhìn những con số ấy có thể đánh giá không phù hợp hay thiếu hiệu quả. Sẽ là thiếu khách quan bởi cần phải đánh giá cả quá trình hoạt động của quỹ. Thiếu địa vị pháp lý, cơ chế hoạt động chưa được hướng dẫn rõ ràng (không văn bản cụ thể), thiếu sự thống nhất mô hình hoạt động, tổ chức bộ máy hay sự phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể từ trung ương đến từng địa phương không rạch ròi, quy định các lĩnh vực đầu tư, danh mục cho vay cứng nhắc, không tương thích với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Trong bối cảnh đầu tư trực tiếp, cho vay đều bị khó khăn, nhưng quỹ này vẫn đạt mục tiêu, hiệu quả bảo toàn, phát triển vốn… là một thành công!
Chỉ trừ Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thống nhất giải thể, bổ sung vào vốn điều lệ của Quỹ đầu tư phát triển thì chuyện tồn tại của quỹ này không còn bàn cãi nữa. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây Trung ương ban hành Nghị định 147 (thay thế các nghị định cũ), thêm cơ chế để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho quỹ phát triển mạnh mẽ, đúng mục tiêu (Nghị định yêu cầu ngân sách Nhà nước phải đảm bảo tối thiểu 300 tỷ đồng vốn điều lệ). Điều ấy đủ thấy sự cần thiết để tồn tại của quỹ này nhằm góp phần vào phát triển địa phương, thu hút vốn từ khu vực tư nhân vẫn là điều cần thiết.
* PV:Kế hoạch sẽ như thế nào khi tiếp nhận cơ hội từ nghị định mới, thưa ông?
Ông Đặng Phong: Nghị định 147 chưa thể tháo gỡ hết những khó khăn, vướng mắc, nhưng sẽ “giải quyết” được nhiều ách tắc. Nghị định này đã trao quyền cho địa phương quy định trực tiếp về đầu tư, góp vốn từng lĩnh vực, mở rộng danh mục cho vay, cân đối tùy theo tình hình phát triển kinh tế địa phương. Sở Tài chính đã chỉ đạo cho các quỹ này có cơ hội tập trung vào 2 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến những dự án tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, phục vụ đầu tư, phát triển cho các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Đây là 2 lĩnh vực Quảng Nam cần nhất. Cho vay cũng sẽ được mở rộng bằng việc tập trung cho các địa phương vay tiến hành nhanh chóng việc giải phóng mặt bằng để đầu tư các dự án đầu công lẫn thu hút nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Nhu cầu vốn sẽ không chỉ dừng ở mức độ tổng vốn như hiện nay mà sẽ tăng lên gấp 2 hay 3 lần, lên cả hàng nghìn tỷ đồng!
Sự đổi mới, cơ hội từ Nghị định 147, quyết tâm của Sở Tài chính trong quản lý điều hành, chỉ đạo cùng với việc “hy vọng” sẽ thay đổi nhận định của tỉnh, sẽ giúp cho quỹ mở rộng hoạt động, sẽ làm cho tốc độ chu chuyển vốn tăng lên nhiều lần, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, địa phương có đủ nguồn lực để giải phóng mặt bằng, tạo ra quỹ đất sạch, xây dựng các khu tái định cư, phục vụ các dự án đầu tư công và tư nhân.
Có thể trước đây, Trung ương ấn định danh mục nhất định, về địa phương lại thu hẹp một lần nữa gây khó cho quỹ. Giờ quyền lực đã trao về địa phương. Có đủ cơ hội và thẩm quyền quyết định rồi nên cũng mong có hướng mở cho các quỹ thực hiện đúng chức năng, đúng pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn tối đa. Nhưng tất cả phải chờ, tùy thuộc sự thống nhất quan điểm của tỉnh. Hy vọng kể từ đây, hình ảnh các quỹ đầu tư ngoài ngân sách sẽ thay đổi mạnh theo hướng hiệu quả hơn trong bảo toàn, phát triển vốn, trở thành động lực đầu tư hạ tầng, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, địa phương có nhu cầu về vốn giải phóng mặt bằng, nhanh chóng tạo ra quỹ đất sạch và các khu tái định cư, tạo đà cho thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Nam.