Cơ hội Hà Quảng Bắc

KHÁNH LINH 09/06/2015 08:38

Làng Hà Quảng Bắc (Điện Dương, Điện Bàn) như một nét điểm xuyết trên cung đường di sản miền Trung cùng những kỳ vọng về một làng du lịch cộng đồng.

Phát triển thận trọng

Khối phố Hà Quảng Bắc có diện tích 95,5ha với khoảng 365 hộ dân nằm bình lặng trên cung đường kết nối Đà Nẵng và Hội An. Bao đời nay, cuộc sống người dân gắn liền với biển cùng những công việc chài lưới, đánh bắt hải sản gần bờ. Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa 2 trung tâm du lịch của miền Trung, Hà Quảng Bắc còn sở hữu nhiều tài nguyên du lịch nổi bật, nơi có bãi biển dài thoáng rộng hoang sơ cùng các giá trị văn hóa, làng nghề và những lễ hội miền biển. Kể từ khi dự án đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng bị đình chỉ thu hồi, Hà Quảng Bắc trở thành nơi lý tưởng để phát triển loại hình du lịch cộng đồng nhằm không chỉ giữ làng nguyên vẹn, thay đổi sinh kế người dân mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa miền biển. Ông Lê Văn Miên - Trưởng khối phố Hà Quảng Bắc tâm sự, thông tin về dự án phát triển du lịch cộng đồng tại làng khiến người dân ai cũng vui mừng vì từ đây họ sẽ không còn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ giải tỏa và quan trọng hơn là sẽ tiếp tục được gắn bó trên chính mảnh đất, nhà cửa của mình cùng những kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp hơn khi làng làm du lịch.   

Tiềm năng du lịch làng Hà Quảng Bắc được các chuyên gia UNESCO đánh giá cao.Ảnh: K.L
Tiềm năng du lịch làng Hà Quảng Bắc được các chuyên gia UNESCO đánh giá cao.Ảnh: K.L

Thực tế, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Điện Dương cũng như Điện Bàn, Hà Quảng Bắc luôn là một trong những điểm được quan tâm vì sở hữu những giá trị đặc thù. Theo ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, lợi thế của Hà Quảng Bắc chính là những giá trị văn hóa còn nguyên vẹn về một làng chài truyền thống với những hoạt động gắn liền biển. Hướng phát triển bền vững nhất của Hà Quảng Bắc thời gian tới chính là du lịch cộng đồng. “Làm tốt mô hình này cũng là cách minh chứng rằng đô thị hóa không có nghĩa là chúng ta giải tỏa hết tất cả để rồi sau đó đi phục dựng lại. Tập trung phát triển đô thị nhưng vẫn giữ bản sắc làng quê kết hợp nhiều yếu tố khác để phát triển bền vững hơn, đó cũng là cách tư duy mới, nếu làm tốt có thể nhân rộng ra nhiều địa phương khác” - ông Thanh nói.

Để triển khai những bước đi trên, thời gian qua huyện Điện Bàn đã mời một số tổ chức quốc tế, lữ hành như UNESCO, JICA (Nhật Bản), Tổ chức Tái định cư và con người Liên hiệp quốc… đến khảo sát tìm ra phương thức phát triển du lịch phù hợp nhất cho Hà Quảng Bắc. Cùng với đó, công tác quy hoạch, sắp xếp lại làng du lịch cũng được triển khai xúc tiến để khi có những điều kiện thuận lợi nhất sẽ bắt tay vào xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng.

Triển vọng của làng

Mới đây, trong chuyến khảo sát của đoàn chuyên gia UNESCO đến Hà Quảng Bắc, TS. Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đánh giá, Hà Quảng Bắc là một trong số ít làng chài có lợi thế nổi trội còn lại dọc các bờ biển miền Trung. Nếu khai thác hợp lý, bài bản sẽ thu hút khách, nhất là đối tượng khách lẻ đến tham quan, trải nghiệm… “Tôi nghĩ phát triển du lịch Hà Quảng Bắc theo mô hình cộng đồng là phù hợp để khách có thêm trải nghiệm về những hoạt động làng chài. Ngoài ra, qua khảo sát sơ bộ tôi cũng thấy nơi đây có nhiều điểm lịch sử văn hóa như nhà thờ tộc, đình, lăng… những cái đó nếu biết biến thành câu chuyện mang đậm màu sắc văn hóa của làng  kể cho du khách thì cũng có thể khai thác được” - TS. Hạnh góp ý.

Cũng theo TS. Dương Bích Hạnh, dù Hà Quảng Bắc không thuộc diện nông thôn mới nhưng về cấu trúc đây vẫn chỉ là một làng nông thôn hay đúng hơn là một làng chài truyền thống có đậm chất nông thôn, điều này cũng là một thuận lợi để UNESCO có thể hỗ trợ theo khía cạnh nông thôn mới. Tuy nhiên, sự hỗ trợ không phải là xây dựng bao nhiêu mét đường hay làm mấy cái trường… đây không phải  lĩnh vực của UNESCO và cũng không được tổ chức này khuyến khích vì sẽ làm phá vỡ các yếu tố văn hóa truyền thống. UNESCO chỉ hỗ trợ về chuyên môn như quy hoạch, phát triển một số dịch vụ, sản phẩm du lịch; chỉnh trang lại đường làng, ngõ xóm, thổi những câu chuyện vào sản phẩm du lịch, biến mỗi sản phẩm du lịch thành một câu chuyện; hỗ trợ những mẫu mã và cách sản xuất những sản phẩm du lịch gắn liền với đặc trưng của làng cũng như nâng cao các kỹ năng người dân trong việc đón khách du lịch… “Nói chung sự hỗ trợ rất đa dạng và còn phụ thuộc làng cần cái gì và có thế mạnh gì, lúc đó mới có thể đưa ra được các hoạt động cụ thể nhằm sử dụng các nguồn lực văn hóa để biến thành cái người dân có thể hưởng lợi được. Ngoài ra, mọi việc làm phải có sự đồng thuận, ý kiến của dân, đây sẽ là một quá trình và là bài toán không dễ đòi hỏi nhiều bên cùng tham gia giải quyết” - TS. Hạnh nói.

Hướng phát triển của một làng du lịch cộng đồng đã được phác họa để tương lai không xa những kỳ vọng về sự đổi thay của Hà Quảng Bắc sẽ  thành hiện thực nhằm tạo nên nét khác biệt trên trục ven biển Điện Bàn. Đồng thời dự án cũng sẽ mở ra hướng tiếp cận mới trong việc khai thác lợi thế các bãi biển làm du lịch để người dân thực sự trở thành chủ thể hưởng lợi từ chính những tài nguyên văn hóa, thiên nhiên của mình, đó mới chính là sự phát triển bền vững.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội Hà Quảng Bắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO