Việc Quảng Nam (cùng với Kon Tum) được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” đã mở ra triển vọng vươn ra thị trường lớn đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Sâm được bảo hộ thương hiệu
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, trước tình trạng sâm giả diễn ra tràn lan, gây ảnh hưởng tới thương hiệu sâm Ngọc Linh, loài dược liệu quý hiếm của vùng núi rừng Trà Linh, Nam Trà My thì CDĐL là dấu hiệu của sản phẩm trí tuệ, được bảo hộ và là thương hiệu mang tính quốc tế. Như vậy, tới thời điểm này, Quảng Nam đã có hai CDĐL được bảo hộ là quế vỏ Trà My (đang làm thủ tục đăng ký CDĐL ở nước ngoài) và sâm củ Ngọc Linh. “Sắp tới đây, sẽ tiến hành gắn CDĐL lên sâm Ngọc Linh, nếu không có cái này thì tuyệt đối không phải là sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, đây là lần triển khai đầu tiên, rất vất vả. Cần phải tiến hành xây dựng một hiệp hội sâm Ngọc Linh chung cho hai tỉnh, mà trước hết là phải thành lập cho được hiệp hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Mọi việc cần tiến hành nhanh, không thể chậm trễ thêm được” - ông Tích nói.
Trên đỉnh Ngọc Linh. Ảnh: H.Liên |
Quảng Nam có 7 thôn nằm trong vùng CDĐL, đáp ứng các tiêu chí đặc thù về CDĐL như: hình thái, tính chất đặc thù về sản phẩm; tính chất đặc thù về điều kiện địa lý. Sâm Ngọc Linh có 59 hợp chất saponin và hàm lượng tăng dần khi cây đạt từ 5 tuổi trở đi. Cây sâm mọc trên đỉnh núi Ngọc Linh có độ cao 1.800 - 2.500m, có độ phân cách mạnh, độ dốc lớn, có nhiều thung lũng hẹp và sâu. Vùng này có lượng mưa trung bình cả năm 2.800 - 3.400mm, ẩm độ trung bình 85,5% - 87%, nhiệt độ trung bình hằng năm ở đây 14 - 18oC. Trong khi các loại sâm Triều Tiên, Trung Quốc phân bố ở vùng ôn đới, từ 23 độ vĩ Bắc trở lên thì sâm Ngọc Linh lại phân bố ở phần nhiệt đới, từ 14 độ vĩ Bắc trở lên. Sự khác biệt này tạo nên những đặc thù về chất lượng, đặc thù về hình dáng, cũng như những hoạt chất mà các loài sâm khác không có được…
Từ loài dược liệu từng nằm trong Sách đỏ Việt Nam, sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học trong và ngoài nước và chính quyền địa phương nỗ lực bảo tồn, phát triển từ các đề tài, dự án, chương trình thiết thực suốt mấy chục năm qua. Gần đây nhất, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cụ thể, Nghị quyết 114 về cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 395/QĐ-UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng tới năm 2030; Quyết định số 2821/QĐ-UBND về cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014 - 2020… Đặc biệt, Đề án sâm Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt năm 2015, mở ra cơ hội cho vùng sâm và người trồng sâm, doanh nghiệp tham gia trồng sâm.
Đặc thù về hình thái sâm Ngọc Linh. |
Phát huy giá trị của sâm
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ, khi Đề án sâm Việt nam được phê duyệt, tỉnh đã có quy hoạch vùng sâm rộng hơn 15.000ha, thông qua Nghị quyết 114 chủ yếu hỗ trợ cung cấp giống cho người dân trồng; cho người dân và doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Tỉnh còn có 3 dự án mở đường lên vùng sâm. Lâu nay lên vùng sâm vô cùng gian nan, việc làm đường không chỉ kết nối với vùng sâm mà còn kết nối với tỉnh Kon Tum, qua đèo Lò Xo (Phước Sơn), qua đường mòn Hồ Chí Minh. Được sự cho phép của tỉnh, huyện đã cấp dịch vụ môi trường rừng với 600ha rừng thuộc 3 xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam cho người dân trồng và đã trồng được 250ha. Ý thức của bà con tăng lên rõ rệt, có những thôn cả làng trồng sâm, nhà nhà trồng sâm, các thế hệ kế tiếp trong gia đình trồng sâm để thoát nghèo.
Lâu nay họ đã bán sâm giống qua Kon Tum thì nay họ phải qua bên kia mua giống về trồng. Bảy xã trong vùng quy hoạch trồng sâm, ngoài mô hình trong dân, mỗi xã còn có 2 mô hình trồng tập trung có diện tích 500 - 700m2 đất rừng để trồng sâm thử nghiệm. Ý thức giữ rừng của bà con rất cao, nhiều người đã có ý thức trồng rừng, không chặt phá rừng bừa bãi. “Hiện, giá sâm trên thị trường rất cao, từ 40 - 100 triệu đồng/kg, đặc biệt củ sâm từ 2 lạng trở lên rất giá trị. Bộ TT&TT đã khảo sát, sắp tới sẽ làm tem về sâm Ngọc Linh. Chúng tôi đã báo cáo với Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, báo cáo Thủ tướng công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm của quốc gia. Còn một số việc, ví như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trồng, quản lý, phát triển cây sâm, phát huy giá trị của CDĐL, thiết nghĩ các bộ giúp đỡ việc này” - ông Bửu thông tin.
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay vẫn là nguồn sâm giống. Ông Bửu so sánh: Hàn Quốc trồng sâm trên núi, mỗi người dân có cả trăm ký giống để trồng, gieo trên núi, trong khi mỗi cây sâm giống tại vùng Nam Trà My đã tăng từ 30 – 40 nghìn đồng, 1 hạt giống sâm 15 nghìn đồng, thậm chí có lúc lên đến 100 nghìn đồng/cây đối với cây giống 1 năm tuổi cũng không có để bán, để trồng. “Mong rằng, Bộ NN-PTNT vào cuộc để phát triển giống, nên có các nhà khoa học trung ương vào cuộc. Nhà nước cũng nên khuyến khích các doanh nghiệp vào trồng sâm, ví như các chính sách về thuế, giao đất giao rừng theo quy định để doanh nghiệp có thể trồng, phát triển các sản phẩm từ sâm. Cần đa dạng hóa sản phẩm từ sâm, như các dòng nước tăng lực, viên ngậm, mỹ phẩm, rượu, trà sâm… chứ không nên tiêu thụ thô như hiện nay” - ông Bửu nói.
Tại lễ đón nhận giấy chứng nhận đăng ký CDĐL, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng việc xác lập sở hữu trí tuệ về CDĐL “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ có vai trò hết sức quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững vùng Nam Trà My. Cần phát triển sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia và thế giới bằng những giải pháp, mục tiêu thiết thực. Cần đề xuất thành lập hội sâm Ngọc Linh; tiến hành trao quyền sử dụng CDĐL cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định. Cùng với đó, cần thẩm định, phê duyệt một số dự án, đề tài trọng điểm liên quan đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, đặc biệt là khâu ươm tạo giống…
BÍCH LIÊN